Chuẩn bị cho bạn đi du học

(Dân trí) - Bạn sắp đi du học nhưng còn lúng túng và chưa biết bắt đầu từ đâu, chuẩn bị những gì? Duới đây là lời khuyên của đại diện Công ty Tư vấn du học và đào tạo Hà Nội sẽ giúp bạn có những thông tin bổ ích cho hành trình “kiếm chữ” ở nước ngoài.

Mang theo những gì khi đi du học?

 

Đầu tiên là những giấy tờ quan trọng như visa nhập cảnh và hộ chiếu còn thời hạn. Thư gọi học, các giấy tờ liên quan đến quá trình học của bạn, các giấy tời tuỳ thân và các bằng chứng về tài chính.

 

Hãy để hộ chiếu, visa, vé máy bay, tiền bạc, những giấy tờ quan trọng và những đồ vật có giá trị vào trong hành lý xách tay. Gom các đồ dùng cần khai báo với hải quan vào 1 túi riêng. Khoá các túi hành lý và đính lên trên đó tờ ghi tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của bạn. Để vào trong hành lý hai bản photo hộ chiếu và visa của bạn.

 

Thông thường khi đi máy bay, bạn sẽ phải hạn chế số lượng hành lý mang theo. Vì vậy, chỉ nên mạng những thứ thật cần thiết. Ví dụ như: sổ ghi địa chỉ, số điện thoại, email của gia đình, bạn bè và trường ban sẽ theo học.

 

Ngoài ra còn có các vật dụng cần thiết khác như: quần áo, một số đồ dùng phục vụ cho bữa ăn của bạn. Bên cạnh đó cũng nên mang đồ ăn sẵn (phòng khi bạn mới sang và chưa quen với đồ ăn bên đó), thuốc (trị một số bệnh thông thường như: cảm sốt, nhức đầu…)

 

Khi đặt đã đến nuớc bạn

 

Cần liên lạc ngay với gia đình để báo cho họ biết tình hình của mình. Rồi nhanh chóng thu xếp chỗ ăn, ở.

 

Hãy đến văn phòng sinh viên quốc tế của trường để thông báo là bạn đã đến nơi và đăng ký tham gia các buổi hướng dẫn thông tin cho sinh viên do nhà trường tổ chức. Bạn nhớ lấy thẻ sinh viên và thẻ ưu đãi giảm giá (nếu có), rất nhiều quốc ra có những ưu đãi đặc biệt dành cho sinh viên, đừng bỏ lỡ cơ hội này.

 

Thích ứng văn hoá

 

Khi đến một đất nước có nền văn hoá khác ở Việt Nam, bạn dễ cảm thấy bối rối hoặc hụt hẫng vì gặp sự khác biệt về con người, thực phẩm, ngôn ngữ, đặc biệt là văn hoá. Bạn sẽ cảm thấy cô đơn và nhớ mọi người vô cùng…

 

Để vượt qua những cảm giác đó bạn cần phải có sự điều chỉnh về tâm lý của chính mình. Hãy tự nhủ rằng mình sẽ phải sống trong môi trường như vậy cho đến khi kết thúc khoá học. Vậy tốt nhất là hãy thích nghi và sống vui vẻ trong hoàn cảnh như vậy. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua nỗi cô đơn.

 

Nhà ở

 

Song song với việc điều chỉnh và thích ứng văn hoá, du học sinh cũng cần ổn định chỗ ở. Ngay khi biết mình được nhận vào trường, bạn phải quan tâm đến việc mình sẽ ở đâu trong suốt thời gian học. Thông thường các trường đều có người phụ trách lo chỗ ở cho sinh viên quốc tế trước khi bạn sang. Nhà trường sẽ thường xuyên liên lạc với bạn để xác định xem bạn sẽ ở theo loại hình nào.

 

Thông thường sẽ có ba loại hình nhà ở:

 

Kí túc xá: Hầu hết các trường đều có kí túc xá dành cho sinh viên. Các sinh viên mới đến thường lựa chọn ký túc xá để quen dần với môi trường.

 

Thuê trọ tại các căn hộ: Bạn có thể chia sẻ căn hộ với một vài người bạn. Thuê nhà kiểu này bạn sẽ có một phòng ngủ riêng nhưng dùng chung bếp, phòng tắm. Đây là cách sống khá phổ biến của du học sinh Việt Nam.

 

Homestay (ở cùng gia đình người bản xứ): Một hình thức khá phổ biến cho sinh viên quốc tế là đăng ký ở tại một gia đình người dân bản xứ. Bạn sẽ được xếp phòng riêng, nhiều gia đình còn nấu ăn cho bạn nếu bạn yêu cầu.

 

Làm thêm

 

Mỗi một quốc gia có quy định khác nhau về vấn đề làm thêm của du học sinh. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, du học sinh được phép làm thêm 28 giờ/tuần. Tại một số nước khác như Úc, Anh, New Zealand, Canada... sinh viên phải xin giấy phép mới được đi làm thêm

 

Công việc làm thêm: Phụ thuộc rất nhiều váo trình độ tiếng cũng như sự linh hoạt của sinh viên. Tại hầu hết các nước châu Âu người ta thường trả lương theo giờ. Tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc nếu bạn làm 28 giờ/tuần bạn sẽ nhận được khoảng 1000 - 2000USD/tháng.

 

Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, mục đích đi du học của bạn là trau dồi kiến thức. Vì vậy, bạn phải bố trí việc học và việc làm thêm sao cho hợp lý nhất. Tốt nhất là chờ khi bạn học xong kì đầu tiên để biết rõ là bạn có thể dành bao nhiêu thời gian cho việc làm thêm mà không ảnh hưởng đến việc học tập của mình.

 

Phạm Thanh (ghi)