Cần Thơ:

Cần hỗ trợ thêm kinh phí để dạy thí điểm tiếng Anh bậc tiểu học

(Dân trí) - Phụ huynh đồng tình, các trường nhiệt tình giảng dạy nhưng thiếu kinh phí là những điểm đáng chú ý trong việc triển khai thí điểm dạy tiếng Anh bậc tiểu học ở TP Cần Thơ.

TP Cần Thơ là một trong 18 tỉnh, thành được Bộ GD-ĐT chọn thí điểm dạy môn tiếng Anh ở bậc tiểu học. Trong đó, quận trung tâm Ninh Kiều có 2 trường được chọn là Tiểu học Ngô Quyền và Tiểu học An Bình 1.

Qua khảo sát tại 2 trường này cho thấy, các trường tiếp nhận và thực hiện khá tốt chương trình dạy tiếng Anh thí điểm của Bộ GD-ĐT (khoảng tháng 10/2010) nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Tại Trường tiểu học Ngô Quyền (phường An Phú), theo bà Nguyễn Thị Anh Đào - hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường bắt đầu giảng dạy tiếng Anh lớp 3 từ giữa tháng 10/2010 với bộ sách Family and Friends. Trường có 6 lớp 3 đang học môn tiếng Anh này và cũng phân công một giáo viên (GV) phụ trách giảng dạy.

Theo bà Đào, việc giảng dạy môn tiếng Anh rất được phụ huynh học sinh (HS) quan tâm. Chính vì thế nhà trường đã chọn GV có kinh nghiệm để có thể giúp HS tiếp thu tốt nhất nội dung của chương trình. Qua hơn 3 tháng triển khai, theo GV trực tiếp đứng lớp đánh giá, chương trình Family and Friends có phần nhẹ nhàng hơn các chương trình tiếng Anh trước (Les’t go…).

Cũng theo bà Đào, thuận lợi nữa là tài liệu được Bộ cung cấp, trang thiết bị cũng được trang bị khá đầy đủ nên GV và HS có điều kiện học tập tốt. Tuy nhiên cái khó khăn mà trường đang gặp phải là triển khai “lưng chừng” nên khi cử GV đi tập huấn ở xa thì thiếu kinh phí.

Cần hỗ trợ thêm kinh phí để dạy thí điểm tiếng Anh bậc tiểu học - 1
Triển khai dạy thí điểm tiếng Anh ở bậc tiểu học được sự đồng tình của các trường nhưng cần hỗ trợ thêm kinh phí cho chương trình này.   

Cô Nguyễn Ngọc Phương Thảo - GV trực tiếp dạy tiếng Anh lớp 3 của Trường tiểu học Ngô Quyền, cho rằng chương trình mới có nhiều hoạt động mới, có những cái áp dụng phổ biến, nhẹ nhàng nên HS tiếp thu có phần tốt hơn. Tuy nhiên theo cô Thảo, thì do nhiều HS học chương trình khác nên khi chuyển từ trường khác qua khó hòa nhập. Một phần nữa là có nhiều em HS chưa từng tiếp xúc với tiếng Anh nên ban đầu cũng chưa tiếp thu được. Theo cô Thảo thì với chương trình mới, HS học tốt ở phần nói và nghe; còn phần viết và đọc thì ít được chú trọng.

Hiệu trưởng Đào chia sẻ thêm, với việc chi trả mức phí cho GV hiện nay 15.000 đồng/tiết là một con số khiêm tốn. Hiện nhà trường đang họp bàn để nâng mức chi trả giảng dạy cao hơn để động viên tinh thần và phần nào đó xứng đáng công sức mà GV đã bỏ ra.

Trong khi đó, ông Chu Đức Khang - hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình 1 (phường An Bình), cho biết, cái khó khi triển khai thí điểm dạy tiếng Anh lớp 3 ở trường vào thời điểm này là thiếu kinh phí.

Theo ông Khang, nhà trường triển khai từ đầu tháng 11/2010; trong đó có 4/6 lớp 3 được học tiếng Anh. Nhà trường cũng phân công 1 GV phụ trách 4 tiết/tuần. Khi triển khai, nhà trường có thuận lợi là GV được cử đi tập huấn để giảng dạy, tài liệu được Bộ GD-ĐT cung cấp đầy đủ, phòng thiết bị tương đối đủ.

Tuy nhiên, do trong 4 lớp học, có hai lớp 3 mới tiếp xúc tiếng Anh nên chất lượng học không đồng đều; ngoài ra, có HS còn chuyển từ trường khác qua dù đã có học tiếng Anh (chương trình khác với nhà trường đã dạy) cũng gặp khó khi hòa nhập tiếp thu. Cũng theo ông Khang, hiện thiết bị dụng cụ học tập dành cho GV và HS có giá khá cao nên nhà trường thiếu kinh phí để mua hỗ trợ giảng dạy cho chương trình.

Chia sẻ với PV, thầy Trần Văn Minh Tâm - GV dạy tiếng Anh lớp 3 của trường, cho rằng khi triển khai các em HS hứng thú với bộ sách mới và đều tiếp thu tốt. Theo thầy Tâm, việc dạy 4 tiết/tuần là khoảng thời gian phù hợp với HS. Qua giảng dạy hơn 3 tháng nay, thầy Tâm cho biết HS tiếp thu nói và nghe là tốt nhất nhưng việc phát âm vẫn còn gặp khó.

Để triển khai tốt hơn chương trình thí điểm dạy tiếng Anh bậc tiểu học, theo hiệu trưởng Nguyễn Thị Anh Đào, cần tập huấn cho GV các kỹ năng cần thiết hơn nữa. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ về chế độ cho GV giảng dạy môn này khi đi tập huấn hay chế độ chi trả cần thiết. Còn hiệu trưởng Chu Đức Khang chia sẻ nên xem lại mức giá thành của các trang thiết bị đồ dùng làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho nhà trường khi mua cho GV phục vụ giảng dạy.

Huỳnh Hải