Dễ kiếm điểm cao môn Hoá

(Dân trí) - Hầu hết các thí sinh đều đánh giá đề Hoá dễ và chắc chắn sẽ có nhiều điểm cao. Tại điểm thi trường THCS Tô Hoàng của Hội đồng thi trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhiều thí sinh đã rất hồ hởi khi tiếng trống báo hết giờ vang lên.

 

Gợi ý giải đề thi Toán khối A

 

* Gợi ý giải đề thi Vật lý khối A

 

“Em làm bài cũng khá tốt, chắc chắn đạt từ 7-8 điểm”, thí sinh Doãn Văn Điệp đến từ Nam Định phân chấn khoe.

 

Một thí sinh khác đến từ Thanh Hoá tâm sự: “Đề thi Hoá vẫn hơi dài, tuy nhiên đề không khó. Em chắc chắn làm đúng khoảng 70% số lượng câu hỏi trong đề, 30% câu hỏi còn lại em chọn may rủi và không còn thời gian, thi trắc nghiệm mà”.

 

Cùng quan điểm này, thí sinh Nguyễn Đức Đăng (Hà Nội) cho hay: “Mặc dù đề không khó nhưng vì dài quá nên em chỉ làm được khoảng 80%  còn lại em cũng chọn theo kiểu may rủi”.

 

Đánh giá về đề thi, thầy Phạm Nhĩ, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ Văn hoá tỉnh Nam Định nhận định: “Theo tôi đề thi không khó, thậm chí có thể nói là dễ. Nhiều câu hỏi trong đề quá quen thuộc với thí sinh, chỉ cần học chắc kiến thức sách giáo khoa và có kỹ năng tính toán nhanh thì điểm 8-9 là chuyện không quá khó”.  

 

“Nói chung đề thi trắc nghiệm môn Hoá đã khắc phục được điểm yếu của trắc nghiệm môn Vật lý là hạn chế được câu hỏi “truyền thống” mà thay vào đó là những câu hỏi mang tính học hiểu và có phân tích mới có thể làm được”, thầy Nhĩ cho biết thêm. 

 

Nhận định về chất lượng bài thi Hoá, một giảng viên Hoá trường ĐH Sư phạm Hà Nội niềm nở nói: “Với đề thi như thế này mà không bội thu điểm 10 thì mới là chuyện lạ. Là người từng chấm thi nhiều năm, tôi chưa thấy đề thi năm nào dễ kiếm điểm 10 như năm nay”. 

 

Về những khó khăn thí sinh gặp phải trong quá trình làm bài thi môn Hoá, giảng viên này nhận định: “Do trong đề có nhiều cầu hỏi liên quan đến chất xúc tác, nhiệt độ phản ứng… nên nếu thí sinh học không vững thì việc chọn nhầm đáp án là chuyện bình thường. Ví dụ, trong câu chứng minh glucozo có nhiều nhóm hiđroxyl thì việc thí sinh chọn nhầm giữa hai đáp án là đồng hiđroxit ở nhiệt độ thường và đồng hiđroxit trong Natri hiđroxit, đun nóng là chuyện khó tránh khỏi”. 

 

Kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2007 đã thành công tốt đẹp. Khâu ra đề đảm bảo được vừa sức và phân loại thí sinh cho dù đề thi trắc nghiệm vẫn hơi dài và còn mang đậm tính chất của thi tự luận. 

 

Ngày 9-10/7 tới, các thí sinh khối B,C,D,H… sẽ bước vào kỳ thi đợt 2.

 

Nguyễn Hùng

Dòng sự kiện: Tuyển sinh ĐH 2007