Cẩn thận với các điểm mới trong đề Văn

(Dân trí) - Với cấu trúc đề thi năm nay của Bộ GD&ĐT có nhiều điểm mới, nếu thí sinh không cẩn thận trong cách ôn tập thì điểm thi sẽ thấp - PGS.TS Văn học Lê Quang Hưng, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cảnh báo.

Điểm mới trong cấu trúc đề thi năm nay đó là gì, thưa PGS.TS?

Năm nay tất cả các thí sinh thi đều theo chương trình của sách giáo khoa mới gồm hai bộ dành cho ban Cơ bản và Nâng cao. Nghĩa là những thí sinh thi lại đại học và cao đẳng phải học ôn theo sách giáo khoa mới này.

Các em cần chú ý rằng có những tác phẩm không còn trong sách giáo trình nữa, có những tác phẩm chuyển sang phần đọc thêm. Như thế tất nhiên có những tác phẩm mới được đưa vào chương trình, nhất là văn học Việt Nam từ sau năm 1975 (thời kỳ đổi mới).

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đã được Bộ GD-ĐT công bố. Đề thi môn Văn gồm 3 câu. Câu 2 điểm thiên về tái hiện kiến thức khái quát, cơ bản về một tác giả tiêu biểu hoặc về thời kỳ hay một tác phẩm văn học. Câu 3 điểm thuộc về nghị luận xã hội (về tư tưởng, đạo lý hay về một hiện tượng đời sống).

Câu 5 điểm là câu nghị luận văn học có tính hoàn chỉnh. Câu này thuộc phần tự chọn, nghĩa là thí sinh chọn làm một trong hai câu. Như thế, điểm mới là trong đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH,CĐ năm nay sẽ chính thức có câu về nghị luận xã hội.

Với câu hỏi về nghị luận xã hội thì thí sinh cần tổ chức làm bài như thế nào để đạt hiệu quả cao?

Với cấu trúc đề thi năm nay, các em cũng nên dành thời gian thích đáng để luyện viết nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hoặc về một hiện tượng đời sống, vì đây là kiểu câu mới trong đề thi.

Nên nhớ rằng làm câu nghị luận này rất dễ rơi vào tình trạng thuyết lý, sáo rỗng. Cần bàn về nó bằng tất cả nhận thức, tình cảm của mình, hãy cố gắng viết bằng sự trải nghiệm, hiểu biết của chính mình.

Nhìn chung, khi làm câu nghị luận xã hội này, các em luôn tự đặt các câu hỏi mà tìm ý, mà triển khai mạch văn: Thế nghĩa là thế nào? Tại sao lại như thế? Ý nghĩa của vấn đề, hiện tượng đó là gì? Chúng ta có thể rút ngắn những bài học gì từ đó?...

Kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và chấm thi đại học, ông cho biết nhược điểm của học sinh khi làm văn là gì ?

Nói về nhược điểm, sai sót của học sinh khi làm bài thi thì muôn hình nghìn trạng. Nhưng có một điểm nổi bật, phổ biến, đó là sự bất hợp lý, không cân xứng khi giải quyết các câu của bài văn, không trọn vẹn.

Khá nhiều em không biết chủ động phân bố thời gian tương đối hợp lý trong quá trình làm bài. Có thể vì trúng tủ, vì quá say sưa với một câu nào đó mà sa đà, làm dài quá, thế là không đủ thời gian để giải quyết trọn vẹn các câu khác. Các em cần có ý thức tự chế ngự, chủ động lúc làm bài, từng câu giải quyết thế nào cho đúng với yêu cầu, với lượng điểm để phân phối. 

Với những điểm mới trong cấu trúc đề thi năm nay như vậy, ông có lời khuyên gì cho thí sinh về cách học?

Về cách học, thí sinh hãy bám sát vào sách giáo khoa. Cần đọc kỹ các câu hỏi của phần Hướng dẫn học bài và đưa vào đó để tổ chức kiến thức, để phân tích và ôn tập. Đó chính là những đơn vị kiến thức cơ bản của bài học ấy mà người học phải trả lời được đầy đủ, chính xác.

Cần tìm các cuốn sách, các tài liệu bổ trợ thích hợp để nắm vững hơn kiến thức, hiểu sâu hơn tác giả, tác phẩm. Nhất là đối với những tác phẩm mới đưa vào chương trình.

Nhìn chung, để phân tích đúng, phân tích sau những tác phẩm này, cần đặt chung vào bối cảnh của thời kỳ xã hội mới, vào các đặc điểm của văn học thời kỳ đổi mới. Chẳng hạn đối với Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải, bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo, vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ…

 Xin cảm ơn PGS.TS!

Hồng Hạnh