Trung Quốc:

Giới thiệu công việc “ma” để “bốc” uy tín cho trường

(Dân trí) - Để “thổi phồng” khả năng của mình trong việc đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trong thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một số trường đại học ở Trung Quốc đã cấp hợp đồng lao động giả mạo cho sinh viên.

Giới thiệu công việc “ma” để “bốc” uy tín cho trường - 1
Người xin việc tại một hội chợ việc làm  ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)

Một cử nhân ở tỉnh Thiểm Tây tiết lộ trên một trang web rằng, trường ĐH của anh đã cấp cho anh một hợp đồng lao động giả. Cử nhân này cho biết tờ hợp đồng có chữ ký của giáo viên giảng dạy anh giới thiệu cho anh đến làm việc tại một công ty ở tỉnh Thiểm Tây nhưng thực sự công ty này không tồn tại! 

Một người bạn cùng phòng của cử nhân này cũng nhận được một hợp đồng làm việc giả mạo, nhưng được giới thiệu đến làm việc tại một công ty khác. Cả hai công ty này đều là công ty “ma” do nhà trường bịa ra để làm tăng tỷ lệ có việc làm của SV sau khi tốt nghiệp. 

Một chuyên gia giáo dục giấu tên cho biết, việc làm giả tỷ lệ SV ra trường có việc làm không phải là trường hợp hiếm thấy ở các trường ĐH ở Trung Quốc và việc này đã tồn tại nhiều năm nay.  

Theo chuyên gia này, nguyên nhân là do cạnh tranh ác liệt giữa các trường ĐH, uy tín và năng lực của một trường ĐH phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ SV ra trường có việc làm.  

Đồng thời, ở nhiều trường ĐH của Trung Quốc có một quy định bất thành văn là SV không thể tốt nghiệp nếu không thể tìm được việc làm. Điều này có nghĩa là nhiều SV chưa có việc làm phải mua hợp đồng làm việc giả mạo từ các công ty nhỏ thì mới được cấp bằng tốt nghiệp. 

Cử nhân nói trên ở tỉnh Thiểm Tây nói đùa một cách chua chát rằng: “Cảm ơn trường tôi đã quá tận tình khi cấp cho tôi hợp đồng làm việc giả mạo. Nếu không thì tôi cũng phải tự đi “tậu” một hợp đồng như thế”.  

Theo Chinadaily, từ khi Trung Quốc mở rộng hệ thống giáo dục bậc cao năm 1999, các cử nhân và các trường ĐH nước này đối mặt với áp lực việc làm ngày càng tăng. Hiện ở Trung Quốc có một số lượng kỷ lục 6,1 triệu cử nhân đang vật vã tìm việc trong tình hình thị trường việc làm rất khó khăn. 

Xuân Vũ
TheoChinadaily