Cô gái không “cưỡng” nổi ước mơ của mình

(Dân trí) - Ba năm tự học tại nhà với bao khó khăn, không có cơ hội tiếp thu những kiến thức mới từ trường học. Vậy mà Đặng Thị Hiếu - một cô gái huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Tháp không từ bỏ ước mơ bước lên giảng đường Đại học của mình.

Từ ước mơ giản dị...

 

Chỉ còn vài ngày nữa là Đặng Thị Hiếu, quê ở An Thọ- xã An Phước- huyện Tân Hồng- tỉnh Đồng Tháp sẽ lên đường thi Đại học. Nhưng tai hoạ bất ngờ ập đến, Hiếu đành bỏ kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2004-2005. Nhiều người thấy tiếc cho Hiếu vì em rất quyết tâm trong kỳ thi quan trọng này. 

 

Nhưng biết làm sao được khi mỗi lần nhìn người cha gầy còm nằm trên giường bệnh lòng em không khỏi xót xa. Hiếu không muốn tăng thêm gánh nặng cho mẹ và làm ảnh hưởng đến việc học của ba đứa em. Sinh ra trong gia đình làm nghề nông, chỉ đủ ăn, đôi khi thiếu thốn vì bệnh tật của cha nên cuộc sống của gia đình em luôn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế tưởng chừng ước mơ làm cô giáo của Hiếu coi như đã khép lại.

Khi biết mình không thể theo đuổi con đường học vấn, Hiếu chuyển sang đi học may ở gần nhà để phụ giúp cha mẹ nuôi ba đứa em tiếp tục đi học. Tuy ở nhà làm cô thợ may nhưng Hiếu không ngừng ôn tập, nung nấu ý chí và hy vọng có ngày sẽ tiếp tục việc học. Trong những năm học phổ thông Hiếu luôn là học sinh chăm ngoan nhất lớp. Ở nhà, Hiếu là người con ngoan hiền, người chị gương mẫu của ba đứa em. 

 

Noi theo gương chăm học của chị, năm 2006-2007 Đặng Thanh Thảo, em trai kế Hiếu đã thi đậu ngành sư phạm Lý. Trong ba năm ở nhà may đồ và tự học, nhờ sự động viên, khích lệ của người thân, bạn bè nên kỳ tuyển sinh năm 2007-2008, Hiếu nộp hồ sơ dự thi Đại học cùng với hai đứa em sinh đôi là Đặng Thị Thanh Thảo và Đặng Thị Thu Thảo. 

 

Thật bất ngờ, cả ba chị em  đều đậu vào cả ba ngành Sư phạm khối C là Văn, Sử và Địa. Trước sự ngỡ ngàng lẫn nể phục của mọi người, Hiếu như không tin vào giấy báo nhập học bởi cô đang vui sướng trong nước mắt, Hiếu tâm sự: “Mình mừng quá chỉ biết đứng khóc trước mặt mọi người, đến bây giờ cảm giác đó vẫn còn lâng lâng trong tim mình”.

 

Cô gái không “cưỡng” nổi ước mơ của mình - 1

Đặng Thị Hiếu (phải) chụp ảnh cùng em gái trong nhà trọ học ở trường ĐH Đồng Tháp.

 

…đến hiện thực

 

Chúng tôi tìm phòng trọ Hiếu cũng khá “vất vả” bởi khu nhà trọ ọp ẹp, nằm tận cuối dãy là phòng trọ của bốn chị em Hiếu thuê với giá 450.000đ/ tháng, chưa kể tiền điện, tiền nước và các chi phí khác. Trong phòng chỉ có một chiếc giường dành cho ba chị em gái còn em trai Thanh Thảo phải ngủ dưới gạch. Ngoài giờ học chính khoá trên lớp, học thêm tin học, ngoại ngữ ban đêm, những ngày nghỉ Hiếu còn tranh thủ nhận may áo dài, áo sơ mi cho các bạn sinh viên gần khu trọ để phụ vào bữa ăn hàng ngày của bốn chị em. 

 

Qua tìm hiểu, tôi được biết chi phí trang trải cho việc học của cả bốn chị em Hiếu là nhờ vào khoản tiền vay dành cho học sinh, sinh viên. Em Thu Thảo buồn buồn nói: “Chúng em sợ số tiền vay quá lớn trả không nổi. Nếu không vay lấy tiền đâu đi học. Nhưng đó là việc sau này, còn bây giờ bốn chị em được đi học là hạnh phúc lắm rồi”. 

 

Chính nhờ sự nỗ lực của chị em Hiếu mà ba mẹ Hiếu vinh dự được tỉnh Đồng Tháp mời làm đại biểu Gia đình hiếu học của tỉnh nhân ngày Gia đình Việt Nam 2008. Trên mỗi con đường đất đều in dấu chân, giọt mồ hôi của người mẹ cần cù cùng người cha chịu thương chịu khó. 

 

Hàng ngày từ sáng sớm, người dân nơi đây đều thức giấc bởi tiếng rao hàng bông của cô Nguyễn Thị Hà, mẹ của Hiếu. “Dù cuộc sống cực khổ, khó khăn đến đâu, vợ chồng tôi cũng cố gắng cho các con ăn học tới nơi tới chốn sau này khỏi vất vả như cha mẹ. Có lúc thấy Hiếu vừa may vừa học tới tận khuya thương con lắm nhưng vẫn khuyến khích con chăm học để làm gương cho các em”, cô Hà tâm sự trong niềm tự hào về con cái.

 

Khi được hỏi động lực nào giúp Hiếu vượt qua khó khăn, không nản lòng suốt ba năm tự học ở nhà, Hiếu vui vẻ: “Không dự thi năm nay được, năm sau mình thi tiếp. Mình tin có chí thì nên. Trời không phụ lòng người, kết quả nay mình đang là sinh viên rồi còn gì?”. 

 

Vừa nói chuyện với tôi, mắt Hiếu luôn chăm chú nhìn vào đường may trên chiếc máy may cũ kĩ. Có lẽ, vì không muốn suốt đời làm cô thợ may ở chốn vùng quê xa xôi và muốn được làm cánh chim tung bay vào đời nên Hiếu đã lập nên thành tích này, hay Hiếu không thể cưỡng lại được ước mơ làm cô giáo dạy Văn của mình? 

 

Tôi chỉ đọc được câu trả lời trong đôi mắt sung sướng được đi học của Hiếu. Một ý chí và nghị lực thật đáng trân trọng và học hỏi. Nhìn chị em Hiếu quây quần bên mâm cơm và cùng cắp sách bước lên giảng đường Đại học của trường Đại học Đồng Tháp, tôi tin Hiếu sẽ là cánh chim dẫn đường tương lai cho ba đứa em của mình. 

 

Nguyễn Biên Soạn