“Điểm mặt” mạnh - yếu của giáo viên THPT

(Dân trí) - Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT vừa thống kê giáo viên THPT hiện nay có 7 điểm mạnh và 12 điểm yếu. Trong các điểm yếu của giáo viên thì yếu nhất là sử dụng các phương tiện dạy học, sử dụng công nghệ thông tin.

Kết quả trên được Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục khảo sát tại 5 tỉnh Hà Nội, Hà Tĩnh, Sơn La, Trà Vinh, Đăk Lăk về chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT với 3.500 giáo viên.

7 điểm mạnh của giáo viên là phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp; năng lực phát triển nghề nghiệp, có ý thức phấn về chuyên môn (tự học, tự rèn luyện); chuyên môn giỏi; năng lực đánh giá học sinh; khả năng tìm tòi, sáng tạo trong công việc.

Ngược lại, giáo viên có tới 12 điểm yếu là sử dụng các phương tiện dạy học, sử dụng công nghệ thông tin; tham gia hoạt động chính trị, xã hội; phối hợp với các gia đình học sinh và cộng đồng; xử lý tình huống sư phạm; tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục; xây dựng môi trường học tập; giáo dục qua các hoạt động khác và các hoạt động trong cộng đồng; phát hiện và giải quyết vấn đề, chưa sáng tạo và linh hoạt trong những hoàn cảnh, điều kiện thay đổi, chỉ thực hiện theo kế hoạch; lối sống, tác phong (kiềm chế cảm xúc, nóng nảy); khả năng tự phê bình và phê bình; quản lý hồ sơ dạy học; xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học.

Trong các điểm yếu này, theo thống kê thì giáo viên Hà Nội chỉ có 4 điểm yếu, trong đó yếu nhất là sử dụng công nghệ dạy học và công nghệ thông tin. Ngược lại, giáo viên Hà Tĩnh có tới 14 điểm yếu.

Hồng Hạnh