Chuyện thú vị về ngôi trường của thủ khoa quê lúa

(Dân trí) - Vừa trở thành tân thủ khoa của ĐH Quốc gia Hà Nội, Bùi Mạnh Thắng không phải đến từ một trường điểm hay danh tiếng của tỉnh Thái Bình. Điều thú vị ở đây, ngôi trường Thắng đang theo học có chất lượng đầu vào gần như “đội sổ” của tỉnh.

Thông tin Bùi Mạnh Thắng đỗ thủ khoa  ĐH Quốc gia Hà Nội ở kì thi đánh giá năng lực vừa qua không chỉ khiến cho gia đình bất ngờ mà ngay cả thầy cô Trường THPT Bình Thanh cũng cảm thấy vô cùng “sốc”. Đây là dấu ấn đặc biệt của một ngôi trường được đánh giá là chất lượng đầu vào luôn đội sổ trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 và hơn hết ngôi trường còn gắn với biệt hiệu: học sinh nghèo, học sinh không biết đến với học thêm ngoài trường.

Trường THPT Bình Thanh (huyện Kiến Xương, Thái Bình) nơi thủ khoa Bùi Mạnh Thắng theo học.
Trường THPT Bình Thanh (huyện Kiến Xương, Thái Bình) nơi thủ khoa Bùi Mạnh Thắng theo học.

Chiến lược táo bạo của ngôi trường “đội sổ”

Theo khẳng định của thầy cô Trường THPT Bình Thanh, việc Thắng đỗ thủ khoa ĐH Quốc gia Hà Nội trước hết là nhờ vào chính khả năng học tập của em cũng như quá trình dạy dỗ của các thầy cô song kết quả này sẽ là “không tưởng” nếu như không có sự đổi mới trong đánh giá thi cử, trong cách ra đề của Bộ GD nói chung và ĐH Quốc gia Hà Nội nói riêng.

Thầy Đỗ Văn Sao - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường THPT Bình Thanh thuộc huyện nghèo nam Kiến Xương, hầu hết các gia đình ở đây đều thuần nông. Ở Thái Bình có 28 trường THPT công lập thì trường chúng tôi đứng cuối cùng về chất lượng đầu vào. Hàng năm học sinh đăng ký thi lớp 10 thấp. Điểm học sinh đỗ đầu vào cũng liên tục nhiều năm thấp nhất tỉnh. Như năm em Thắng thi vào, Sở duyệt 9 lớp 10 với 405 học sinh nhưng chỉ 388 em đỗ, điểm đầu vào thấp nhất nhưng nhiều năm còn tuyển không đủ chỉ tiêu”.

Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc điểm chuẩn đầu vào Trường THPT Bình Thanh không cao là do số học sinh đăng ký dự thi rất thấp do mật độ dân cư không đông. Có năm tuyển sinh số lượng đăng ký còn thiếu so với chỉ tiêu nhưng theo quy định của Sở GD-ĐT Thái Bình thì phải đáp ứng điều kiện tối thiểu mới được công nhận trúng tuyển.

Hàng năm ở kì thi vào lớp 10 của tỉnh Thái Bình thì thí sinh dự thi hai môn cố định Ngữ văn và Toán (tính hệ số 2). Đối với môn thứ 3 thì tùy theo từng năm sẽ được Sở GD-ĐT quyết định (môn này tính hệ số 1).

Nói như thầy Đỗ Văn Sao, một học sinh dự thi được tính tổng điểm như 5,5 môn (do gồm cả điểm nghề) nhưng điểm chuẩn vào trường năm lớp 10 mà Thắng theo học chỉ ở mức 15,5 (khoảng 3 điểm/môn đã trúng tuyển). Trước khó khăn này, tập thể giáo viên Trường THPT Bình Thanh đã từng bước nâng cao chất lượng học sinh bằng những chiến lược riêng.

Nhằm khích lệ sự cạnh tranh giữa các học sinh cũng như nâng tầm của ngôi trường, Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định hình thành hai lớp chọn ở mỗi khối. Đây là nơi để nhà trường bồi dưỡng nhân tài, tuyển chọn học sinh khá giỏi ít ỏi để đầu tư. Các em khác sẽ được chia đều để dạy đạt yêu cầu nâng cao dân trí.

“Khi tuyển được lớp chọn trường có kế hoạch riêng. Cụ thể, đầu tư thầy cô có khả năng tốt nhất chuyên môn đáp ứng yêu cầu. Đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. 6 lớp chọn đều có máy chiếu, giảng dạy giáo trình điện tử, đổi mới phương pháp giảng dạy. Với hình thức đổi mới này cả học sinh lẫn thầy cô đều rất phấn khởi” - thầy Đỗ Văn Sao cho biết.

Cũng theo thầy Sao, hàng năm nhà trường thường tổ chức hội thảo đổi mới phương pháp dạy học. Nhất là năm nay khi Bộ phổ biến về việc đổi mới kiểm tra đánh giá, nhất là kỳ thi THPT quốc gia nhà trường đã mở hội thảo yêu cầu thầy cô phải có sự đổi mới, chuyển biến, thấm nhuần chỉ đạo Bộ, Sở.

Thầy Đỗ Văn Sao - Hiệu trưởng trường THPT Bình Thanh.
Thầy Đỗ Văn Sao - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thanh.

“Khi trường biết kết quả của em Thắng ở kỳ thi đánh giá năng lực thì ai cũng bất ngờ vì Thắng chỉ là học sinh giỏi của một trường đầu vào thấp nhất. Tuy nhiên, khi có kết quả đó ngẫm ra là do nhà trường có sự thay đổi triệt để trong việc thay đổi phương pháp dạy và học” - thầy Sao tự hào nói.

Minh chứng điều này, thầy Sao phân tích: Ở kì thi của ĐH Quốc gia Hà Nội vừa qua, đề thi khác rất nhiều so với trước đây. Trong khi đó, trường dù đầu tư nhiều về cơ sở vật chất cũng như bộ môn chuyên sâu nhưng dạy đều các môn và không bớt xén chương trình, môn nào cũng coi trọng. Từ chỉ đạo đó, các em thầy cô đều nghiêm túc thực hiện. Việc em Thắng đạt được kết quả cao vừa qua có thể đánh giá quá trình dạy học toàn diện của nhà trường.

“Nếu đề thi được ra mang tính chất luyện thi thì chất lượng học sinh của trường không thể so bì với các trường chuyên, trường có chất lượng. Tuy nhiên nếu đề ra theo kiểu “bách hóa tổng hợp” thì chúng tôi tin tưởng học sinh của trường có thể cạnh tranh” - thầy Sao hóm hỉnh chia sẻ.

Vui nhưng không quên nhiệm vụ

Mặc dù cả thầy và trò THPT Bình Thanh đều rất vui mừng trước thông tin Thắng đỗ thủ khoa của ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng cảm xúc đó đang tạm thời phải gác lại bởi một nhiệm vụ vô cùng quan trọng phía trước: Học sinh của trường phải đạt kết quả tốt ở kì thi THPT quốc gia.

Năm nay Trường THPT Bình Thanh có 405 học sinh lớp 12. Trong số này có 70% các em đăng ký dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chỉ có 30% học sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT, sau đó chuyển hướng đi học nghề. Theo các thầy cô, điều này phản ánh trung thực năng lực học tập của các em.

“Mặc dù chất lượng đầu vào thấp nhưng hàng năm số học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ dao động ở mức 65-70%. Sở dĩ có kết quả tốt như vậy là do thầy cô đã định hướng các em chọn trường vừa sức, phần lớn các em theo học ở các trường top giữa hoặc top dưới” - Hiệu trưởng Đỗ Văn Sao cho hay.

Học sinh lớp 12 đang tập trung ôn tập để có kết quả tốt ở kì thi
Học sinh lớp 12 đang tập trung ôn tập để có kết quả tốt ở kì thi THPT quốc gia.

Trong thời tiết khá nắng nóng trong thời gian qua, thầy trò Trường THPT Bình Thanh đang dốc sức cho việc ôn thi. Bên cạnh việc cắt cử các thầy cô giỏi nhất luân phiên ôn luyện cho học sinh khối 12, nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất như trang bị mành rèm, quạt để chống nóng.

Là chủ nhiệm lớp chọn toán đồng thời cũng là giáo viên dạy bộ môn này ở nhiều lớp khác nên việc ôn thi cho các nhóm học sinh có năng lực khác nhau luôn được thầy Hoàng Văn Cương lên kế hoạch, giáo án cụ thể.

Thầy Hoàng Văn Cương chia sẻ kinh nghiệm ôn tập cho học sinh.
Thầy Hoàng Văn Cương chia sẻ kinh nghiệm ôn tập cho học sinh.

“Mỗi thầy cô đầu tư chuyên môn cao hơn, tâm huyết, tìm tòi kiến thức mới để dạy hấp dẫn. Lớp chọn so với dại trà có khoảng cách lớn. Vì vậy dạy từng lớp có phương pháp, giáo án riêng. Lớp chọn phải đầu tư dạy kiến thức cao hơn… Còn ở lớp bình thường thì phấn đấu không để học sinh nào bị điểm liệt. Từ nay đến ngày kết thúc đợt ôn thi (26/6), các thầy cô tập trung hỗ trợ học sinh yếu bộ môn của mình” - thầy Cương cho biết.

Mặc dù đối mặt với một kì thi quan trọng nhưng điều thú vị ở ngôi trường này là cả thầy và trò đều “nói không với dạy thêm, học thêm”. Thầy không mở lớp, trò chẳng có nhu cầu, kiến thức ở nhà trường đã là rất đầy đủ nên nhiều năm qua, dù ở các xã, các vùng lân cận mở “lò luyện”, câu kéo bằng hình thức xe đưa rước nhưng chẳng có mấy học sinh nhà trường tham gia. Mặc dù rất lo lắng với kỳ thi trước mắt nhưng Lại Thị Huyền - học sinh lớp 12 A3 cho rằng kiến thức được học trên lớp là rất đầy đủ với kỳ thi.

“Năm nay em đăng ký dự thi các môn tổ hợp của khối A và B. Em mong mình và bạn bè trúng tuyển vào trường mình đã ước mơ. Nhà trường tạo mọi điều kiện cho chúng em nâng cao kiến thức vượt kỳ thi này. Từ trước đến nay em không đi học thêm ở đâu cả và ngay cả bây giờ cũng không” - Huyền bộc bạch.

Chia sẻ thêm, em Nguyễn Thị Duyên - học sinh lớp 12A1 tâm sự: “Năm nay nhiều đổi mới rất băn khoăn nhưng qua được thày cô rèn luyện cung cấp kiến thức nên bớt hồi hộp. Thời điểm này đã vững kiến thức căn bản. Hiện chúng em đang tập trung luyện đề cho kỳ thi”.

Nguyễn Hùng