Bạn đọc viết:

Để dạy thêm không còn là bức xúc của xã hội

(Dân trí) - Từ nỗi lo con sẽ bị “điểm kém” khi làm bài kiểm tra hoặc được chăm sóc “đặc biệt” nếu không học thêm với thầy, cô đang dạy, nên nhiều phụ huynh sẵn lòng cho con học thêm ở nhà thầy cô, mặc dù đã học 2 buổi/ngày và đã học thêm tại trường. Có khi trẻ phải học thêm với hai thầy cùng một môn.

Không ít phụ huynh học sinh (PHHS) còn khó khăn về kinh tế cũng cho con học thêm. Một khi PHHS đã chấp nhận cho con học thêm như thế, thì không dễ dàng họ đi phản ánh việc dạy thêm không đúng với quy định của giáo viên với hiệu trưởng, với lãnh đạo và thanh tra ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Có PHHS ấm ức quá viết thư nặc danh gửi cấp trên nhờ giải quyết hoặc phải chờ con đỗ tốt nghiệp ra trường mới dám bày tỏ; còn học sinh đang học rõ ràng là không dám trình bày việc học thêm ở nhà thầy, cô cho bất kỳ ai.

Trong khi đó, ở trường học hiện nay không ít giáo viên an phận, ngại va chạm với đồng nghiệp, nên thấy sai cũng không dám có ý kiến, họ sợ mất thời gian, sợ bị đánh giá là gây mất đoàn kết nội bộ, sợ ảnh hưởng đến việc dạy học của bản thân và ảnh hưởng đến việc học của con nếu con còn đi học phổ thông, thế nên họ im lặng dù biết có đồng nghiệp đang dạy thêm ở nhà. Mặc khác, một số hiệu trưởng lại sợ giáo viên đánh giá khộng tốt khi lấy ý kiến nhận xét cuối năm hoặc khi bổ nhiệm lại, họ cũng sợ cấp trên kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu hoặc sợ mất danh hiệu thi đua của bản thân và của nhà trường khi có giáo viên của đơn vị dạy thêm không đúng với quy định. Còn giáo viên dạy thêm trái với quy định, thường thì rất “biết điều” với hiệu trưởng, họ chỉ “sợ” thanh tra Sở GD&ĐT, mà thanh tra Sở ít người, địa bàn lại rộng. Thế nên rất ít khi hiệu trưởng tổ chức kiểm tra để phát hiện giáo viên dạy thêm ở ngoài nhà trường.

Do đó dạy thêm-học thêm trái với quy định của ngành GD&ĐT với nhiều vấn đề bất cập sẽ còn tồn tại, một khi còn học sinh đi học thêm với sự đồng tình của PHHS, khi còn một bộ phận giáo viên đặt tư lợi cá nhân lên trên bức xúc của xã hội, một bộ phận khác lại an phận và công tác quản lý trường học của hiệu trưởng còn mắc bệnh thành tích.

Để khắc phục được tình trạng dạy thêm-học thêm trái với quy định của ngành GD&ĐT thì vai trò của hiệu trưởng nhà trường là rất quan trọng và tôi tin rằng, nếu hiệu trưởng kiên quyết, không tình cảm nể nang, không sợ “mất điểm ” thi đua, nhất định sẽ hạn chế được tình trạng giáo viên dạy thêm ở ngoài nhà trường, góp phần giải quyết tốt vấn đề mà xã hội hiện nay đang quan tâm.

Song song đó, vai trò cấp ủy và chính quyền ở địa phương cũng quan trọng không kém, bởi lẽ việc dạy thêm-học thêm trái với quy định của giáo viên được thực hiện ở địa bàn dân cư, nơi mà cấp ủy và chính quyền địa phương quản lý không thể không biết. Thế nên việc xét chi bộ “Trong sạch vững mạnh” ở các đơn vị trường học cần gắn với tình hình dạy thêm-học thêm của đơn vị đó và chi bộ đưa nội dung dạy thêm-học thêm vào nhận xét đảng viên nơi cư trú hàng năm; chính quyền địa phương cần giám sát việc dạy thêm-học thêm trên địa bàn, thường xuyên trao đổi thông tin về dạy thêm-học thêm với các cơ sở trường học và ngành GD&ĐT.

Ngành GD&ĐT cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở cơ sở trường học nếu có phản ánh từ chính quyền địa phương về dạy thêm-học thêm trái với quy định, theo đó không bổ nhiệm lại đối với hiệu trưởng để dạy thêm-học thêm gây bức xúc ở đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và luân chuyển những giáo viên dạy thêm trái với quy định của ngành GD&ĐT.

Phối hợp tốt giữa ngành GD&ĐT và chính quyền địa phương trong việc thực hiện, tôi tin rằng vấn đề dạy thêm-học thêm trái với quy định của ngành GD&ĐT sẽ không còn là nỗi bức xúc của xã hội.

Trần Vũ

(Thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh)