Hiếu “su mô” ẵm HCB Toán Quốc tế

(Dân trí) - Phạm Hy Hiếu được bạn bè gọi với cái tên đáng yêu là “su mô” vì thân hình hơi mập. Với chàng trai sở hữu HCB Toán Quốc tế 2009 này thì điều cậu tâm đắc chính là: “Thiên tài chỉ có 1% là năng khiếu, còn lại là do rèn luyện mà có được”.

Hiếu  “su mô” ẵm HCB Toán Quốc tế  - 1

Niềm đam mê Toán học trong Phạm Hy Hiếu trỗi dậy vì sự tự học và sự ý thức với con đường mình đã chọn.


Cách duy nhất  để học Toán là làm Toán 

Hiếu luôn tâm niệm với câu nói này. Với Toán, Hiếu không dễ từ bỏ hay đầu hàng trước những bài hóc búa mà đôi khi nó như sự thách đố với những ai muốn chinh phục đỉnh cao. Hiếu chăm chỉ làm bài tập hơn, rèn luyện cho mình khả năng tư duy nhanh và phản ứng với những vấn đề Toán đã từng một lần gặp. Tuy nhiên, vì thời gian không nhiều nên việc chọn lọc bài vở cũng được Hiếu quan tâm.  

Năm lớp 4, Hiếu bắt đầu thích học Toán. Trong 4 năm THCS, Hiếu tự xếp mình vào hàng kém nhất lớp đối với môn Toán. Đến giữa lớp 8, Hiếu vẫn không nắm được 3 dấu hiệu nhận biết tam giác bằng nhau. Nhưng từ khi lên cấp 3, việc giải Toán với Hiếu là một việc mang lại nhiều hứng thú nhất. 

Khi học tại Phổ thông năng khiếu (PTNK), người tiếp tục “thêm lửa” vào đam mê của Hiếu là thầy Trần Nam Dũng, một thầy dạy Toán hay của trường. Thầy vẫn thường nói: “Tôi không dạy các em làm Toán. Tôi chỉ có trách nhiệm khơi dậy đam mê trong các em, việc còn lại là do các em tự lực”. 

Hiếu luôn tự hào và hạnh phúc vì được học trong môi trường PTNK, nơi nuôi dưỡng niềm đam mê Toán học và nối dài những thành tích trong con đường Toán học của Hiếu. 

Hiếu chia sẻ thêm: “Mỗi lần giải được bài toán khó mình đều có cảm giác như thoả mãn thứ gì đó giống như người ta phá được một kỷ lục nhảy cao hay chạy nước rút vậy”. 

Hiếu luôn đặt ra cho mình những kế hoạch “dài hạn” trong việc học Toán. Ví như “trong tuần sau, mình phải nắm được các kiến thức về tỉ số kép” hay “sau 3 tháng mình phải học tốt phần Tổ Hợp hơn”… chứ không có kế hoạch theo kiểu “hôm nay 9h mình học Đại Số đến 11h30 thì ăn cơm…”. Theo cậu làm như thế sẽ linh hoạt hơn và đạt năng suất học tập cao hơn rất nhiều. 
 
Hiếu  “su mô” ẵm HCB Toán Quốc tế  - 2
Lúc nhận huy chương, người Hiếu nghĩ đến đầu tiên là bố mẹ.

Khi nhận huy chương, Hiếu cảm thấy một chút tự hào và cũng có một chút tiếc nuối vì theo Hiếu nếu cố gắng rèn luyện thì có lẽ kết quả đã tốt hơn. 

Lúc đó, người đầu tiên Hiếu nghĩ đến là bố mẹ. Cậu nhớ lại khoảng thời gian học THCS, vì kết quả học tập quá tệ, đặc biệt là ở môn Toán nên bố không thích việc Hiếu cố gắng thi vào PTNK. Nhiều lần, bố cậu khuyên nên theo học một trường thường cho đỡ vất vả. Đến khi đỗ PTNK, cũng vì thương con luôn phải thức khuya làm bài nên bố mẹ động viên cậu rút khỏi đội tuyển và cố gắng học Anh văn để tìm con đường du học. 

Hiếu khoe: Tuy bố mẹ nói như vậy nhưng vẫn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cậu học tập. Hiếu xúc động: “Tấm chương Bạc mình đang đeo trên cổ lúc ấy, có một nửa công sức là của bố mẹ, phần còn lại là của các thầy đã dạy dỗ, khuyến khích học Toán, sức của mình và sự may mắn chỉ là một phần nhỏ mà thôi”.  

Bạn bè  nghĩ Hiếu là người “lập dị” 

Hiếu thường được bạn bè gọi với cái tên đáng yêu là “su mô” vì thân hình hơi mập của mình. Cậu thích ngồi thưởng thức thời gian trôi qua và suy nghĩ những việc linh tinh, đôi khi bị bố mẹ hay bạn bè trêu là “lập dị” mặc dù thấy mình cũng không đến nỗi như vậy. 

Hiếu thích xoay rubic, chat, viết blog, nghe nhạc, thường “tự sướng” bằng cách tự hát mấy bài mình thích rồi thu lại vào điện thoại, lâu lâu mở ra nghe, nhưng rất sợ người khác nghe được. 

Hiếu luôn tâm niệm rằng, con người sử dụng Toán học trong đời sống nhiều đến mức họ không nhận ra. Hiếu kể ví dụ điển hình về chính mình. Hiếu luôn tính toán nên dùng số tiền bố mẹ cho hàng tuần để làm gì cho có ích bằng cách áp dụng một số lý thuyết tối ưu, nhưng gần như lần nào cũng chỉ “lời” được không quá 10 ngàn đồng.
 
Hiếu  “su mô” ẵm HCB Toán Quốc tế  - 3
Hiếu chụp ảnh lưu niệm cùng bạn sau khi nhận huy chương.

Điều ấn tượng nhất với Hiếu khi tham dự Olympic Toán quốc tế là sự chuyên nghiệp và tôn trọng giờ giấc đặc biệt của con người Đức. Cậu kể: Khi đi tàu từ Frankfurt đến Bremen, có thông báo “Giờ tàu đến là 9h34, giờ tàu đi là 9h37”, và mọi việc diễn ra đúng như vậy, không chậm một chút nào cả. 

Hiếu tỏ ra ngưỡng mộ Leonard Euler - là tác giả của nhiều công trình Toán học từ Hình Học đến Đại Số, Lý Thuyết Số, Giải Tích cổ điển, là cha đẻ khai sinh là Lý Thuyết Đồ Thị, một thiên tài không đầu hàng nghịch cảnh. Hỏi Hiếu về nhà Toán học này thì cậu có thể say mê kể về ông trong hàng giờ với sự nể phục, ngợi ca. 

Ước mơ của cậu trong tương lai gần là một lần nữa được có mặt trong đội tuyển Việt Nam, dự thi IMO 2010 tại Kazakstan. Còn xa xôi hơn, Hiếu mong rằng mình sẽ được nhận vào học ở một trường Đại Học nào đó tại Mỹ (như ĐH Harvard, MIT, Stanford) với chuyên ngành Toán ứng dụng, sau đó chuyển hướng sang tài chính.  

Mơ ước của cậu là được ứng dụng tư duy Toán vào các lĩnh vực khác. Hiếu mong muốn vừa theo đuổi niềm đam mê Toán học vừa được hoạt động trong các lĩnh vực xã hội và cố gắng lấy bằng Tiến Sĩ trước 30 tuổi. Sau đó về Việt Nam làm việc, lập gia đình, sống phụng dưỡng bố mẹ.  

Một ước mơ giản dị nhưng không phải dễ dàng. Hiếu đang quyết tâm và nỗ lực từng ngày để thực hiện mong ước đó. 

Phạm Hy Hiếu (SN: 22/06/1992), lớp 11 khối Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM.

- Lớp 5:       + Thủ  khoa học sinh giỏi cấp TPHCM bậc Tiểu học.

      + Nhận giải thưởng Toán học Nguyễn Đình Chung Song.

- Lớp 6: Huy chương Vàng Toán tiểu học Quốc tế tại Ấn Độ.

- Lớp 9: Á khoa khối PTNK ĐH Quốc gia TP HCM.

- Lớp 10: + Huy chương Vàng Olimpiad 30/4.

                + Huy chương Bạc SMO (Singapore Mathematical Olimpiad).

                + Giải khuyến khích HN – AMS Olimpiad.

- Lớp 11: Giải 3 Quốc gia môn Toán.

           + Cúp Vàng cuộc thi Vui học Toán và Anh văn (do Sở GD TPHCM tổ chức).

           + Huy chương Bạc Olimpiad 30/4.

           + Huy chương Bạc IMO 2009.

- Tham dự trại hè Toán học năm 2008 và 2009 do VMF (diễn đàn Toán học tổ chức).

 

Nguyễn Thị  Đóa