Chưa nhập học đã “ngán” chuyện nhà trọ

(Dân trí) - Ngay sau khi có điểm chuẩn, dù chưa đến ngày nhập trường, nhiều tân sinh viên đã đổ về Hà Nội để lo nơi ăn chốn ở. Lên sớm nhưng con đường tìm chỗ trọ của họ vẫn gian nan khi mà nhà trọ vừa đắt vừa hiếm.

 Quanh trường “hết phòng”

“Cô ơi, trong này có phòng cho thuê…”, xách chiếc ba lô, ngác ngơ hỏi bà bán vé số ngay đầu con ngõ đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) cô gái liền bị cắt ngang: “Đi chỗ khác tìm đi, ở đây hết chỗ rồi”. Thấy cô gái vẫn loay hoay trước tấm biển “Có phòng  thuê”, bà bán vé số lại nói tiếp: “Biển người ta treo từ lâu rồi, chưa kịp tháo thôi”. Và đúng như lời bà bán vé số nói, một thanh niên đi ra từ xóm trọ này nói: “Đây hết phòng rồi em ạ! Quanh đây chắc cũng chẳng còn nữa đâu”.
 
Chưa nhập học đã “ngán” chuyện nhà trọ - 1
Quanh các trường ĐH, những tấm biển “Có phòng cho thuê” đến thời điểm này đều đã là… “dĩ vãng”.

Quay ra với vẻ mặt chán chường, cô gái cho biết cô là Mai, quê Yên Bái, là tân sinh viên của trường ĐH Thương mại: “Vừa biết điểm chuẩn của trường, tin mình đỗ là em xuống luôn để tìm nhà trọ. Em muốn tìm chỗ trọ gần trường để đi lại cho tiện. Em nghĩ mình xuống sớm, sẽ dễ tìm phòng, đâu ngờ khó thế này”.

“Hết phòng trọ” là tình trạng chung ở khu vực quanh các trường đại học một vài tuần nữa mới bắt đầu năm học mới. Nhiều tân sinh viên “đổ bộ” lên Hà Nội sớm, với hy vọng tìm được chỗ trọ gần trường nhưng rồi đều chán chường: “Em cũng tìm được một vài chỗ nhưng giá phòng đắt quá, phòng chưa đến 10m2, mà giá một triệu”, Tuấn, vừa đỗ vào trường ĐH Bách khoa cho hay.

Tại nhiều nơi “cao điểm” về nhà trọ như quanh các trường ĐH Thương mại, Sư phạm, Nhân văn, Bách khoa… còn phải treo biến tấm biển “Hết phòng” để tránh sự “quấy nhiễu” của khách đi tìm nhà.

“Cả tuần nay mỗi ngày có vài chục người đến hỏi phòng, mình trả lời đến mệt nên treo luôn tấm biểm “Hết phòng”. Như chỗ tôi, hôm vừa thi đại học xong đã có người đến đặt cọc rồi. Giờ phải đi đâu mà tìm chứ quanh trường, còn đâu mà thuê”, cô Liên, chủ nhà có bảy phòng trọ ở trong ngõ 336 Nguyễn Trãi cho biết.

Hỏi về giá phòng, cô Liên nói: “Phòng nhà tôi rộng 16m2, tối đa ở được 4 người, giá tiền 1,6 triệu. Đây là giá bình quân, nhiều nơi đắt hơn vẫn không có cho thuê”.

“Ngán” vì giá

Khan phòng trọ nên giá thuê cũng bị đẩy lên cao. Thế là không chỉ “đi mòn cả dép” vẫn chẳng tìm nổi nhà trọ, nhiều tân sinh viên còn ngậm ngùi vì may mắn hỏi được nhà rồi cũng đành lắc đầu vì không chịu được giá.

Đầu năm học cũng là “cột mốc” để các chủ nhà trọ tiếp tục “làm mới” giá phòng. Hầu hết ở các khu trọ, giá phòng đều tăng thêm 50 - 100.000 đồng, thậm chí có nơi cao hơn.
 
Chưa nhập học đã “ngán” chuyện nhà trọ - 2
Nhà trọ nhếch nhác, ẩm thấp thế này nhưng giá vẫn rất cao.

Chẳng hạn như khu vực Phùng Khoang (quận Thanh Xuân), phòng trọ từ 8 - 10m2 có giá 600 - 700.000 đồng, ở khu vực Cầu Giấy, giá phòng cao “nhỉnh” hơn khoảng 50.000 đồng. Điều kiện sống ở các phòng trọ vẫn là điệp khúc ẩm thấp, tồi tàn, nóng nực… Với giá cắt cổ đó, nhiều tân sinh viên đã rất muốn tìm chỗ “dung thân” nhưng rồi cũng phải từ chối.

Tú, tân sinh viên trường Kinh tế Quốc dân than thở: “Chỗ gần trường thì chẳng có, còn nơi xa phòng lếch thếch, nhớp nháp cũng đã 700 - 800 ngàn đồng, chưa nhập học, chưa tìm được bạn ở cùng em không thuê nổi.

Tú cho hay bố mẹ đã tính mỗi tháng ăn học của hết 1,2 triệu, bố mẹ sẽ làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Như vậy, giá phòng trọ quả là quá sức so với “thu nhập” của cậu.

Trong con ngõ của đường Khương Trung, một toà nhà 6 tầng với 40 phòng mới hoàn thiện có rất nhiều người hỏi thuê. Đây được xem là khu trọ “cao cấp” vì cao ráo, lát gạch hoa, khép kín, thế nhưng giá cũng không dễ thở. Phòng từ 12 đến 20m2 có giá giao động từ 1 đến 2 triệu đồng.

Đi từ khu trọ này ra, Minh, tân sinh viên HV Ngân hàng rầu rĩ: “Chỗ ở thì thích nhưng giá cao thế này thì em không thuê được”. Anh chủ phòng trọ, cầm tập hồ sơ tòa nhà phía sau nói với: “Bây giờ cậu không thuê, mai mốt còn lên giá nữa”. Anh này cho biết, so với giá dự tính ban đầu, chỗ trọ vừa cho tăng thêm 100.000 đồng/phòng: "Mấy hôm tới tân sinh viên nhập trường, nếu còn phòng giá chắc còn cao hơn nữa", anh chủ phòng trọ nói.
 
Một số kinh nghiệm “bỏ túi” tìm nhà trọ
 
Trước hết bạn phải tận dụng các mối quan hệ bạn bè, anh em nhờ họ để ý hộ phòng trọ. Việc nhờ vả này đôi lúc rất dễ “ăn may”, tìm chỗ trọ vừa đẹp, giá cả vừa phải.
 
Chưa nhập học đã “ngán” chuyện nhà trọ - 3
Cần có những kinh nghiệm tìm nhà trọ để không phải than điệp khúc "chuyển nhà liên tùng tục".

Bạn nên khảo sát kỹ phòng trọ như phòng có sạch sẽ không, có ẩm mốc không và các yếu tố tiện lợi, an ninh tốt trước khi quyết định thuê phòng. Hơn nữa, bạn cần phải nhớ hỏi trước về giá điện, nước sinh hoạt vì tâm lý cần phòng, nhiều người quên mất việc này. Khi đã thuê mới “vỡ ào” giá điện, nước. Cố gắng tìm hiểu càng kỹ càng tốt để không rơi vào cảnh vài ba hôm lại lại phải đi tìm nhà trọ mới.

Bạn có thể vào mạng, các trang rao vặt, chọn các tin mới về cho thuê nhà trọ (phải cẩn thận không “trúng” Trung tâm môi giới nhà đất). Sau khi gọi điện liên hệ thì hãy lập tức đến xem nhà vì chỉ “chậm chân” là có người thuê ngay.

Nếu có đông bạn bè, các bạn nên tìm khu tập thể hoặc thuê nhà độc lập. Như thế không chỉ có được chỗ ở thoải mái mà chi phí cũng thường thấp hơn. Đặc biệt khoản điện nước, mình được thanh toán độc lập theo quy định chung.

Tìm được nhà rồi, thấy yên tâm bạn đặt cọc tiền để giữ nhà rồi lập tức chuyển đến ở. Khi đến ở nhớ làm hợp đồng thuê nhà và làm làm thủ tục khai báo tạm trú đầy đủ.

 Bài và ảnh: Hoài Nam