Các chương trình liên kết nâng cao chỉ số quốc tế hóa của trường đại học

“Các chương trình liên kết đã tạo điều kiện để chỉ số quốc tế hóa của các trường đại học nâng cao hơn, tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận công nghệ giáo dục tiên tiến”, GS. TSKH. Nguyễn Trọng Do cho biết như vậy.

Các chương trình liên kết nâng cao chỉ số quốc tế hóa của trường đại học - 1
 Khoa Quốc tế là đầu mối liên kết đào tạo quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trong những cơ sở đào tạo công lập đi đầu thực hiện các chương trình liên kết. Xin ông cho biết khoa đã triển khai các chương trình đào tạo liên kết trong thời gian qua như thế nào? Sản phẩm của khoa đã được thị trường lao động đánh giá ra sao?

GS Nguyễn Trọng Do (ảnh): Khoa Quốc tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), có tư cách pháp nhân, được thành lập tháng 7/2002, là một trong những cơ sở đào tạo công lập đầu tiên trong cả nước chỉ thực hiện đào tạo liên kết quốc tế. Trong hơn 9 năm xây dựng và phát triển, khoa Quốc tế đã triển khai thành công các chương trình đào tạo bằng các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, gồm 8 chương trình đào tạo đại học (trong đó có 2 chuyên ngành do ĐHQGHN cấp bằng là Kinh doanh quốc tế và Kế toán, phân tích và kiểm toán) và 6 chương trình cao học.

Tất cả các chương trình đều là chương trình chuẩn của các trường đại học nước ngoài uy tín. Sinh viên sau khi ra trường được nhận văn bằng chính quy của các trường đại học đối tác nước ngoài có giá trị toàn cầu.

Sản phẩm đầu ra của khoa Quốc tế đã được thị trường lao động đánh giá cao. Người tốt nghiệp vừa có kiến thức và kỹ năng theo chuẩn giáo dục quốc tế và sử dụng ít nhất một ngoại ngữ thành thạo, chúng tôi vẫn thường gọi là sản phẩm 2 trong 1. Với những lợi thế ưu việt như vậy, trên 90% sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành của khoa có việc làm ngay, đúng ngành đào tạo với thu nhập cao tại các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam và nước ngoài hoặc được tiếp nhận vào học ở bậc cao hơn.

 Chương trình liên kết đào tạo quốc tế của khoa Quốc tế đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, với việc theo chuẩn giáo dục quốc tế, thưa ông?

GS Nguyễn Trọng Do: Các chương trình đào tạo của khoa Quốc tế trực thuộc ĐHQGHN đều thuộc loại hình chính quy, tập trung, được cơ quan kiểm định công nhận ở các nước sở tại. Quy trình tuyển sinh, đào tạo, khảo thí thực hiện đúng như ở bản quốc. Việc đào tạo theo chuẩn quốc tế góp phần đa dạng giáo dục đại học; đem mô hình giáo dục tiên tiến, hiệu quả đến Việt Nam; tạo dựng các điều kiện cần và đủ để từng bước tiếp nhận công nghệ đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế.

Môi trường đào tạo liên kết quốc tế cũng đã hình thành nên một cộng đồng giáo dục quốc tế bao gồm những giảng viên giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, giàu kinh nghiệm sư phạm và kinh nghiệm thực tế. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác quản lý “kề vai sát cánh” với đồng nghiệp nước ngoài, làm việc có tính chuyên nghiệp cao, là cầu nối hiệu quả giữa sinh viên và giảng viên nước ngoài. Cơ sở vật chất, thư viện cũng chính là một lợi thế lớn của chương trình liên kết đào tạo. Sinh viên không chỉ được sử dụng những nguồn học liệu đáp ứng được yêu cầu khắt khe của trường đối tác, liên tục được cập nhật mỗi năm tại Việt Nam mà còn có cơ hội nắm bắt những kiến thức quý báu, bổ ích từ nguồn thư viện điện tử khổng lồ của các trường đại học đối tác.

Có thể khẳng định đào tạo liên kết quốc tế đóng góp vào quá trình quốc tế hóa và cần thiết như không khí trong quá trình quốc tế hóa. Ngoài ra, các chương trình liên kết đã tạo điều kiện để chỉ số quốc tế hóa của các trường đại học nâng cao hơn, tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận công nghệ giáo dục tiên tiến và vững bước trên con đường hội nhập quốc tế.
Các chương trình liên kết nâng cao chỉ số quốc tế hóa của trường đại học - 2
Sinh viên khoa Quốc tế trong buổi tọa đàm, trao đổi với Ban chủ nhiệm khoa và đại diện các phòng, tổ bộ môn trong khoa.

Theo ông các chương trình đào tạo liên kết quốc tế có điểm gì độc đáo hơn các chương trình đào tạo truyền thống?

GS Nguyễn Trọng Do: Giáo dục là một bộ phận của xã hội, của mỗi quốc gia, là cái gương phản ánh đặc điểm kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, đặc biệt là truyền thống, thành tựu giáo dục của quốc gia đó. Các chương trình liên kết tại Việt Nam với nước ngoài mang trong mình đầy đủ những đặc điểm trên. Nếu so với các chương trình đào tạo truyền thống, như chúng ta đã biết, ngoài kiến thức hàn lâm, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế gắn bó với thực tiễn hơn, hệ thống các kỹ năng mềm được hình thành ngay trong các môn học. Ngoài ra, sinh viên học toàn bộ bằng tiếng nước ngoài cũng tạo những công cụ quý báu để hội nhập. Ở đây không chỉ đơn thuần trình độ ngoại ngữ thành thạo, mà đi kèm với nó là hiểu biết văn hóa, kinh tế, xã hội, lịch sử, con người của đất nước cùng với chúng ta thực hiện chương trình đào tạo của họ tại Việt Nam. Ngoài ra, đào tạo liên kết quốc tế tại Việt Nam tạo điều kiện cho sinh viên theo học các trường đại học nước ngoài, trong khi tiếp tục tích lũy kinh nghiệm xã hội Việt Nam. Đào tạo liên kết quốc tế cũng góp phần ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài.
 
Ông có thể đưa ra nhận định, đánh giá về xu thế đào tạo liên kết quốc tế trong tương lai sắp tới?

GS Nguyễn Trọng Do: Trước hết, tôi xin nêu 2 con số để chúng ta thấy xu hướng phát triển của các chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng 300 chương trình đào tạo liên kết quốc tế, còn tại Thái Lan con số này là 700. Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế đang được phát triển ở Việt Nam theo các mô hình sau đây: (i) các chương trình đào tạo tiên tiến, giảng dạy bằng tiếng Anh hợp tác với các trường đại học đối tác có uy tín trên trên thế giới do Bộ GD-ĐT đề xuất và chỉ đạo; (ii) các trường đại học đẳng cấp quốc tế do Chính phủ Việt Nam thành lập và đầu tư, có cơ chế tự chủ cao và được sự hỗ trợ, hợp tác của nước ngoài; (iii) các trường đại học Việt Nam thành lập các viện, khoa và trung tâm đào tạo quốc tế, phối hợp với các trường đại học đối tác nước ngoài tổ chức các chương trình đào tạo liên kết quốc tế; (iv) trường đạo học quốc tế trong mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực; (v) trường đại học quốc tế do nước ngoài đầu tư, quản lý và điều hành; (vi) trường đại học quốc tế tư thục.

Có thể khẳng định, các xu thế đào tạo liên kết quốc tế ở mức độ khác nhau đã góp phần đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, tạo tiền đề tiếp nhận công nghệ đào tạo tiên tiến và thúc đẩy xã hội hóa giáo dục. Đặc biệt các xu thế này không những hạn chế được trào lưu du học nước ngoài của sinh viên Việt Nam và phát triển du học tại chỗ, mà còn tạo ra khả năng thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập, tận dụng được các nguồn lực góp phần phát triển nền giáo dục đại học nước nhà.
 
Xin cảm ơn GS!
 
Đặng Thị Thùy Diễm