Công nghệ có làm khổ giáo viên?

Việc ứng dụng công nghệ không phải là việc khó đối với giáo viên, vấn đề là trang bị thiết bị công nghệ như thế nào, có đủ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy…

Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản hướng dẫn chi tiết về thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin (CNTT) năm học 2012-2013, cụ thể là nâng cao hiệu quả giảng dạy, hiệu quả học tập… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng CNTT không phải là việc khó đối với giáo viên trẻ, vấn đề là trang bị thiết bị công nghệ như thế nào, trang bị có đủ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy… và không gây khổ cho giáo viên.

Phải có kỹ năng khai thác tài liệu

Thầy Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, nhìn nhận: Ứng dụng CNTT vào công tác giảng dạy là ứng dụng những phần mềm hỗ trợ soạn giảng, giáo viên được trình bày, trình chiếu một cách hợp lý mang lại hiệu quả trong giảng dạy. Sử dụng công nghệ để giảng dạy không đơn thuần là chiếu lại những tư liệu bằng hình ảnh qua máy chiếu mà giáo viên phải biết khai thác nguồn tài nguyên tư liệu từ Internet.

Cô Nguyễn Thị Yên, tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THCS Ngô Quyền (Tân Bình), chia sẻ: Khi ứng dụng CNTT vào giảng dạy rõ ràng là học trò rất thích thú, chăm chú theo dõi mà không làm chuyện riêng trong giờ học. Các em tiếp thu bài tốt, giảm được thời gian giáo viên ghi lên bảng. Tuy nhiên, một hạn chế lớn đối với môn văn là khi dạy bằng công nghệ không có sự gần gũi giữa thầy và trò, cảm xúc truyền đạt của người thầy chết dần. Người thầy chỉ đứng một chỗ điều khiển cái máy, không còn thời gian di chuyển quan sát học trò và các em cũng mất dần khả năng tư duy với các bài tự luận.

Công nghệ có làm khổ giáo viên?
Một tiết giảng dạy bằng giáo án điện tử, ứng dụng CNTT môn sinh học của thầy Nguyễn Minh Tân, Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình. (Ảnh: Q. Việt)

Chia sẻ với cô Yên, một giáo viên dạy văn ở quận Tân Phú cho rằng cũng tùy tiết học, bài học mà sử dụng công nghệ. Ví dụ khi học về bài thơ Đồng chí, giáo viên chiếu những tư liệu, hình ảnh anh bộ đội vất vả, những đoạn phim ngắn về chiến tranh thì học sinh sẽ tăng thêm hiểu biết, qua đó những lời bình của giáo viên sẽ tạo thêm nguồn cảm hứng cho học trò. Không cần thiết phải dùng máy chiếu suốt 45 phút liên tục mà phải kết hợp với phương pháp truyền thống để học sinh ham mê học văn qua lời giảng của giáo viên.

Chưa thay thế được phương pháp truyền thống

Cô Trần Thị Mỹ Linh, giáo viên sinh học Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Tân Bình, chia sẻ: Tùy vào một số bài giảng thì hiệu ứng hình ảnh, những thước phim ngắn sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Ví dụ khi giảng về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên thì những hình ảnh mà giáo viên thu thập được từ bệnh viện về việc lứa tuổi học sinh phá thai với nét mặt hoảng hốt, đớn đau cùng những biến chứng và bệnh tật liên quan đến tình dục không an toàn sẽ gây hiệu ứng hơn là lời nói, tranh ảnh trên sách giáo khoa.

Tuy nhiên, với những giáo viên lớn tuổi, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy là điều rất khó khăn. “Tôi cũng cố gắng học hỏi để ứng dụng công nghệ nhưng cứ mỗi lần dạy lại run, khi gặp sự cố không biết nhờ ai. Nên tôi vẫn dạy theo phương pháp truyền thống là chủ yếu”.

Chưa kể, khi học bằng máy chiếu các hình ảnh được thuyết minh, chạy chữ bằng tiếng Việt rất hay nhưng học sinh phàn nàn là chép bài không kịp.

Cần thiết bị CNTT đầy đủ để ứng dụng

“Soạn giáo án mất rất nhiều thời gian, đầu tư công phu mới ra được một bài giáo án, xem tư liệu nào để học sinh dễ tiếp cận nhất. Ví dụ bài học di truyền, lên mạng tìm những phương pháp, thí nghiệm để dùng clip minh họa, bên cạnh đó giáo viên phải biết thêm một số kỹ năng như cắt phim, lồng tiếng. Cái khó khăn hiện nay là học sinh học với một số giáo viên lớn tuổi và khả năng nhạy bén về CNTT của các cô không còn uyển chuyển, trơn tru như giáo viên trẻ. Bù lại các giáo viên lớn tuổi tư vấn rất tốt về các kiến thức chuyên sâu về bộ môn khi mình đưa những tài liệu từ trên mạng về giảng dạy cho học trò.” - Thầy Nguyễn Minh Tân, giáo viên sinh học Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình

“Khó khăn lớn nhất là điều kiện cơ sở vật chất, như Trường THCS Ngô Quyền có đến 55 lớp nhưng chỉ có bốn phòng học có trang bị các thiết bị để phục vụ tiết học bằng CNTT nên nhà trường không thể nào đáp ứng nhu cầu giảng dạy bằng CNTT hết được. Đa phần giáo viên phải đăng ký lớp học, đến giờ thì giáo viên dẫn học sinh vào lớp phải nhanh nhẹn trong 5 phút chuyển tiết, chưa kể việc khởi động máy gặp sự cố là coi như tiết học thất bại, đành dạy bằng phương pháp truyền thống.” - Cô Ngô Lê Ý Trang, Phó Hiệu trưởng  Trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình

 
Theo Quốc Việt
Pháp luật TPHCM