Đổi cả mùa hồng cho con vào ĐH

(Dân trí) - Lần đầu tiên biết đến Sài Gòn, hai mẹ con thí sinh Ma-va và Xi-ren (dân tộc Khor, tỉnh Lâm Đồng) cứ thốt lên hai chữ: “Thật lạ”. TPHCM thật lạ với hai mẹ con, từ con người, giọng nói, đến xe cộ, đồ ăn thức uống.

Đổi cả mùa hồng cho con vào ĐH  - 1
Mẹ Ma-va và con gái Xi-ren.  
 
Làng Ha-ma-sin của cô Ma-va nằm ở huyện miền núi Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng với khoảng 150 hộ gia đình, trong đó có đến 80 hộ là người dân tộc Khor. Cái chữ với đa số người dân vẫn là thứ gì đó xa xỉ.

Cô Ma-va chỉ học bổ túc đến lớp 2, khi mà cách mạng về đem con chữ về buôn làng. Người trong làng cũng như cô đều chỉ biết đến cái rẫy, cái cuốc chứ ít ai có được tấm bằng đại học hay cao đẳng. Chồng cô Ma-va cũng chỉ học đến lớp 3. Có những con chữ mà vợ chồng đọc qua nhưng không hiểu được gì cả.  

Thế nhưng, đến các con của Ma-va thì khác. Đứa con gái đầu của cô đã đỗ Đại học Tây Nguyên. Thế là nhà cô Ma-va trở thành “của hiếm” của làng Ha-ma-sin vì có người học đại học. Thật ra, theo lời cô Ma-va, trong làng cũng có người học Đại học Đà Lạt nhưng được 2 năm rồi phải nghỉ vì không có tiền học tiếp. Vậy nhưng mẹ Ma-va năm nay lại đưa con gái thứ 2 Xi-ren xuống Sài Gòn thi vào ngành Sử, ĐH Sư phạm TPHCM.  

Hỏi rằng: “Cô có lo nổi cho hai con học cùng lúc cả hai trường hay không?”. Mẹ Ma-va đáp rằng: “Chỉ ước vọng cho cháu thi đậu ở Sài Gòn. Học tới đâu hay tới đó. Hết tiền thì tính sau”.  

Để có những phút giây ngồi với con trong ngôi chùa Vạn Thiện (Q.5, TPHCM) cho thí sinh ở miễn phí, mẹ Ma-va phải bàn với chồng chạy vạy vay mượn những người trong làng được 2 triệu đồng cho con đi thi.

Nhà làm rẫy, chỉ 3-4 sào hồng. Thời tiết thuận lợi thì làm ăn cũng được. Có năm thu được 10 triệu tiền hồng. Vay mượn thì có 2 cách: trả lãi và trừ vào hàng hóa. Ma-va chọn cách đến mùa hồng thì bán rẻ cho người ta. Tất cả cũng chỉ muốn con mình có cái chữ, để không còn nghèo, không còn buồn như bố mẹ khi không hiểu con chữ.  

Lần đầu đến Sài Gòn, hai mẹ con cứ bỡ ngỡ. Trước khi đi, người làng Ha-ma-sin dặn dò đủ thứ, từ chuyện ở thành phố hay có cướp giật, người ta không chỉ đúng địa chỉ, đồ ăn đắt đỏ và đặc biệt người làng không tin cô bé Xi-ren ngăm đen của làng có thể học lại con gái thành phố. Nhưng Xi-ren tin rằng: “Mấy bạn ở thành phố cũng học chương trình như em mà thôi”.  

Hai mẹ con từ khi vào ở trong chùa thì cứ ở riết cứ không dám đi đâu. Mẹ Ma-va nói rằng: “Không sợ gì hết, chỉ sợ lạc mà thôi. Thật lạ, ở đây người ta nói tiếng khác mình”. Lần đầu tiên hai mẹ con biết đến ăn chay là gì. Ở nhà, chỉ biết ăn rau trên rừng, lâu lâu mới có thịt thú rừng. Đợt thi đại học sắp tới đây, Xi-ren được người chị dặn dò: “Vô phòng thi phải thật bình tĩnh, câu nào dễ thì làm trước”.

Hy vọng, hai mẹ con Ma-va sẽ mang được con chữ về trên buôn làng xa xôi của mình.  

Hiếu Hiền