Tiêu điểm:

Bằng mọi giá phải làm!

(Dân trí) - Theo thống kê của các Sở GD - ĐT, năm nay lượng hồ sơ đăng ký thi đại học tăng, nhưng thí sinh thi khối C giảm hẳn. Có nhiều trường PTTH ở TPHCM, Hà Nội, không có một hồ sơ nào nộp thi khối C.

Không chỉ riêng năm nay, các kỳ thi đại học những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký vào các ngành khoa học xã hội rất thấp. Đặc biệt, các ngành lịch sử, địa lý lại càng vắng bóng sinh viên. Đơn giản vì các ngành này ra trường khó xin được việc, xã hội không ưa chuộng, lương thấp và không có cơ hội làm thêm để tăng thu nhập.
 
PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng: cần báo động đỏ về thực trạng đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn khi nhóm ngành này bị coi như hạng hai, rất ít sinh viên giỏi chọn theo học. Điều cần quan tâm nhất hiện nay là làm sao thu hút những thanh niên giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và sử dụng họ một cách hiệu quả nhất.
 
Bằng mọi giá phải làm! - 1

Để có được các nhà khoa học có bản lĩnh thực sự, nhà nước nên có chủ trương cấp học bổng cho sinh viên ngay từ cấp đại học,
 với cam kết đầu tư nghiên cứu các vấn đề về biển Đông, phục vụ cho lợi ích quốc gia. (ảnh: Việt Hưng)

 

Sinh viên học lịch sử, địa lý đã ít, người lựa chọn đề tài biển đảo để theo đuổi lại càng hiếm hoi. Nói ra không khỏi giật mình lo lắng, trong các trường đại học, chưa thấy có nhiều sinh viên nghiên cứu sâu các lĩnh vực, ngành khoa học liên quan tới biển Đông.
 
Tại Hội thảo quốc gia về biển Đông tổ chức tại Hà Nội vừa qua, các chuyên gia nhận định: trong mấy năm gần đây, các quốc gia khác có nhiều  luận án tiến sĩ về biển Đông, nhưng Việt Nam chưa có luận án nào. Lực lượng các nhà khoa học nghiên cứu về các vấn đề biển Đông rất mỏng, các bài nghiên cứu cũng chỉ dừng lại ở việc trao đổi trong nước, chưa có những công trình xuất sắc được công  bố ở các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín. Hằng năm, các công trình nghiên cứu mới, thực sự có giá trị vẫn chưa nhiều. Các bài viết, công trình vẫn dẫn đi dẫn lại những chứng cứ, tư liệu đã công bố trước.

 

Những hạn chế đó thật đáng suy nghĩ và cần bắt tay giải quyết. Các vấn đề về biển Đông rất phức tạp và tranh chấp liên quan đến nhiều nước. Để bảo vệ được lợi ích quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế thì cần phải có đội ngũ các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lịch sử, công pháp quốc tế, địa chính trị và các ngành liên quan đến biển đảo. Các nước nhìn thấy vấn đề hệ trọng này đều có sự đầu tư cho việc đào tạo các nhà khoa học chuyên ngành, chuẩn bị lực lượng cho các cuộc tranh chấp có thể xảy ra. Đối với Việt Nam, chưa thấy có sự xuất hiện một lực lượng các nhà khoa học hùng hậu đáp ứng yêu cầu hiện nay và trong tương lai.

 

Có nhiều ý kiến cho rằng cần có học bổng đầu tư cho nghiên cứu sinh làm luận án về lĩnh vực biển Đông. Ý kiến này rất đúng nhưng chưa đủ. Để có được các nhà khoa học có bản lĩnh thực sự, nhà nước nên có chủ trương cấp học bổng cho sinh viên ngay từ cấp đại học, với cam kết đầu tư nghiên cứu các vấn đề về biển Đông, phục vụ cho lợi ích quốc gia. Người có khả năng học tập và nghiên cứu sau đại học trong và ngoài nước thì nhà nước tiếp tục đầu tư toàn bộ. Đào tạo và xây dựng lực lượng khoa học để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc là việc cần thiết và bằng mọi giá phải làm.

 

Lê Chân Nhân