ĐH, CĐ được thành lập mới: Số lượng tăng, chất lượng có tăng?

Sự kiện FPT được phép mở trường Đại học (đại học tư thục FPT, dự kiến sẽ tuyển sinh ngay trong năm nay) khiến dư luận đặt câu hỏi: Việt Nam sẽ có bao nhiêu trường Đại học được thành lập mới nữa?

Quả thật, cùng với ĐH FPT, chỉ trong hơn nột năm qua, cả nước có hơn 20 trường ĐH, CĐ được thành lập mới!

 

Phong trào...

 

Một thời người ta nói nhiều đến việc các tỉnh đua nhau "nâng cấp” thị trấn để thành thị xã, đôn thị xã lên thành phố. Trong giáo dục, việc lập trường mới cũng có những nét tương tự. Một trường đại học xin thành lập, trên cơ sở hai trường cao đẳng, một trường trung cấp. Một chuyên ngành đào tạo của một trường ĐH tách ra thành một trường mới... Cách này có vẻ như nhanh được chấp nhận hơn là gây dựng một cơ ngơi mới.

 

Một lần, tôi ngẫu nhiên chứng kiến chuyện ở Sở GD-ĐT tỉnh P.T. Khi đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đến họp để bàn về việc "thành lập trường ĐH của tỉnh", quan điểm của lãnh đạo tỉnh này rất rõ ràng: "Đất Tổ không thể không có một trường đại học". Trong hồ sơ đề nghị thành lập trường đại học mang tên vua Hùng (Hùng Vương), trình bày rõ: Trường sẽ thành lập trên cơ sở trường CĐ Hóa chất LT, CĐSP và trường dân tộc nội trú. Ba trường "cơ sở” này cách xa nhau, cơ sở vật chất thiếu thốn. Trong ba trường đó, CĐSP được đánh giá là có điều kiện tốt nhất. Nhưng khi bàn cụ thể về vấn đề "gộp trường", lãnh đạo trường này cũng trình bày thật tình: Trường chưa có vị GS nào, có 3 tiến sĩ, trong đó một người đang đi học, một chưa bảo vệ, một sắp nghỉ hưu.

 

Trên thế giới có trường ĐH nào mà thiếu những GS, PGS, GV có học vị như thế. Chúng ta đang phản đối tâm lý trọng bằng cấp mà coi nhẹ chất lượng. Nhưng trường ĐH mà không có những GV có uy tín được khẳng định bằng học hàm học vị thì thật đáng ngạc nhiên. Thế nhưng một thời gian sau trường ĐH, HV cũng ra đời đúng với ý nguyện của người đất Tổ.

 

Đây không phải trường hợp hy hữu. Đã có nhiều trường được "nâng cấp" theo kiểu "đỗ vớt" như thế. Trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên ĐH . Nước ngoài chỉ có Viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng trong trường học, nhưng ở Việt Nam thì Viện nghiên cứu cũng mở trường, Trung tâm cũng mở trường.

 

Số lượng tăng, chất lượng có tăng?

 

Chỉ trong hơn một năm qua, cả nước có hơn 20 trường ĐH, CĐ được thành lập mới. Theo kế hoạch vạch ra đến năm 2010, sẽ có 29 trường ĐH và 81 trường CĐ mới sẽ được thành lập. Riêng lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, sẽ có khoảng 110 trường ĐH, CĐ vào năm 2010. Để chạy đua cho kịp kế hoạch, sẽ có thêm hàng loạt trường "rỗng lõi”, để hàng năm, cơ quan quản lý lại đau đầu nghĩ giải pháp cho các trường đủ nguồn tuyển. Còn chất lượng thì dần dà cũng hòa vào tình trạng chung: Yếu kém?

 

 

Nói riêng về những trường ĐH công lập đã thành lập, theo điều tra của Bộ GD-ĐT, trình độ của đội ngũ cán bộ GV có sự chênh lệch lớn giữa các trường "tốp đầu” thành lập lâu năm và các trường non trẻ. Ví dụ ĐHQG có số tiến sĩ chiếm 34,9%, nhưng ĐH vùng chỉ có 7%, đại học địa phương thì bi đát hơn, chỉ có 1,16%. Tỷ lệ GV/sinh viên phải đạt 1/20 (có nước tỷ lệ GV/SV đạt 1/10 hoặc ít hơn nữa) nhưng thực tế, đại học Việt Nam có tỷ lệ này cao hơn nhiều. Riêng số giảng viên là GS, PGS phổ biến ở mức 1/617 sinh viên.

 

Những điều kiện khác như phòng thí nghiệm, trang thiết bị dạy học thực hành, môi trường cho sinh viên nghiên cứu khoa học, kể cả cơ sở vật chất trang bị cho giảng đường cũng phổ biến ở mức trung bình trở xuống. Chưa bàn đến chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, đánh giá, chỉ nhìn ở sự đầu tư điều kiện dạy học so với chỉ tiêu tuyển hàng năm đã thấy nhiều bất ổn.

 

Thế nhưng nhiều trường công vẫn cứ được thành lập. Đôi khi chỉ vì những lý do nằm ngoài giáo dục. Ví như "Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cớ sao lại không có một trường ĐH của TP Hà Nội?" (Đề án thành lập trường ĐH Hà Nội).

 

Trong khi có những trường ngoài công lập dù đủ sức phát triển nhưng vẫn bị khống chế chỉ tiêu bằng cơ chế xin - cho, khiến các trường không thể đứng vững bằng đôi chân của mình, thì bên cạnh đó, nhiều trường dân lập lại được thành lập quá dễ dãi. Ngay tại Hà Nội có trường ĐH dân lập mà chỉ nhìn vào cơ ngơi (đi thuê) của trường đã thấy buồn : Chục phòng học chật chội, chen chúc với khu dân cư, không có thư viện, phòng thí nghiệm, phòng tin học, ngoại ngữ... Nhìn chung cơ sở vật chất không hơn một trường phổ thông. Với những trường đại học như thế, sản phẩm giáo dục đại học chỉ là những "học sinh cấp 4" là điều đương nhiên.

 

Định hướng đúng, nhưng...

 

Mặc dù có định hướng , nhưng việc thành lập trường mới, ngành mới hiện nay vẫn không thực sự đi đúng lộ trình cần thiết đáp ứng yêu cầu nhân lực. Cụ thể có những vùng cần nhân lực nhưng lại không có một trường ĐH nào. Tại Hà Nội mạng lưới ĐH tập trung khá đông, nhưng cơ quan quản lý vẫn đang xem xét vì "thiếu một trường của Hà Nội". Có những ngành nghề quá thiếu nhân lực không được mở rộng, trong khi nhiều ngành thừa nhân lực thì trường nào cũng muốn mở.

 

Một vị GS khi đề cập đến việc "tăng tốc" quá nhanh về số lượng trường ĐH đã phát biểu: Hướng đi thì đúng, nhưng cách làm thì phải xem lại. Không phải cứ chạy đua cho đủ số lượng trường ĐH như các nước, có tỷ lệ sinh viên 1 vạn dân như yêu cầu là sẽ có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Thay vào việc “tăng tốc" quá nhanh về số lượng, cần có giải pháp củng cố chất lượng của các trường đã thành lập để họ có thể mở rộng quy mô, tăng cường chất lượng sản phẩm. Nên chăng chỉ thành lập những trường ĐH ở các vùng hiện đang thiếu nhân lực chất lượng cao, như đồng bằng sông Cửu Long, hoặc ưu tiên thành lập các trường ĐH có đủ điều kiện trở thành trường "đẳng cấp quốc tế" để làm đầu tàu kéo cả hệ thống GD đại học.

 

Theo Thể Thao & Văn Hóa/ Nhân Dân