Bộ trưởng của những lời kêu gọi

(Dân trí) - “Ngành giáo dục đang rất băn khoăn vì không đủ điều kiện chăm lo về đời sống vật chất cho các thầy cô giáo. Có lẽ các địa phương nên dành kinh phí chăm lo cho các thầy cô giáo chứ đừng hỏi ngành, vì ngành lấy đâu ra tiền…”

Trong một cuộc họp báo về công bố Chiến lược giáo dục 2009-2020 diễn ra vào ngày 18/12/2008, không hề nằm trong nội dung bàn thảo của Chiến lược, ý tưởng chợt đến và, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã “đột nhiên” đặt vấn đề như vậy.

Chưa đầy một tháng sau đó, ngày 14/1/2009, ông viết bức tâm thư kêu gọi: “Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, các quận, huyện bằng khả năng tối đa của mình, góp phần làm cho ngày Tết là những ngày vui hơn của gia đình các thầy cô giáo tại quận mình, huyện mình, tỉnh mình, thành phố mình, để ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến”.

Một ngày sau lời kêu gọi này, 1.9 tỷ đồng của các doanh nghiệp đã được gửi đến ngành giáo dục chia sẻ cho nỗi niềm của Bộ trưởng. 38 tỉnh đầu tiên là những tỉnh khó khăn nhất đã được hỗ trợ mỗi tỉnh 50 triệu đồng để tặng cho các thầy cô giáo.

UBND nhiều địa phương ngay sau đó đều họp bàn để hưởng ứng. Thường vụ tỉnh uỷ Nghệ An đã họp bàn về các phương án hỗ trợ cho giáo viên. Tại một trong những huyện khó khăn nhất của Lào Cai là Simacai, UBND huyện đang xin tỉnh cho cấp liền 2 tháng lương để giáo viên có điều kiện chăm lo cho Tết.

UBND huyện Thanh Sơn - Phú Thọ tặng mỗi thầy cô giáo 200.000 đồng. UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo cho giáo viên ứng trước một tháng tiền lương. Huyện Vân Yên (Yên Bái) mỗi giáo viên được nhận trước 2 tháng lương.

UBND TP Vũng Tàu trợ cấp tết cho mỗi giáo viên tiểu học, THCS là 540 nghìn đồng; THPT là 250 nghìn đồng. Các UBND huyện khác thuộc tỉnh Vũng Tàu như UBND huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ trợ cấp tết mỗi cán bộ giáo viên 300 nghìn đồng.

“Bức tranh” thưởng tết cho giáo viên đang sáng dần lên. Trường THCS Cần Thạnh (Cần Giờ, TPHCM) mỗi giáo viên được 900.000 đồng, gấp đôi năm trước. THPT Nguyễn Trãi (TPHCM) trung bình mỗi giáo viên, cán bộ của trường được thưởng khoảng 2 triệu. Tỉnh Ninh Bình, trong khu vực nội thành năm nay thưởng khoảng 500 nghìn đồng/giáo viên, các trường ở các khu vực còn lại được khoảng 200.000đ, Công đoàn ngành GD-ĐT Hải Phòng có gần 100 suất trợ cấp cho giáo viên nghèo, gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 300-500 nghìn đồng. Hà Nội trợ cấp 170 người có hoàn cảnh trên với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng mỗi người…

Chắc chắn sẽ ít đi những giọt nước mắt phải chảy ngược vào trong lòng mỗi khi Tết đến và gần 1 triệu giáo viên không có thưởng Tết sẽ có thưởng Tết đã không còn chỉ là “ước mơ” của người đứng đầu ngành giáo dục.
 
Bộ trưởng của những lời kêu gọi - 1
 
Công chúng biết đến Bộ trưởng GD-ĐT còn là Bộ trưởng của những lời kêu gọi. (Ảnh: TTXVN)

2008 - Năm đỉnh cao của những lời kêu gọi 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân được coi là một trong những chính khách rất gần gũi với công chúng và một trong những lý do tạo nên sự gần gũi này là: Công chúng biết đến Bộ trưởng GD-ĐT còn là Bộ trưởng của những lời kêu gọi.

Không cứng nhắc, lý thuyết, trước khi ra mỗi quyết sách lớn, điều đầu tiên mà Bộ trưởng Giáo dục thực hiện là kêu gọi. Lời kêu gọi đầu tiên của ông “ra mắt” trước dư luận là vào mùa đông năm 2006, để chuẩn bị cho cuộc tổng “tấn công”: “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục”.

Trong bức thư gửi cho tất cả các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và các em học sinh vào 20/11 năm đó, Bộ trưởng trải lòng: “Xin các bậc làm cha mẹ hãy tạo điều kiện tốt nhất, hãy là tấm gương tốt nhất cho con em mình học nghiêm túc, học tốt, chứ đừng làm cho các em có được tấm bằng mà không phải nỗ lực thực sự, mà không có năng lực làm người đúng nghĩa. Xin đừng yêu cầu các thầy cô phải sửa điểm, thêm điểm vào học bạ, bắt các em phải lên lớp vì “thành tích” của huyện, của tỉnh…”

Năm 2008 - một năm “đỉnh cao” của những lời kêu gọi. Với lời kêu gọi toàn hệ thống đào tạo phải theo nhu cầu xã hội, năm học vừa qua, các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đã bắt đầu bước vào một giai đoạn mới: chuyển mạnh từ đào tạo theo khả năng, sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp.

Hơn 500 thoả thuận, hợp đồng đào tạo giữa các doanh nghiệp và các trường ĐH, CĐ, dạy nghề đã được ký kết, có những hợp đồng có giá trị trong thời hạn 10 năm, các hợp đồng đặt hàng đào tạo từ các Tổng công ty và các doanh nghiệp lớn khác đã lên đến trên 10.000 lao động.
 
Số tiền mà các doanh nghiệp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề để đón “đầu ra” nhân lực từ hệ thống đào tạo này đã lên đến gần 10 triệu USD. Ngoài ra còn nhiều tài trợ từ doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các cơ sở đào tạo có trị giá từ hàng chục nghìn USD đến hàng trăm nghìn USD cho sinh viên… Một sức mạnh xưa nay chưa từng có trong hệ thống đào tạo này.

Một lời kêu gọi khác có sức lan toả rộng khắp và rất được lòng người: Lời kêu gọi mùa đông. Trong lời kêu gọi cho mùa đông năm 2008, có những đoạn khiến người đọc rơi nước mắt: “Trong khi ở các thành phố, nhiều tỉnh đồng bằng ngày nay không còn ai mặc áo vá, mùa đông không thiếu chăn thì còn nhiều nơi, nhất là vùng núi, vùng sâu, mỗi mùa đông đến là còn biết bao học sinh không đủ áo ấm đi học, không đủ chăn ấm ngủ qua đêm.

 Mỗi trận bão qua, mỗi mùa lũ tới, mỗi cơn lốc xoáy đi qua làm hàng trăm phòng học và đồ dùng học tập bị hư hỏng, hàng nghìn cán bộ giáo viên, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên lâm vào tình thế khó khăn, không có sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí thiếu ăn, thiếu quần áo lành để mặc, không giày dép, mùa đông không có áo ấm…”

Cũng 4 tháng sau lời kêu gọi này, đã có gần 18 tỷ đồng, hơn 1,1 triệu quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết; gần 110 nghìn đồ dùng học tập; gần 40 tấn quần áo cùng hàng nghìn hiện vật khác gửi cho giáo viên, học sinh vùng cao.

Những địa phương “giàu” như TPHCM quyên góp được hơn 2 tỷ đồng, Hà Nội gần 2 tỷ đồng, Hải Phòng gần 1 tỷ đồng… Không chỉ các tỉnh, thành phố có điều kiện, nhiều địa phương nghèo cũng tự quyên góp để hỗ trợ những địa phương nghèo hơn như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa… vẫn tự quyên góp được số tiền và hiện vật lớn. Hà Giang quyên góp được gần 700 triệu, Lào Cai hơn  900 triệu… 29 tỉnh nghèo từ Bắc vào Nam, đã tự quyên góp, chỉ tính riêng tiền mặt lên đến gần 10 tỷ đồng.

 Nếu như trong vòng 10 năm qua, các cuộc vận động trong ngành giáo dục thu được khoảng 130 tỷ đồng thì chỉ trong vòng 4 tháng, số tiền quyên góp ở lời kêu gọi mùa đông đã gần bằng 2 năm…

 Mai Minh