Đề thi ĐH năm nay sẽ đi ngược “truyền thống”

(Dân trí) - Đề thi ĐH đối với 4 tự luận tuy không khó, nhưng sẽ không ra theo hướng truyền thống như mọi năm. Các câu hỏi giống như câu hỏi tự luận của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua nhưng sẽ khó hơn để phân loại thí sinh.

Đối với 4 môn trắc nghiệm các câu hỏi rải đều khắp chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 và sẽ không có gì đột biến.

 

Thông tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc ra đề thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay - cho biết.

 

Sở dĩ đề thi ĐH năm nay sẽ đi ngược với truyền thống ra đề của những năm trước vì sau 5 năm thực hiện 3 chung, thì đề ĐH đang dần bị rơi vào xu hướng “phổ thông hóa” và khiến cho nhiều trường ĐH khi có nhu cầu thì khó tuyển được những thí sinh thực sự xuất sắc, mặc dù đề thi luôn được đánh giá là bám sát và bao quát được chương trình, bảo đảm tính khoa học, không có sai sót, có khả năng phân loại thí sinh...

 

Chính vì vậy, đề thi ĐH năm nay sẽ phải làm sao đạt được yêu cầu: Các thí sinh giỏi làm được trọn vẹn và các thí sinh chăm học đạt được mức từ trung bình đến khá chứ không thể xuất sắc. Đề thi năm nay sẽ không “đánh đồng” lực học của thí sinh giỏi và thí sinh chỉ chăm học. Mục đích của việc ra đề như vậy là không bỏ sót thí sinh tài năng trong kỳ thi này. Điểm 10 các môn thi ĐH sẽ không nở rộ như trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm trước.

 

Đến thời điểm này, Ban đề thi của Bộ GD-ĐT đã được lựa chọn hơn 70 người là giảng viên và giáo viên đến từ một số trường ĐH, THPT của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cơ cấu của đội ngũ ra đề năm nay sẽ là 1/2 là giảng viên ĐH và 1/2 là giáo viên THPT.

 

Đề thi tuyển sinh là vấn đề được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm trong thực hiện giải pháp 3 chung, vì đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của kỳ thi quan trọng này.

 

Quy trình ra đề thi gồm 6 bước then chốt là: Phản biện đề thi (qua 3 vòng độc lập), tu chỉnh hoàn thiện đề thi, xây dựng đáp án, xây dựng thang điểm, sao in đĩa đề thi và cài khoá bảo mật.

 

Năm nay là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh đồng loạt áp dụng  4 môn thi trắc nghiệm. 3 trong số 4 môn thi trắc nghiệm này thí sinh đã được thử sức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra.

 

Hiện, các thí sinh thuộc các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất bỡ ngỡ với hình thức thi này, vì vậy, Bộ GD-ĐT có chủ trương trong ngày tập trung trước khi bắt đầu diễn ra môn thi đầu tiên đối với 2 đợt thi ĐH (ngày 3/7 đối với đợt 1 và 8/7 đối với đợt 2), giám thị của các Hội đồng thi sẽ hướng dẫn lại một lần nữa các thao tác tiến hành giải một bài thi trắc nghiệm sao cho “an toàn” nhất cho các thí sinh.

 

Kiến thức đề thi trắc nghiệm cũng như đề thi tự luận đều đòi hỏi phải kiểm tra các kiến thức rải đều trong chương trình tuy nhiên không có câu nào quá khó nhưng sâu hơn nhiều so với các câu hỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

 

Theo khẳng định của Cục trưởng cục khảo thí và kiểm định chất lượng Nguyễn An Ninh: Trắc nghiệm là hình thức thi không thể ôn luyện cấp tốc. Học ôn cấp tốc sẽ càng khiến thí sinh rơi vào tình trạng dễ nhầm lẫn khi thực hiện các thao tác làm bài và chọn nhầm câu trả lời.

 

Năm nay, số thí sinh đến các thành phố lớn để luyện thi cấp tốc đã giảm 20% so với năm 2006. Chỉ có 40% thí sinh Hà Nội và 45% thí sinh TPHCM đến các lò luyện thi, những thí sinh còn lại chủ yêu học ôn tại nhà hoặc theo các nhóm bạn.

 

M.M