Các trường có yếu tố nước ngoài đang trở thành niềm tin của người học

Mùa tuyển sinh đang đến gần, nhiều học sinh quan tâm đến thông tin về Trường Đại Học Quốc tế Bắc Hà và một số vấn đề liên quan đến các trường liên kết đào tạo với nước ngoài.

Phóng viên đã trao đổi với ông Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà.
 
Các trường có yếu tố nước ngoài đang trở thành niềm tin của người học - 1
Chủ tịch HĐQT.GS.Viện sỹ.Đặng Hữu

Đại học Quốc Tế Bắc Hà là trường ĐH công lập hay tư thục?

ĐHQT Bắc Hà là trường đại học tư thục, không vì mục đích lợi nhuận, do các nhà khoa học tâm huyết với việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà sáng lập, thực hiện đào tạo hướng theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nhưng với chi phí thấp hơn nhiều so với đi du học ở nước ngoài, đáp ứng một phần nhu cầu đi du học nước ngoài đang gia tăng đồng thời góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.  

Tính "quốc tế” của ĐHQT Bắc Hà được thể hiện như thế nào?

Tính quốc tế của Trường được thể hiện rõ nhất ở chương trình và môi trường đào tạo. Chương trình đào tạo của Trường được xây dựng trên cơ sở chọn lọc từ các chương trình đào tạo của các trường ĐH tiên tiến của Mỹ, Úc và Anh. Hiện nay, các trường đại học Griffith University (Úc) là trường đối tác chính đã hợp tác với trường từ những ngày đầu chuẩn bị thành lập Trường, University of New England (Úc), Buckinghamshire New University và University of Worcester (Anh) đã công nhận chương trình đào tạo của Trường, đồng thời cho phép sinh viên của Trường ĐHQT Bắc Hà có thể chuyển đổi tín chỉ tương đương khi sang học tại các trường này. Sinh viên học tại Trường sau 2-3 năm, nếu có nguyện vọng và có đủ trình độ tiếng Anh IELTS 6.0 có thể đăng ký chuyển tiếp sang học nốt chương trình 1-2 năm tại trường đối tác để nhận tốt nghiệp có giá trị quốc tế. Đội ngũ giảng viên của Trường có nhiều giáo sư người nước ngoài và Việt Kiều. GS Hiệu trưởng Huỳnh Hữu Tuệ là giáo sư đã công tác tại ĐH Laval (Canada) hơn 40 năm. Trường có giáo viên bản ngữ đảm nhiệm giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên. Các trường đối tác cũng định kỳ gửi NCS ngành ngôn ngữ sang vừa thực tập tại Trường vừa tham gia giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên của chúng tôi. Trường cũng định kỳ mời các giáo sư từ các nước Mỹ, Pháp, Úc, Đức… đến giảng bài cho sinh viên. Hàng năm, Trường cũng đón nhận các đoàn sinh viên tình nguyện của Hàn Quốc sang giao lưu và bổ túc thêm về công nghệ thông tin cho sinh viên của Trường.

Chúng tôi xây dựng một môi trường sư phạm nghiêm túc, đào tạo sinh viên theo hướng tư duy chủ động và tích cực giống như ở các trường đại học nước ngoài.

Số lượng sinh viên đang theo học tại trường?

ĐHQT Bắc Hà lấy chất lượng làm trọng, vì vậy không chạy theo số lượng. Hiện tại, chúng tôi đang đào tạo hơn 700 sinh viên cho các ngành đang có nhu cầu nhân lực lớn như Kế toán, Tài chính-Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật Điện tử-Truyền thông.

Năm 2011ĐHQT Bắc Hà sẽ tuyển sinh bao nhiêu sinh viên?

ĐHQT Bắc Hà dự kiến tuyển 300 chỉ tiêu. Trong các ngành học đang tuyển sinh, năm nay chúng tôi mở thêm chuyên ngành đào tạo mới về ngân hàng điện tử, tin học ngân hàng đáp ứng nhu cầu nhân lực đang gia tăng mạnh trong lĩnh vực này.

Phương thức xét tuyển của trường ĐHQT Bắc Hà là gì?

Chúng tôi không tổ chức thi tuyển mà chỉ thực hiện xét tuyển dựa trên điểm thi đại học, cao đẳng theo đề thi chung khối A và D. Sinh viên cũng có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 và 3.

Nghe nói, ĐHQT Bắc Hà có cơ chế mở cho các hệ đào tạo của mình?

Chúng tôi có hai chương trình đào tạo: một do Trường cấp bằng và một do trường đại học đối tác cấp bằng. Sinh viên nếu muốn nhận bằng tốt nghiệp của Trường thì đăng ký vào chương trình đào tạo trong nước, nếu muốn sau này lấy bằng quốc tế thì đăng ký vào học chương trình liên kết. Chương trình đào tạo trong nước yêu cầu thí sinh có tổng số điểm của các môn thi tuyển sinh năm 2011 không thấp hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Chương trình đào tạo liên kết mở rộng cửa hơn cho các thí sinh không dự thi đại học và các sinh viên đang học tại các trường đại học khác có nguyện vọng đi du học chuyển tiếp để nhận bằng của trường đối tác ở Anh và Úc. Thí sinh có điểm thi đại học thấp hơn điểm sàn cũng có thể đăng ký theo học chương trình kiên kết này. Tuy nhiên, trường hợp này sinh viên cần học tập nghiêm túc mới có cơ hội thành công. Với sinh viên đã có đủ điểm sàn thì khi có nguyện vọng có thể chuyển từ chương trình liên kết sang chương trình trong nước và ngược lại.

Một trong những điểm yếu của trường ĐH, CĐ của VN là SV tốt nghiệp ra trường khó bắt tay vào làm việc được ngay vì chương trình đào tạo nặng lý thuyết, nhẹ thực hành.. Theo ông, các trường ĐH mang yếu tố nước ngoài nói chung và trường ĐHQT Bắc Hà nói riêng khắc phục nhược điểm này như thế nào?

Để giúp cho sinh viên có thể thích nghi tốt với công việc sau khi ra trường, chúng tôi thực hiện phương pháp giảng dạy tăng cường bài tập, thảo luận ngay trên lớp. Để tăng cường giao tiếp giữa giảng viên và sinh viên, chúng tôi chỉ tổ chức lớp có sỹ số tối đa 50 cho các môn học chuyên môn, và 25 cho Anh ngữ, seminar. Nhưng quan trọng nhất là phải áp dụng phương pháp giảng dạy kết hợp đào tạo kiến thức chuyên môn vững chắc với việc bồi dưỡng kỹ năng cá nhân thường xuyên. Sinh viên ra trường không làm việc tốt là do thiếu những kỹ năng cá nhân cần thiết cho hội nhập công việc. Vì vậy, ngay từ đầu Đại học QT Bắc Hà đã chú trọng đưa vào chương trình chính thức các môn học tư duy phản biện, phương pháp học tập, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, giao tiếp ứng xử…, để bồi dưỡng cho sinh viên những đức tính tự tin, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Kinh nghiệm cho thấy, những sinh viện có điểm thi đại học 15-17 chăm học thì đạt kết quả từ khá trở lên, nhưng cũng có nhiều em với trình độ đầu vào như thế sao nhãng việc học, mặc dù nhà trường đã có nhiều biện pháp giúp đỡ vẫn kém và một số em đã buộc phải thôi học.

Nhà trường cũng chủ động liên hệ với các tập đoàn công nghệ lớn như CMC, Viettel, các ngân hàng lớn như VCB, Techcombank… để tổ chức cho sinh viên đi tham quan, thực tập ngay từ giai đoạn đầu. Vì vậy, sinh viên không phải chờ đợi đến kỳ thực tập tốt nghiệp mới phải tự chật vật tìm kiếm nơi thực tập. Trong quá trình sinh viên đi thực tập, Trường cũng cử giảng viên đi cùng để quản lý và hướng dẫn thêm cho sinh viên. Ngay như tổ chức căng-tin Trường cũng tạo điều kiện cho các nhóm sinh viên tự lập dự án, đăng ký xét chọn, trình bày phương án tổ chức để nhà trường tổ chức tuyển chọn giống như quá trình tuyển chọn dự án trong kinh doanh. Các quá trình thực tập tại trường kiểu này giúp cho sinh viên tự tin hơn nhiều sau khi ra trường.

Ý kiến của ông về triển vọng các trường ĐH tư thục có yếu tố quốc tế ?

Các trường này gặp nhiều khó khăn hơn các trường ĐH công lập về tài chính và trình độ đầu vào của sinh viên, nhưng cũng có lợi thế là được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong cơ chế chính sách vận hành nhà trường theo mục tiêu đã định. Nếu hợp tác tốt với các đại học có uy tín ở nước ngoài, có quyết tâm cao đầu tư xây dưng môi trường đào tạo tốt, tuyển chọn đội ngũ giảng viên giỏi và tâm huyết, thực sự đổi mới cách dạy học, thực dạy thực học,... thì chắc chắn thành công. Chúng tôi tin rằng, trong tương lai gần, các trường đại học tư thục có chất lượng đào tạo cao sẽ khẳng định được uy tín và chiếm được lòng tin của học sinh sinh viên VN, vốn ngày càng có nhu cầu chất lượng đào tạo cao hơn. Với những người thực sự học vì mình, muốn thành tài, thành đạt, thì đây là sự lựa chọn đúng đắn.

PV: Xin chân thành cám ơn ông.

Hồ Thu (thực hiện)
Nguồn: Báo Tiền Phong