“Cô rất muốn hiểu các em...”

(Dân trí) - Đó là một câu nói mà không phải người giáo viên tiểu học nào cũng thực sự muốn nói.

Vì thế, làm thế nào để trường học trở thành nơi mà khác biệt của mỗi học sinh được tôn trọng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Dự án Hợp tác Kỹ thuật của Jica - một dự án được thực hiện thông qua hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản tại 135 trường tiểu học của Bắc Giang, bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2004 đến tháng 8/2007.

 

Cũng theo Jica, có thể thống kê được 8 băn khoăn thường gặp nhất hiện nay của các giáo viên và học sinh trong các trường tiểu học của Việt Nam là:

 

1. Phương pháp dạy học mới theo chương trình mới là gì? Trong giờ học mình nên đưa ra những hoạt động nào cho học sinh?

 

2. Mình có thể tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh như thế nào?

 

3. Khi hoạt động nhóm, bạn của mình luôn nói nhiều và chỉ đạo những bạn khác trong nhóm làm mình chẳng còn cơ hội phát biểu ý kiến nữa!

 

4. Mấy bài toán này khó quá, mình không giải được nhưng cô giáo vẫn cứ tiếp tục giảng bài mà chẳng giúp mình giải những bài này!

 

5. Nếu giáo viên nào đó ở trường mình có năng lực dạy học thấp thì mình có thể giúp đỡ cô ấy thế nào?

 

6. Chuẩn bị kế hoạch bài học quả là một việc rất khó đối với mình!

 

7. Mình vẫn chưa biết  phải đánh giá phương pháp dạy học như thế nào vì mình chỉ biết những phương pháp cũ!

 

8. Chúng ta có thể làm gì để giúp học sinh có những ý tưởng sáng tạo?

 

Sau 3 năm thực hiện tại Bắc Giang, Dự án đã cải thiện và nâng cao các hoạt động trao đổi chuyên môn trong nhà trường, làm sáng tỏ các tồn tại của giáo dục tiểu học Việt Nam và đưa ra những biện pháp khắc phục, nhờ đó, chất lượng các giờ học ở các trường thí điểm của Bắc Giang đã được cải thiện với nhiều thay đổi mạnh mẽ trong thái độ và tác phong của giáo viên đối với học sinh, biến không khí tại trường lớp thành một môi trường thân thiện đối với các em học sinh, kích thích các em phát triển tiềm năng của mình.

 

Nhận xét về hoạt động của Dự án, ông Yoshitaka - Phó Trưởng đoàn Chuyên gia của Dự án Jica nói: “Dự án của chúng tôi chú ý đến trọng tâm của chương trình là việc học tập của học sinh chứ không phảilà phương pháp giảng dạy. Mục đích của Dự án là để phát triển khả năng thực sự của giáo viên chứ không đơn thuần là việc truyền tải kiến thức. Tôi tin rằng, với sự hợp tác từ phía Việt Nam, chúng tôi sẽ áp dụng thành công phương phá giảng dạy này vào hệ thống giáo dục Việt Nam”.

 

Nguyễn Hùng