“Góc khuất” danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân

(Dân trí) - Nhà giáo ưu tú (NGƯT), nhà giáo nhân dân (NGND) - những danh hiệu thiêng liêng, cao quý nhất của người thầy. Nhưng không phải lúc nào, sự tôn vinh đó cũng là niềm hạnh phúc nghề nghiệp cao nhất với họ, bởi có những “góc khuất” chỉ người trong cuộc mới thấm thía…

Danh hiệu chỉ để dành cho “sếp”?!

Hội đồng xét tặng danh hiệu NGƯT, NGND của Bộ GD-ĐT vừa tiến hành công tác xét tặng các danh hiệu cao quý dành cho các nhà giáo năm 2008. 23 thành viên Hội đồng đã nghiên cứu, thảo luận 562 hồ sơ và được Chủ tịch Hội đồng đưa vào danh sách bỏ phiếu tán thành 33 hồ sơ NGND, trong đó có 16 trường hợp đặc cách và 492 hồ sơ NGƯT, trong đó có 36 trường hợp đặc cách.

So với tổng số 562 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT, NGND lần thứ 10 này, Hội đồng đã loại ra 5 hồ sơ NGND và 32 hồ sơ NGƯT không đủ số phiếu tán thành theo quy định.

Để đạt được những danh hiệu này, yêu cầu các thầy cô giáo phải đạt nhiều yêu cầu như người được đề nghị xét tặng danh hiệu NGND phải thực sự là tấm gương sáng đối với học sinh và đồng nghiệp; có công lớn cho sự nghiệp giáo dục của dân tộc; đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGƯT tính đến năm xét tặng từ 6 năm trở lên và trong thời gian đó được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc hoặc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên.

Người được đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT phải có nhiều đóng góp trong việc xây dựng đơn vị, trường học trở thành tập thể lao động xuất sắc; có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên, riêng với cán bộ quản lý giáo dục, nghiên cứu giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy…

Nhưng trong số 525 hồ sơ “trúng cử” cho danh hiệu NGƯT, NGND năm 2008, phần lớn ứng viên đều là thành phần quản lý cấp Sở và Hiệu trưởng các trường. Số người được trao tặng danh hiệu này là giáo viên, giảng viên rất ít.

Như tại Hà Nội, có 16 hồ sơ xét tặng thì không có ai trong đó là giáo viên mà tất cả đều là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trường, Trưởng phòng Giáo dục, Giám đốc Trung tâm giáo dục từ xa… Tại Hải Phòng có 15 người thì “may mắn” được lọt vào trong đội ngũ các Hiệu trưởng ở đó có 3 người là giáo viên. Bắc Ninh có 15 người, chỉ có duy nhất một người là giáo viên được đề cử xét tặng.

Một loạt các tỉnh như Hà Nam, Hà Tây (cũ), Lai Châu, Bắc Kạn, Đắc Lắc, Đắc Nông, Đồng Nai, Cà Mau… đều “trắng” giáo viên trong danh sách này.

Chút chạnh lòng của người đứng đầu ngành giáo dục

Vào cuối mùa đông năm 2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân có đi thăm một làng quê nghèo có tên là Thanh Cao ở Hà Tây. Khi tiếp xúc với thầy và trò của một trường mầm non nơi đó, Bộ trưởng đã rất ưu tư về một cô giáo mầm non nơi đây. Hôm ấy, ông nhận ra rất nhanh vẻ hồn hậu và tấm lòng đấy nhiệt huyết của cô giáo ấy mà không cần phải đọc qua bất kỳ bản báo cáo thành tích nào. Ngay cả cái tên rất khó nhớ của cô là Nguyễn Thị Ư, ông cũng nhớ rất nhanh.

Ông đã tỏ vẻ rất buồn khi biết cô giáo đó đã 33 năm cống hiến cho ngành giáo dục bằng tất cả nhiệt huyết, tài năng cũng như tấm lòng yêu nghề của một người thầy, nhưng như tâm sự của cô thì cô chưa một lần hy vọng mình sẽ được nhận danh hiệu NGƯT.

Khi ấy, Bộ trưởng có lưu ý những người đi cùng mình, đều là những lãnh đạo của ngành giáo dục rằng, phải xem xét đến trường hợp của cô Ư.

Vì danh hiệu NGND, NGƯT được xét và công bố 2 năm/1 lần vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 nên sự lưu ý đó của Bộ trưởng tất nhiên không thể thực hiện được vào năm đó.

Và 2 năm đã trôi đi. Chút chạnh lòng của Bộ trưởng đã chìm vào lãng quên. Cô Nguyễn Thị Ư vẫn là một cô giáo và ngày một già hơn, nhưng tấm lòng và nhiệt huyết của cô dành cho lũ trẻ vẫn tràn đầy như cái thời cô hai muơi tuổi. Chỉ có danh hiệu NGƯT của cô mãi chỉ như một giấc mơ.

Trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NGƯT của tỉnh Hà Tây (cũ) năm 2008 chỉ có 5 người và họ đều là những nhà quản lý “sừng sỏ” của ngành giáo dục tỉnh này như bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT; Bà Vũ Thị Tâm Huyền, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thượng Hiền; Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng trường THPT Sơn Tây; Ông Phạm Xuân Dung, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cộng đồng; Bà Đặng Thị Phúc, Phó Hiệu trưởng trường TH Đoàn Kết (TP Hà Đông).

Một cô giáo mầm non nhỏ bé như cô Ư đương nhiên chỉ có thể là chút chạnh lòng của người đứng đầu ngành giáo dục mà thôi…

Mai Minh