Đề Văn, thí sinh trung bình cũng được 5-6 điểm

(Dân trí) - PGS.TS Văn học Lê Quang Hưng, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đề thi Văn khối C rất hay, đây là kiểu ra đề mới nhưng không bất ngờ. Với nội dung của đề, thí sinh học trung bình cũng đạt 5-6 điểm.

Nhận định về đề thi Văn sáng nay, thầy Hưng cho biết, đề thi đạt yêu cầu đảm bảo kiến thức cơ bản với cấu trúc điểm của bài thi là 7 điểm cho thơ và 3 điểm cho văn xuôi.

Với câu 1, yêu cầu giới thiệu ngắn gọn về hai tập thơ Từ ấyViệt Bắc của Tố Hữu thì học sinh nào cũng được điểm vì Tố Hữu là một tác giả lớn, học sinh được học rất nhiều.

Với câu 2, cảm nhận của thí sinh về hai đoạn thơ nhớ về Tây Bắc, một là đoạn thơ Tây Tiến của Quang Dũng từ “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi… Mường Lát hoa về trong đêm hơi” và bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên từ câu “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ… Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!

Câu này được 5 điểm rất xứng đáng. Để đạt được điểm tối đa thí sinh phải phân tích cái hay của từng đoạn thơ, bộc lộ biểu cảm ân tình của 2 nhà thơ đối với Tây Bắc và so sánh, lý giải sự khác nhau của hai đoạn thơ.

Với tác giả Quang Dũng là nhà thơ mang tâm hồn lãng mạn. Bài Tây Tiến gợi lại gian khổ trên nhiều địa bàn hoạt động của cuộc kháng chiến nơi núi rừng, tác giả đã đem chất lãng mạn vào trong từng câu thơ.

Với tác giả Chế Lan Viên, trong thơ ông thường mang tính chất khái quát, triết lý. Nỗi nhớ Tây Bắc của ông được đúc kết từ nghĩa tình ở đời.

Đối với 2 câu hỏi phần riêng, phần văn xuôi đều đảm bảo kiến thức cơ bản, mức độ trung bình, không quá khó.

Với đề thi văn khối C này, thí sinh phải viết trong khoảng 8 trang giấy thì mới có thể đạt điểm cao.

 

Đề thi chính thức môn Văn, khối C năm 2008
(thời gian làm bài 180 phút)

 

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH

 

Câu I (2 điểm): Anh/chị hãy giới thiệu ngắn gọn về hai tập thơi Từ ấyViệt Bắc của Tố Hữu.

 

Câu II (5 điểm): Cùng bộc lộ nối nhớ về Tây Bắc, trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết:

 

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

(Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2005, tr.76)

 

Trong bài Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên viết:

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!

(Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2005, tr.121)

 

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên.

 

PHẦN RIÊNG – Thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 câu: IIIa hoặc IIIb.

 

Câu III.a (3 điểm): Trong tác phẩm Chữ người tử tù, vì sao tác giả Nguyễn Tuân lại ví tấm lòng của nhân vật quản ngục như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”?

 

Câu III.b (3 điểm): Trong tác phẩm Một người Hà Nội, vì sao tác giả Nguyễn Khải lại gọi nhân vật bà Hiền là “hạt bụi vàng của Hà Nội”? 

 

Hồng Hạnh (ghi)