Ban soạn thảo trợ cấp nhà giáo lên tiếng hồi đáp công luận

(Dân trí) - Sau khi những ý kiến trái chiều với bản dự thảo trợ cấp nhà giáo được đưa lên mạng, Ban soạn thảo quyết định này đã chính thức lên tiếng giải đáp. Theo đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để điều chỉnh một cách hợp lý.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2064/Du-thao-tro-cap-giao-vien-nghi-huu.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Dự thảo trợ cấp giáo viên nghỉ hưu</b></a>

Ban soạn thảo cho biết, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 4/10/2012, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu được đăng trên website của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến góp ý trước khi ban hành. Đến nay đã nhận được 20 ý kiến bằng văn bản của tập thể, cá nhân, Hội Cựu giáo chức các địa phương và các ý kiến được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tập trung phản ánh một số vấn đề sau: Thứ nhất, đề xuất đối tượng nguyên là cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu giai đoạn từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 cũng được hưởng trợ cấp; Thứ hai, xem xét chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo đã nghỉ hưu trước năm 1993; Thứ ba, khuyến nghị các yếu tố cần xem xét khi xây dựng mức trợ cấp.

Xoay quanh các phản ánh này Ban soạn thảo đã chính thức đưa ra ý kiến giải thích. Cụ thể, về đối tượng nguyên là cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu trong giai đoạn từ 1/1/1994 đến 1/5/2011, Ban soạn thảo cho rằng, hiện nay, cán bộ quản lý giáo dục bao gồm: Các nhà giáo được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục, dạy nghề và các nhà giáo được cấp có thẩm quyền điều động về làm công tác quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, dạy nghề.

Đối với các nhà giáo được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm công tác quản lý tại các cơ sở giáo dục và dạy nghề (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc, Phó Giám đốc) đã nghỉ hưu: Là đối tượng hưởng trợ cấp theo dự thảo Quyết định.

Đối với các nhà giáo được điều động về làm công tác quản lý giáo dục tại Phòng, Sở, Bộ GD-ĐT và các cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề đã nghỉ hưu: Trong quá trình thảo luận tại Ban soạn thảo, đa số các thành viên chưa đồng ý vì Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội khóa XIII quy định chế độ trợ cấp đối với giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên và theo Nghị định 54/2011/NĐ - CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo cũng không quy định các nhà giáo đang công tác ở các cơ quan này được hưởng phụ cấp thâm niên. Do vậy, Ban soạn thảo Quyết định đang tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục thảo luận nhằm đạt sự thống nhất trước khi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để những nhà giáo này cũng được hưởng chế độ trợ cấp.

Về xem xét chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo đã nghỉ hưu từ năm 1993 trở về trước Ban soạn thảo đánh giá: Đội ngũ nhà giáo công tác trong giai đoạn này đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn (cũng như những cán bộ, công chức, viên chức các ngành, nghề khác ở cùng thời kỳ). Các nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 9 năm 1988 đến tháng 12 năm 1993 đã được hưởng phụ cấp thâm niên theo Quyết định số 309 - CT ngày 09/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ); nên khi nghỉ hưu, trong lương hưu đã có phụ cấp thâm niên. Các nhà giáo nghỉ hưu trước tháng 9 năm 1988 đã được điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Điều 4 Nghị định 27/CP của Chính phủ ngày 25 tháng 3 năm 1993.

Trên thực tế, lương hưu hiện nay của các nhà giáo này còn thấp (cũng như của các đối tượng công chức, viên chức, người lao động ở các ngành nghề khác đã nghỉ hưu cùng thời điểm) do chính sách chung về tiền lương qua mỗi thời kỳ. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất với Chính phủ xem xét, có điều chỉnh chung về lương hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã nghỉ hưu trước năm 1993, trong đó có các nhà giáo.

Về các yếu tố cần xem xét khi xây dựng mức trợ cấp Ban soạn thảo cũng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội khóa XIII; căn cứ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp với Giáo sư Viện sỹ Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam về đề nghị chế độ phụ cấp thâm niên đối với cựu giáo chức (Thông báo số 94/TB-VPCP ngày 20 tháng 4 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ) và căn cứ tình hình thực tiễn, Ban soạn thảo dự thảo Quyết định đã xem xét kỹ mối tương quan trong thực hiện chính sách phụ cấp thâm niên giữa các nhà giáo đã được hưởng chế độ này trong lương hưu ở giai đoạn trước và nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP.

Nếu thực hiện “hồi tố” chế độ phụ cấp thâm niên theo mức tương ứng như quy định tại Nghị định 54/2010/NĐ-CP (sau 5 năm được hưởng 5% và mỗi năm sau đó được hưởng thêm 1%) thì kinh phí phải chi trả sẽ rất lớn (khoảng 1.600 tỷ đồng/năm), vượt quá khả năng Ngân sách nhà nước và không đúng với tinh thần của Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội khóa XIII (là thực hiện chế độ trợ cấp đối với giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên).

Mặt khác, việc xây dựng phương án thực hiện trợ cấp cho giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên cũng cần được xem xét trong mối tương quan về chế độ phụ cấp thâm niên của công chức, viên chức nói chung, cụ thể: cán bộ, công chức các ngành Thanh tra, Kiểm sát, Kiểm toán, Tòa án, Kiểm lâm, Thi hành án dân sự cũng được hưởng phụ cấp thâm niên từ ngày 1/1/2009 (theo Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ), nhưng cán bộ, công chức 6 ngành này đã nghỉ hưu từ ngày 31/12/2008 trở về trước không được tính hưởng PCTN trong lương hưu và cũng không có khoản trợ cấp nào.

Chốt lời hồi đáp với công luận, Ban soạn thảo nhấn mạnh: “Hiện nay Ban soạn thảo đang nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các tập thể và cá nhân để hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

S.H