“Em sẽ làm điều tra viên”

(Dân trí) - Hào hứng, tò mò, thêm kinh nghiệm - đó là lý do nhiều sinh viên khoa Xã hội học trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đăng ký làm điều tra viên trong cuộc Tổng tổng điều tra dân số và nhà ở. Những điều họ gặp phải trong công việc, sẽ khiến nhiều người bất ngờ.

“Giỗ Tổ cháu cũng đi à?”

 

Sinh viên làm điều tra viên cũng “oai” như ai, tức là cũng được tập huấn, cũng có thẻ điều tra viên. Họ mang theo một xấp phiếu đến gõ cửa từng nhà và hỏi thông tin rồi “tích” vào phiếu.

 

Trần Quỳnh Nga, K53 Xã hội học, ĐHKHXH&NV Hà Nội chia sẻ: “Ngày đầu tiên làm điều tra viên mình thấy rất vui. Bởi mọi người trả lời rất nhiệt tình. Có một ngày mình đi cùng bác tổ trưởng tổ dân phố, công việc rất nhanh lại nhàn nữa”.

 

Nga kể lại một kỷ niệm khá hài hước. Số là ngày 10/3 trong khi cả nước được nghỉ thì những điều tra viên sinh viên vẫn phải đi làm. Đến một hộ gia đình, bác chủ nhà thấy vậy hỏi lại: “Sao dịp lễ giỗ Tổ cháu cũng đi à?”. Nga nghĩ thầm, “có ngày nghỉ lễ thì mới gặp được bác ở nhà chứ”.

 

Công việc suôn sẻ khiến nhiều sinh viên hứng thú. Vi Văn Định, K51 Xã hội học vui vẻ nói: “Khu vực tôi điều tra phần đông có trình độ dân trí cao nên việc điều tra diễn ra rất thuận lợi. Có những hôm đi một mình, không có tổ trưởng tổ dân phố đi cùng, tôi vẫn có thể làm tốt. Trong một ngày, tôi có thể điều tra được 30 - 40 hộ”.

 

Nguyễn Ngọc Mai, K53 Xã hội học kể lại một kỷ niệm đáng nhớ: “Hôm ấy em đến nhà một bác ở đường Vũ Trọng Phụng. Càng trò chuyện càng thấy có nhiều điều thú vị. Thì ra bác chủ nhà là nhà giáo, nhà báo kiêm nhà thơ. Bác ấy cho em số điện thoại và địa chỉ email để tiện liên lạc. Bác ấy còn bảo khi nào có bài đăng trên báo, bác ấy sẽ gửi qua mail cho em đọc. Hôm đó em thấy rất vui. Công việc cũng tiến triển tốt”.

 

Cùng tâm trạng vui vẻ, Nguyễn Thị Tố Uyên, K51 Xã hội học chia sẻ: “Mình gặp một bác chủ nhà tốt lắm. Mình còn được mời ăn, mời uống cà phê nữa”.

 

Không chỉ trực tiếp chứng kiến, nhiều sinh viên còn được nghe bạn bè kể lại những câu chuyện đáng nhớ trong quá trình điều tra. Dương Thị Yến, K51 Xã hội học cho biết: “Bạn em kể trong một lần điều tra bạn ấy đến nhà một bác làm ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hôm ấy bác ấy mới đi công tác về. Con trai bác ấy lại đi làm chưa về. Thế là bác ấy bảo bạn em ở lại, nấu cơm mấy bác cháu cùng ăn”.
 
“Em sẽ làm điều tra viên” - 1

Không phải chủ nhà nào cũng nhiệt tình thế này!

Không phải toàn màu hồng

 

Điều tra viên là sinh viên nên cũng gặp phải không ít tình huống “dở khóc, dở cười” trong quá trình điều tra. Bởi trình độ dân trí khác nhau nên cách “đối xử” với điều tra viên cũng khác nhau. 

 

“Với những người có trình độ dân trí cao, hiểu biết, họ mời điều tra viên vào nhà và tiếp đón nhiệt tình. Có người bắt trình thẻ sinh viên, giấy giới thiệu mất khoảng 15, 20 phút. Trong khi nếu hỏi thì chỉ khoảng 5 phút. Cũng có người không tiếp đón, không mời vào nhà. Họ “thò” đầu qua song cửa để trả lời”, Trần Quỳnh Nga, K53 Xã hội học cho biết.

 

Làm việc vào buổi tối, lại đi một mình nên với điều tra viên, nhất là sinh viên nữ, có quá nhiều nguy hiểm rình rập.

 

Trần Quỳnh Nga, K53 Xã hội học rùng mình kể lại: “Đi điều tra thế này, trước khi gõ cửa không biết người mình gặp là ai. Đó là người tốt hay người xấu. Có lần mình đến điều tra một hộ gia đình, không ngờ đó là 1 khu trọ cho thuê. Tầng 1 họ để xe máy. Tầng 2 cũng có phòng nhưng đi vắng. Mình lên tầng 3 để hỏi. Trên đó có 3 đứa con trai. Ở dưới tầng 1 họ khóa cửa vì sợ mất xe. May mà mấy đứa này tử tế chứ gặp phải người xấu, chắc mình “tiêu” rồi”.
 
“Em sẽ làm điều tra viên” - 2

Nguyễn Ngọc Mai, K53 Xã hội học đang “dò tìm” địa chỉ

 

Nguyễn Ngọc Mai, K53 Xã hội học cho biết thêm: “Mấy lần đi điều tra vào các ngõ hẻm em rất sợ. Đường vắng, tối. Em bị mấy thanh niên “hỏi thăm” nhưng rất may không xảy ra chuyện gì cả”.

 

Tuy vậy, một lần làm điều tra viên cũng giúp sinh viên có thêm được nhiều kinh nghiệm.

 

Nguyễn Thị Tố Uyên, K51 Xã hội học tâm sự: “Đi điều tra, mình thực hành được kỹ năng phỏng vấn, rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp và cách ứng xử với mọi người”.

 

Còn với Dương Thị Yến, K51 Xã hội học thì : “Em thấy mình trưởng thành hơn. Do tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau nên phải “tùy cơ ứng biến”, phải khéo léo để thuyết phục họ cung cấp thông tin cho mình”.

 

Không có công việc nào toàn màu hồng. Với các bạn sinh viên là điều tra viên cũng vậy. Một lần làm điều tra viên cũng giúp các bạn hình dung được phần nào công việc của mình sau này. “Em sẽ làm điều tra viên”, Nguyễn Ngọc Mai, K53 Xã hội học vui vẻ nói.

 

Nguyễn Thúy