GS. NGND Đinh Xuân Lâm: Cây đời xanh mãi

Nếu bạn có dịp đi xe buýt ở Hà Nội, nhất là trên tuyến xe số 18 mà gặp một cụ già tóc bạc phơ với đôi mắt sáng và nụ cười hiền từ pha chút hóm hỉnh thì rất có thể, đó là GS. NGND Đinh Xuân Lâm.

Ông được xem là một trong "tứ trụ” ("Lâm, Lê, Tấn, Vượng”, gồm Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) của sử học Việt Nam đương đại. 

GS. NGND Đinh Xuân Lâm: Cây đời xanh mãi
GS. NGND Đinh Xuân Lâm.

Chuyện ông dành trọn cả cuộc đời mình để dạy lịch sử, nghiên cứu sử Việt Nam, đi theo Cách mạng, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, nhân dân với Huân chương kháng chiến hạng Ba, danh hiệu GS. NGND thì hầu như ai cũng biết. Dù là những năm tháng đứng trên bục giảng ở trường THPT Lam Sơn (Thanh Hóa) hay ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội), thậm chí trong những ngày sơ tán trên rừng Đại Từ (Thái Nguyên) đói rét, khổ cực thì GS. Đinh Xuân Lâm vẫn luôn để lại trong lòng học trò những ấn tượng tốt đẹp. Không chỉ có vốn tri thức uyên bác, tư duy khúc triết, phong thái làm việc ung dung, hòa nhã, nhiều thế hệ sinh viên khoa Lịch sử (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) vẫn truyền tai nhau về sự tận tình, nhiệt huyết khi truyền dạy kiến thức, sự thân tình, gần gũi trong ứng xử giữa thầy Đinh Xuân Lâm và học trò...

Tôi không có may mắn được học GS. Đinh Xuân Lâm ngày nào trên giảng đường đại học, dù cũng trưởng thành từ mái trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Nhưng sau này công việc đã giúp tôi có cơ hội được gặp và trò chuyện cùng với GS. Đinh Xuân Lâm. Ấn tượng về những cuộc gặp ấy ngoài sự khâm phục, kính trọng một nhân cách khoa học toàn vẹn thì điều tôi khắc sâu nhất chính là sự giản dị đến ngỡ ngàng trong cuộc sống hàng ngày của người thầy đáng kính.

Ở tuổi ngoại bát tuần, GS. Đinh Xuân Lâm vẫn ngày ngày đi xe buýt từ nhà riêng ở Thái Thịnh lên phố Lò Đúc để làm việc. Nhiều người biết chuyện hoặc là không tin, hoặc là không ngừng thắc mắc tại sao ông lại chọn loại phương tiện di chuyển vất vả như xe buýt, nhất là trong những ngày mưa hay khi nắng nóng gay gắt. Câu trả lời hóa ra rất đơn giản: "Các con tôi cũng muốn đưa đón tôi từ nhà lên chỗ làm việc nhưng tôi từ chối ngay. Tôi tự đi và về nên có thể chủ động được về mặt thời gian, miễn sao phù hợp với sức khỏe của mình. Huống hồ con cái còn công việc, sao có thể đưa đón mãi được. Tôi chọn xe buýt chứ không phải taxi hay xe ôm, thứ nhất là vì tôi đi làm gần như mỗi ngày nên nếu "có người đưa đón riêng” thì tốn kém quá. Trong khi đó, đi xe buýt cũng có những cái hay của nó chứ không chỉ toàn những điều khó chịu như nhiều người vẫn nói. Chẳng hạn, tôi luôn được các bạn trẻ nhường ghế ngồi, lái xe cũng có nhiều người lái cẩn thận, từ tốn lắm...” - GS. Đinh Xuân Lâm chia sẻ.

Trong căn phòng chót vót tận trên tầng 20 của Chung cư 93 Lò Đúc, lần nào tôi đến cũng chỉ thấy có một mình GS. Đinh Xuân Lâm ở đó. Lại nhìn đến những tấm ảnh được bày trang trọng trong tủ kính hay trên mặt tủ, tôi không khỏi thắc mắc nên có lần đã đánh bạo hỏi ông. Một cách vui vẻ, ông bảo căn phòng này là do người con trai và con dâu cả của ông, hiện đang sống và làm việc ở Budapest (Hungary) mua biếu, để ông có không gian làm việc yên tĩnh, tập trung. Nơi đây cũng rất gần với Viện sử học Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nên ông có thể đi bộ sang đó bất cứ lúc nào. Chẳng thế mà nhiều lần tôi đến thăm ông, sau khi câu chuyện kết thúc đều thấy ông chuẩn bị vài cuốn sách hoặc cuốn tạp chí hay để đem sang Viện và Hội cùng trao đổi với những người bạn, người đồng nghiệp đam mê nghiên cứu lịch sử như mình.

Hỏi chuyện về gia đình, ông bảo cả 3 người con (gồm 2 trai, 1 gái) của ông đều không có ai theo ngành sử học. Mà ông thì chẳng ép buộc ai bao giờ, ngay cả với con cái cũng vậy. Thành ra, điều ông đang canh cánh trong lòng hiện nay chính là gia tài sách về lịch sử mà ông đã dành trọn đời để sưu tập cũng có, mà tự viết, biên soạn cũng có sẽ phải xử trí ra sao sau này. Nhiều đơn vị, tổ chức cũng đã đặt vấn đề xin lại để sử dụng vào mục đích nghiên cứu, bản thân ông cũng đã có một số dự định... Nhưng dù tặng lại ai thì GS. Đinh Xuân Lâm chia sẻ rằng cũng mong những cuốn sách quý một đời ông nâng niu, gìn giữ sẽ được sử dụng một cách hữu ích nhất, trở thành những tài liệu nghiên cứu giúp cho nhiều thế hệ người Việt, thậm chí là người nước ngoài có thể tìm đọc để thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về truyền thống lịch sử Việt Nam.

Theo Thu Hương
Đại Đoàn Kết