Đào tạo CNTT: Chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo

(Dân trí) -“Sự kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ở Việt Nam gần như chưa có tiền lệ, nếu không giải quyết được vấn đề này thì vẫn còn những chê trách từ phía đào tạo và phía tiếp nhận” - TS Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam chia sẻ.

Chiều 13/5, ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam trong buổi giao lưu trực tuyến “Ngành khát nhân lực và lựa chọn nghề nghiệp” được tổ chức bởi Trung tâm Công nghệ và Nội dung số VTC - VTCAcademy. Tại buổi giao lưu này, TS Nguyễn Long đã đưa ra những phân tích về hiện trạng đào tạo thì dư thừa nhưng nguồn nhân lực ngành CNTT thì vẫn “khát”.

TS Nguyễn Long trả lời các câu hỏi tại buổi giao lưu.
TS Nguyễn Long trả lời các câu hỏi tại buổi giao lưu.

Đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu doanh nghiệp

TS Nguyễn Long cho rằng, ngành CNTT là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trong các ngành kinh tế. Cách đây 5 - 7 năm, có chưa đến 100 trường đại học và cao đắng có đào tạo về CNTT thì đến nay đã có gần 300 trường có đào tạo chuyên ngành CNTT. Cả nước hiện nay có khoảng 300 nghìn người đang làm việc trong lĩnh vực CNTT và nhu cầu hiện nay có khoảng 50 - 60 nghìn người có nhu cầu tuyển dụng. Riêng đối vơi lĩnh vực phần mềm và dịch vụ xuất khẩu phần mềm thì nhu cầu nguồn lực hàng năm ngày càng tăng, ví dụ như FPT Softwave, nguồn nhân lực đã tăng 40% năm 2002 và vẫn tiếp tục gia tăng nguồn nhân lực ngành này. Trong ngành CNTT, không chỉ phần mềm còn có rất nhiều lĩnh vục như Công nghệ nội dung số và phát triển phần mềm di động, Game… đều là nhũng lĩnh vực phát triển rất nhanh và có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực.

“Ngoài những kiến thức chuyên môn được đào tạo trong nhà trường, những người theo học CNTT cần phải có thêm những kiến thức về kỹ năng mềm, tính hoàn thiện, cung cách làm việc theo nhóm và nhất là phải có ngoại ngữ. Vì vậy, có một lời khuyên cho các ban, học CNTT coi ngoại ngữ là chìa khóa để lập nghiệp” - TS Nguyễn Long

Cũng theo TS Nguyễn Long, thị trường ngành CNTT thay đổi hàng năm. Nếu trước đây chúng ta chỉ biết về phần cứng, phần mềm và mạng máy tính thì ngày nay đã có nhiều lĩnh vực mới được mở rộng như tích hợp hệ thống, công nghệ di động, thương mại điện tử, game… Và thị trường CNTT ngày càng mở rộng, doanh số của ngành CNTT tăng trung bình 20% hàng năm. Trong CNTT thì không có khái niệm ngành “hot” nhưng vì theo kiến thức và hiểu biết của từng người dự thi có thể lựa chọn những lĩnh vực công nghệ mới và đang phát triển gần đây như: điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, công nghệ di động… là những lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay.

Tại sao sinh viên đào tạo về ngành CNTT hàng năm tốt nghiệp ra trường tại Việt Nam nhiều, nhưng các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam vẫn lên tiếng về việc khan hiếm nhân lực? Giải thích câu hỏi này, TS Nguyễn Long chia sẻ: “Số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 15 nghìn người. Với số lượng có nhiều nhưng chất lượng thì chưa đồng đều. Các doanh nghiệp CNTT lên tiếng về việc khan hiếm nguồn nhân lực theo nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là kỹ năng của người được đào tạo chưa phù hợp với định hướng kinh doanh của Doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp nào muốn có nguồn lực đào tạo sử dụng được ngay thì hãy kết hợp với nơi đào tạo. Sự kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ở Việt Nam gần như chưa có tiền lệ, nếu không giải quyết được vấn đề này thì vẫn còn những chê trách từ phía đào tạo và phía tiếp nhận”.

TS Nguyễn Long cũng nhấn mạnh: Xu hướng doanh nghiệp kết hợp với cơ sở đào tạo tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo là xu hướng phổ biến trên thế giới và chắc chắn sẽ phổ biến ở Việt Nam. Nếu quy trình đào tạo CNTT ở Việt Nam mở không gò bó theo giáo trình thì chắc chắn hướng kết hợp với doanh nghiệp vào quá trình đào tạo sẽ phát triển mạnh mẽ và đáp ứng được luôn nhu cầu tuyển dụng nguồn lực cho doanh nghiêp.

Nhà tuyển dụng nói gì?

Tại buổi giao lưu này, bà Đoàn Thị Phương Liên - Giám đốc HCNS VTC Online chia sẻ:“khi tuyển dụng VTC Online phải lựa chọn theo 2 hướng: một là những nhân sự có kinh nghiệm ở những lĩnh vực tương tự, hai là tuyển dụng những nhân sự không có kinh nghiệm nhưng có tố chất để phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên tình huống nào thì doanh nghiệp cũng mất thêm chi phí đào tạo khá nhiều và như thế là ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, đặc biệt về yếu tố thời gian.

Theo quan điểm của bà Liên thì đòi hỏi về bằng cấp sẽ tùy thuộc vào từng vị trí tuyển dụng và nguồn cung của thị trường. Thực tế có rất nhiều nhân sự không bằng cấp nhưng hiệu quả công việc rất tốt hoặc có những vị trí mà chưa có đào tạo chuyên sâu ở Việt Nam như: thiết kế, GM,… Tuy nhiên đa phần thì nhận thấy những nhân sự được đào tạo bài bản cộng với gắn kết với thực tế sớm thì sẽ có hiệu quả công việc rất tốt.

Bà Đoàn Thị Phương Liên (
Bà Đoàn Thị Phương Liên (bên trái) - Giám đốc HCNS VTC Online chia sẻ về yêu cầu của nhà tuyển dụng.

“Một trong lý do khi quyết định thành lập Trung tâm Công nghệ và Nội dung số VTC- VTC Academy là do chúng tôi nhận thấy sự thiếu hụt về nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm làm việc thực tế trong lĩnh vực nội dung số. Mà thực tế thì các trường đại học ở Việt Nam chưa đáp ứng được điều này, việc học chưa đi đôi với hành” - bà Liên nhấn mạnh.

Trước vấn đề mà nhiều bạn sinh viên quan tâm đó là các đơn vị tuyển dụng thường yêu cầu ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm việc vì thế gây khó khăn cho các sinh viên mới ra trường, bà Liên giải thích: “Đối với công ty chúng tôi thì kinh nghiệm theo yêu cầu tuyển dụng thực ra là “học đi đôi với hành”, vì thế kinh nghiệm này hoàn toàn có thể có được nếu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng bạn đã tham gia vào các dự án/công việc thực tế (các công việc làm part time, thực tập,…). 1 năm kinh nghiệm được hiểu là bạn đã từng có khoảng thời gian ít nhất là 1 năm tham gia vào một dự án/công việc cụ thể nào đó có thể khi bạn đang là sinh viên, không nhất thiết là phải sau khi ra trường. Và tôi được biết nhiều công ty hiện nay sẵn sàng tiếp nhận các sinh viên thực tập. Các bạn sinh viên nên chủ động tìm kiếm những đầu mối thực tập như thế này để có những trải nghiệm thực tế ngay từ khi còn đi học”.

Nguyễn Hùng