Đề án 20.000 tiến sĩ: Hiện thực và lãng mạn

(Dân trí) - Đề án 20.000 tiến sĩ đã từng làm xôn xao dư luận năm 2007 nay lại trở nên “nóng” khi Bộ GD-ĐT vừa công bố “Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục năm 2008-2020” để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các nhà giáo, Sở GD-ĐT và dư luận xã hội.

Theo đó, mục tiêu đào tạo tiến sĩ đến năm 2020 trong Dự thảo này tiếp tục bị nhìn nhận là một trong những mục tiêu mang tính “lãng mạn”, thiếu khả thi vì chưa rõ điều kiện thực hiện…

Bộ GD& ĐT: Hiện thực!

Đề án "Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2008-2020" đã vừa được Bộ GD-ĐT hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt, tổng kinh phí dự kiến là 700 triệu USD.

Đề án đưa ra 3 phương thức đào tạo chính là: Đào tạo ở nước ngoài, đào tạo phối hợp trong và ngoài nước và đào tạo trong nước. Trong đó, số lượng đào tạo ở nước ngoài chiếm khoảng 38%, đào tạo phối hợp chiếm khoảng 15% và đào tạo trong nước chiếm khoảng 47%. Một phần quan trọng trong Đề án là bắt buộc nghiên cứu sinh trong nước phải có thời gian thực tập trao đổi khoa học ở nước ngoài.

Để thể hiện sự khả thi của Đề án, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một loạt các con số để chứng tỏ Bộ có nhiều khả năng thực hiện thành công. Đó là, theo thống kê cập nhật tính đến ngày 15/8/2008, Cục Đào tạo với nước ngoài đã nhận được báo cáo về số lượng giảng viên đi đào tạo tại nước ngoài từ năm 2007 đến năm 2010 của 71 trường (55 trường ĐH và 16 trường CĐ) với 2.161 người đăng ký đào tạo tiến sĩ và 1.611 người đăng ký đào tạo thạc sĩ.

Cụ thể: Năm 2007 có 604 người, năm 2008 có 610 người, năm 2009 có 1.228 người, năm 2010 có 1.333 người.

Như vậy, số người đăng ký đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ tại nước ngoài năm 2010 sẽ tăng 2,2 lần so với năm 2007. Mục tiêu đào tạo tiến sĩ đến năm 2020 là trong “tầm tay” nếu có sự tích cực chuẩn bị và tham gia vào Đề án của mỗi giảng viên, mỗi nhà trường trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết Bộ đã lên kế hoạch, đối với các trường CĐ mỗi năm cử 3% giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, 20% giảng viên đi đào tạo thạc sĩ. Đối với hệ ĐH, mỗi năm cử 10% giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, 15% đào tạo thạc sĩ.

Dư luận: Lãng mạn?

Một câu hỏi lớn mà nhiều nhà khoa học hiện nay đang đặt ra là: Số lượng tiến sỹ tính theo tỷ lệ dân số ở nước ta nhiều hơn Thái Lan, mà sao không thấy Thái Lan phải đào tạo ồ ạt như nước ta?

Theo TSKH Nguyễn Xuân Hãn, Việt Nam có khoảng 350 bài báo/năm in trên các tạp chí khoa học nước ngoài (0,00043% so với thế giới); Thái Lan - 1.600 bài /năm (hơn Việt Nam 4 lần). Bằng phát minh sáng chế, mỗi năm cấp 100.000 bằng, thì Việt Nam mới có 1-2 cái bằng. Với số lượng bài báo nêu trên Thái Lan chỉ đào tạo khoảng trên dưới 100 Tiến sỹ/năm, lượng bài báo quốc tế của ta ít hơn, mà dự kiến đào tạo hơn 1.000 Tiến sỹ/năm. Việc đào tạo 20.000 Tiến sỹ từ nay đến năm 2020 quả là kế hoạch quá lãng mạn!

Tuy nhiên, theo sự lý giải của những người xây dựng Đề án 20.000 tiến sĩ, ở các nước trung bình cũng trên 50% giảng viên là tiến sĩ. Còn ở ta hiện nay là 14%. Mục tiêu đến năm 2020 có 35% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ là còn rất thấp so với các nước tiên tiến và các nước trung bình. Với số giảng viên cần có vào năm 2020 là 180.000 thì số tiến sĩ trong đó phải là 63.000. Hiện nay trong hệ thống đại học của Việt Nam mới có khoảng 7.500 tiến sĩ.

Nếu 13 năm nữa, các tiến sĩ này chưa về hưu thì Việt Nam cần đào tạo cho hệ thống đại học hơn 50.000 tiến sĩ nữa! Vì vậy, đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ đến 2020 bằng ngân sách Nhà nước và hợp tác với các nước tiên tiến chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Khoảng 10.000 tiến sĩ sẽ được đào tạo ở các đại học tốt nhất trong nước và đang có kế hoạch vươn lên đạt trình độ khu vực và quốc tế, 10.000 tiến sĩ khác sẽ được đào tạo ở nước ngoài.

Hiện thực hay lãng mạn kế hoạch đào tạo tiến sĩ? Rõ ràng đó sẽ tiếp tục là cuộc tranh luận chưa ngã ngũ và tất cả còn phải chờ đợi ở thời gian và ở những gì mà ngành giáo dục sẽ làm được trong thời gian tới.

Mai Minh