Bộ không thể "cầm tay chỉ việc" cho 1 triệu giáo viên

Gần nửa năm học 2005 - 2006 đã trôi qua, nhưng nhiều địa phương vẫn loay hoay không biết giảm tải 15% những nội dung gì của chương trình tiểu học 2 buổi/ngày? Đành vẫn dạy cho học sinh chương trình tiểu học như trước rồi... chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ GD - ĐT.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Đặng Huỳnh Mai xung quanh vấn đề đặt ra.

 

Thưa thứ trưởng, các địa phương lúng túng trong thực hiện giảm tải tiểu học có phải do chưa có hướng dẫn chi tiết của Bộ GD-ĐT?

 

Lúng túng là đúng thôi, vì phương pháp giảng dạy truyền thống "thầy đọc - trò ghi" ăn sâu vào giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

 

20 năm về trước, tức là năm 1980, tiến hành cải cách giáo dục, sách giáo khoa (SGK) lúc đó là pháp lệnh. Nhưng bây giờ, SGK để tham khảo, còn chương trình mới là pháp lệnh. Tuy nhiên, yêu cầu các giáo viên xoay ra đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng ngay thì chưa được.

 

Viện Chiến lược chương trình giáo dục và các tác giả sách có trách nhiệm phải xem xét điều chỉnh việc giảm tải. Còn Bộ GD-ĐT chỉ đạo giảm tải theo hướng quản lý, cụ thể là giao trách nhiệm cho giáo viên. Vấn đề này sẽ có hướng dẫn và sắp tới ,sẽ có hội thảo để hướng dẫn giáo viên cách làm.

 

Tôi đã đi dự giờ ở một số nơi ở TPHCM, Ninh Bình... Trong tuần này, sẽ đi Bình Thuận và một số nơi nữa để xem xét việc thực hiện giảm tải của địa phương. Có thể quá tải do cách quản lý, do giáo viên, do phụ huynh...

 

Liệu hướng dẫn giảm tải sẽ được ban hành triển khai đồng bộ ở học kỳ 2?

 

Chủ trương giảm tải 15% nội dung chương trình đó là việc của Viện Chiến lược chương trình giáo dục và các tác giả viết SGK. Bộ trưởng hay Thứ trưởng không thể ngồi nói cắt bài nào, phần nào... Các bộ phận đó làm xong lúc nào và báo cáo Bộ thì Bộ mới ban hành hướng dẫn.

 

Có ý kiến cho rằng, một số bài của chương trình tiểu học hiện hành đã giảm tải còn "nặng" hơn chương trình cải cách. Vậy, những căn cứ nào để Bộ chỉ đạo tiếp tục giảm tải 15% chương trình?

 

Phải căn cứ từ thực tế, nhưng làm việc đó đâu phải dễ. Theo những điều tra cơ bản, người ta thấy rằng áp lực trên vai trẻ là 15% cần phải giảm tải. Vấn đề đặt ra là mọi người bây giờ phải thực hiện đã. Phải làm thì mới rút được kinh nghiệm...

 

Về phía Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn chuyển đổi về phân phối chương trình. Đồng thời, trong hướng dẫn đầu năm học cũng đã thể hiện việc giảm tải; khâu đánh giá giáo viên cũng giảm tải... Chính những cái đó là khung pháp lý để các địa phương áp dụng.

 

Không ít ý kiến giáo viên băn khoăn, nội dung chương trình cần giảm tải thuộc học kỳ 2 do đó khó có thể đề xuất giải pháp giảm tải bây giờ. Điều này có ngược với mong muốn từ phía các nhà quản lý?

 

Việc phân phối chương trình đã thực hiện gần 3 năm nay rồi chứ không phải năm nay mới thực hiện. Tập huấn đổi mới phương pháp thì hàng năm đều tiến hành nhằm nâng năng lực cho giáo viên. Còn hướng dẫn giảm tải chi tiết thì phải chờ Viện... Hiện, Bộ cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định và giảm tải phần nào, bài nào trong SGK cụ thể thì họ phải làm.

 

Như vậy, Bộ đã chỉ đạo, các địa phương phải làm theo. Có khó khăn gì thì tính sau. Bộ GD-ĐT không thể "cầm tay chỉ việc" cho hơn 1 triệu giáo viên...

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

 

Theo Kiều Oanh

Vietnamnet