Tư vấn tuyển sinh 2011:

Dự thi vào khối trường công an có yêu cầu học lực?

(Dân trí) - Tự ý bỏ học khi dự thi lại ĐH có cần xin phép Ban giám hiệu? Khả năng trúng tuyển trường ĐH Y Hà Nội như thế nào? Xin xác nhận Ban giám hiệu nhà trường như thế nào?....

Hỏi: Em là sinh viên hệ CĐ của một trường ĐH những em chỉ theo học trường đó học kì 1, sang học kì 2 em tự ý bỏ học, không đi học và cũng không nộp học phí. Em đã quyết định không theo học trường này nữa. Em muốn thi lại ĐH, vậy em có phải xin xác nhận của Hiệu trưởng trường đó để được thi lại không. Nếu em đỗ ĐH khách thì em có thể rút hồ sơ ở trường cũ ra được không? (moonalone_9x@yahoo.com)

*Trả lời:

Theo quy chế tuyển sinh nếu sinh viên đã có quyết định thôi học thì khi dự thi ĐH không cần phải xin phép Ban giám hiệu nhà trường mà xem mình là thí sinh tự do và làm hồ sơ ĐKDT bình thường.

Mặc dù em đã tự ý bỏ học nhưng vẫn chưa có quyết định thôi học nên tốt nhất em đến trường để làm thủ tục rút hồ sơ trước khi kì thi tuyển sinh ĐH diễn ra. Chúc em thành công!

Với điểm thi khoảng 25 điểm (cộng cả điểm vùng) thì cơ hội vào Đa Khoa Đại học Y Hà Nội có cao không? Điểm chuẩn năm 2010 của Ngành Đa Khoa là 24 liệu năm nay có thể đột phá lên nhiều không? Và nếu không đỗ chính quy mà mình có đủ điểm vào hệ ngoài ngân sách thì chương trình đào tạo sẽ giống hay khác so với hệ chính quy? (maian.vn@gmail.com)

Vào thời điểm này để đánh giá điểm chuẩn của ĐH Y Hà Nội có tăng hơn so với năm 2010 hay không thì không có cơ sở. Chỉ khi nào kì thi diễn ra thì dựa vào mức độ đề thi, trình độ thí sinh dự thi thì mới có cơ sở để phân tích đánh giá.

Theo Ban tư vấn thì nếu năm nay mức độ ra đề thi được cải tiến như năm 2010 thì điểm chuẩn của các trường khó có khả năng tăng so với năm trước. Còn trong trường hợp đề thi không có sự phân loại thí sinh tốt thì nguy cơ các trường top có điểm chuẩn tăng là điều khó tránh khỏi.

Giữa hệ ngoài ngân sách và Chính quy chỉ khác nhau về mức đóng góp học phí. Bên cạnh đó hệ ngoài ngân sách không được hưởng các chính sách về miễn, giảm học phí. Ngoài những yếu tố này thì cơ bản hai hệ đào tạo này đều giống nhau. Cụ thể khi tốt nghiệp ra trường đều được cấp bằng chính quy. Thông thường để trúng tuyển vào hệ ngoài ngân sách thì điểm thi thấp hơn điểm chuẩn khoảng 1-2 điểm.

Với việc em tự tin có thể thi được khoảng 25 điểm thì theo Ban tư vấn em không ngại ngần đầu đơn vào trường ĐH Y Hà Nội nếu em thực sự yêu thích ngành Bác sỹ Đa khoa.

Năm nay em định thi vào trường ĐH An Ninh nhân dân TPHCM nhưng em không biết cần có điều kiện học lực như thế nào? Em là nữ vậy điều kiện có gì khác không? (hoangtucodon.trinh@gmail.com)

Theo quy định, tất cả thí sinh dự thi vào các Học viện, trường ĐH khối công an đều phải qua sơ tuyển trong tháng 3/2011 tại công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú (hồ sơ ĐKDT mua tại nơi tuyển). Thí sinh là học sinh THPT hoặc bổ túc THPT không quá 20 tuổi, học sinh có cha và mẹ là người dân tộc thiểu số không quá 22 tuổi.

Bộ Công an chỉ tuyển vào ĐH và Trung cấp công an đối với những thí sinh đạt yêu cầu sơ tuyển và dự thi vào một trong các học viện, trường ĐH công an. Khác với quy định đối với thí sinh nộp hồ sơ vào các trường thuộc khối dân sự, thí sinh dự thi vào các trường công an không nộp hồ sơ đăng ký dự thi qua Sở GD-ĐT mà nộp trực tiếp cho công an quận, huyện, thị xã để chuyển về công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thí sinh không trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng sẽ được xét tuyển vào Trung cấp theo nguyên tắc lấy điểm liền kề từ cao xuống thấp theo chỉ tiêu của công an từng đơn vị, địa phương.

Đối với việc tuyển nữ, theo quy định của Bộ Công an, việc sơ tuyển nữ học sinh phổ thông do giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các đơn vị có chức năng sơ tuyển quyết định dựa trên nhu cầu sử dụng cán bộ nữ của đơn vị, địa phương mình. Điểm xét tuyển theo chỉ tiêu nữ riêng cho từng trường và từng ngành học. Chính vì thế em cần liên hệ trực tiếp với Sở công an nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú để biết địa phương có chỉ tiêu tuyển nữ hay không.

Về học lực thì theo quy định của Bộ công an thí sinh dự thi phải đảm bảo: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, trong 3 năm học PTTH có học lực từ loại trung bình, xếp loại hạnh kiểm khá, tốt. Trong đó 3 môn thuộc khối dự thi đạt 6.00 điểm/1 môn trở lên; Đối với học sinh nữ về học lực 3 năm PTTH đạt loại khá trở lên, điểm 3 môn thuộc khối dự thi đạt từ 7.00 điểm/1 môn trở lên. Có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt từ loại khá, tốt. Riêng đối tượng là học sinh đang học lớp 12 chỉ tính hạnh kiểm và học lực học kỳ I của lớp 12.

Cho em hỏi, em năm nay định thi lại đại học. Nhưng em nghe nói phải có sự xác nhận của Hiệu trưởng, nếu không có vẫn được, nhưng khi chuyển trường thì rất phức tạp. Nhưng cho em hỏi, chuyển trường là có chuyển kết quả học tập luôn hay sao? Nếu em thi đậu bên này và học lại từ đầu, thì em nghỉ hẳn luôn trường bên này luôn, rồi sang bên kia học mà không có thủ tục chuyển trường phải không? (daiquy007@gmail.com)

Cần lưu ý khái niệm chuyển trường với thi lại ĐH là hoàn toàn khác nhau. Việc chuyển trường được thực hiện theo quy chế đào tạo ĐH, CĐ. Đối với thi lại ĐH thì đồng nghĩa em xác định học lại từ đâu, tuy nhiên theo quy chế tuyển sinh thì sinh viên đang học muốn dự thi phải được phép Ban giám hiệu nhà trường.

Việc làm này nhằm mục đích khi trúng tuyển sinh viên sẽ không bị gây khó khăn khi muốn rút hồ sơ. Ngoài ra còn tránh trường hợp bị trường đang học can thiệp không cho trúng tuyển ở trường mới.

Có nhiều bạn sinh viên hay thắc mắc là trường đang theo học sẽ can thiệp như thế nào đối với việc trúng tuyển? Nhân tiện đây Ban tư vấn cũng nói rõ như sau: Nếu sinh viên dự thi không xin phép thì trường sinh viên đang theo học hoàn toàn có quyền làm công văn yêu cầu trường sinh viên mới trúng tuyển không tiếp nhận sinh viên này nhập học. Bên cạnh đó sẽ xử lý sinh viên này theo quy chế HSSV.

Hiện em đang là sinh viên 1 trường CĐ TPHCM. Năm nay em muốn thi lại. Mà phần xin xác nhận của hiệu trưởng là vào hồ sơ dự thi luôn hay giấy tờ gì khác, khi có xác nhận của hiệu trưởng rồi em có cần xin xác nhận tại địa phương (xã/phường) nơi em cư trú không? Và trình tự thủ tục như thế nào?Và em muốn nộp hồ sơ tại trường dự thi luôn thì phải điền thông tin vào bản dự thi như thế nào? (nhoc_sock_12in@yahoo.com.vn)

Hiệu trưởng đồng ý cho dự thi ĐH được thể hiện qua giấy tờ xác nhận. Trên hồ sơ ĐKDT có hai phần xác nhận: một là xác nhận của chính quyền địa phương nơi có hộ khẩu thường trú, hai là xác nhận của Thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác. Thí sinh chỉ cần dấu xác nhận ở một trong hai phần này.

Thông thường thì các trường ĐH, CĐ không bao giờ xác nhận hồ sơ ĐKDT của sinh viên. Chính vì thế em cần giấy xác nhận của Hiệu trưởng cho phép dự thi sau đó nộp cùng hồ sơ ĐKDT. Về dấu xác nhận trên hồ sơ ĐKDT tốt nhất em nên về địa phương nơi mình có hộ khẩu thường trú.

- Em muốn nộp hồ sơ ĐKDT tại trực tiếp các trường ĐH, CĐ thì cần lưu ý một điểm duy nhất đó là mã đơn vị ĐKDT. Theo quy định chung thì khi nộp trực tiếp tại trường mã đơn vị ĐKDT là 99. Còn những mục khác em làm giống như lần đầu dự thi ĐH.

Ban tư vấn tuyển sinh