Chính phủ xem xét việc trường trung cấp ngừng đào tạo Y dược

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Chính phủ vừa có yêu cầu Bộ GD&ĐT đưa ý kiến về việc trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ngừng đào tạo ngành y dược.

Tại Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành “Tổng kết năm học 2015- 2016, triển khai năm học 2016-2017 khối giáo dục chuyên nghiệp”, do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 26/7 tại Hà Nội, một số trường TCCN đã có nhiều ý kiến liên quan đến Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7/10/15 của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế về việc ngưng đào tạo trung cấp nhóm ngành y tế.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Chính phủ vừa có yêu cầu Bộ GD&ĐT đưa ý kiến về việc trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) ngừng đào tạo ngành y dược trong tuần này.

Văn bản quá vội vàng

Trước đó, ngày 23/7, Hiệu trưởng 16 trường trung cấp tại TP.HCM đã ký tên, đóng dấu vào bản kiến nghị gửi Văn phòng Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT đề nghị “sửa lại và tạm ngừng thực hiện” thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ về việc ngưng đào tạo trung cấp nhóm ngành y tế.

Trong bản kiến nghị, các trường cho rằng “việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực ngành y tế bắt đầu từ năm 2021 là một tín hiệu tốt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và hội nhập với các nước trong khu vực.

Theo các trường, “Quy định của Bộ Y tế ban hành một cách vội vàng, chưa đánh giá được tác động của nó, chưa có đánh giá phản biện của xã hội, ngay cả những người đang làm việc trong ngành y tế của các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến trung ương. Vì vậy, muốn thực hiện, cần có lộ trình hợp lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa khâu tuyển dụng, sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực...

Nhiều sinh viên và lãnh đạo trường TCCN kêu cứu về việc ngừng đào tạo nhóm ngành y tế bậc trung cấp (ảnh: minh họa)
Nhiều sinh viên và lãnh đạo trường TCCN "kêu cứu" về việc ngừng đào tạo nhóm ngành y tế bậc trung cấp (ảnh: minh họa)

Trao đổi với PV Dân trí sáng 26/7, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ vừa nhận được kiến nghị của Hiệu trưởng 16 cơ sở đào tạo TCCN về ngành Y Dược và đang khẩn trương xem xét các kiến nghị của những trường này. Theo đó, Bộ sẽ phối hợp với các sở GD&ĐT địa phương, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ để xử lý từng vấn đề một liên quan đến Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ.

Những gì kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT thì Bộ sẽ sớm xử lý và trả lời cho các trường liên quan.

Về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, cơ quan thuộc Chính phủ cần có sự phối hợp với Bộ ngành liên quan cùng giải quyết vấn đề này.

Trong thiết kế cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân sắp tới trình Thủ tướng phê duyệt để dựa vào đó ngành giáo dục sẽ triển khai quy hoạch tổng thể, tái cơ cấu, sắp xếp mạng lưới các cơ sở từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và ĐH…

Bộ GD&ĐT sẽ nêu ý kiến với Chính phủ

Trao đổi thêm về việc trong tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ có cuộc làm việc với Văn phòng Chính phủ liên quan đến Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7/10/15 của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế, ông Vinh cho biết, trong tuần này, Văn phòng Chính phủ có mời lãnh đạo Bộ GD&ĐT trao đổi về hệ thống các trường TCCN có đào tạo nhóm ngành Y tế. Như vậy, Bộ GD&ĐT sẽ có ý kiến về vấn đề này.

“Hiện chúng tôi chưa có đánh giá tổng thể về mức độ ảnh hưởng của Thông tư này. Tuy nhiên, hiện có hơn 100 trường TCCN cả trong và ngoài công lập có đào tạo nhóm ngành y dược. Chắc chắn các trường TCCN y dược năm nay sẽ cực kì khó khăn trong tuyển sinh”, ông Vinh cho hay.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí liên quan đến việc thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có đánh giá tác động nếu áp dụng thông tư liên tịch này? Ông Vinh cho hay: “Bộ GD&ĐT không phải đơn vị ban hành thông tư liên tịch này. Tôi nghĩ việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật không nên vội vã, thiếu ý kiến của các bên liên quan (như Bộ GDĐT, các trường đào tạo y tế, cơ sở sử dụng lao động…) cũng như đánh giá cái lợi cái hại tác động đối với những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh cung như các tác động khác. Đây là cái sai trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì không lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, như thế là áp đặt, chủ quan”.

Cũng theo ông Vinh, các đơn vị này mượn danh nghĩa hội nhập, ngành điều dưỡng phải chuẩn hóa trình độ cao đẳng. Tuy nhiên, ông Vinh là một trong những người tham gia xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN, chúng ta chưa có văn bản ký thỏa thuận cấp Chính phủ về việc công nhận ngành Điều dưỡng phải có trình độ CĐ hay ĐH.

Chia sẻ với PV Dân trí, Thứ trường Bùi Văn Ga cho biết, trước mắt các trường TCCN phải có ý kiến lên Chính phủ. Về phía Bộ GD&ĐT, ngày 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có triệu tập cuộc họp. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tham gia ý kiến cùng với Bộ Y tế và với các trường về vấn đề này.

Mỹ Hà