127 sinh viên “ngã ngửa” vì không được tốt nghiệp

(Dân trí) - Chưa được phép mở ngành nhưng trường CĐ Bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp (TPHCM) vẫn đánh liều đào tạo. Đến cuối khóa học, sinh viên “ngã ngửa” khi biết ngành học của mình sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp.

Sinh viên dài cổ chờ tốt nghiệp

Trong khi các lớp khác đã thi tốt nghiệp và có điểm thì khoảng 127 sinh viên của lớp Kinh doanh tiền tệ và Tài chính doanh nghiệp (khóa 2006-2009) vẫn còn đang bị “treo” lơ lửng. Họ không biết có được thi tốt nghiệp hay không, nếu có thì khi nào sẽ thi và khi ra trường thì sẽ được cấp bằng của ngành học nào. Đơn giản vì hai ngành học trên không có trong chương trình khung của Bộ GD-ĐT.  

N.H.Đ, sinh viên lớp Kinh doanh tiền tệ cho biết: “Thời điểm này trong khi các bạn cùng khóa đã ra trường và tìm việc làm thì bọn em thì ở trong tâm trạng hoang mang lo lắng”.
 
Trong lớp có rất nhiều sinh viên từ các tỉnh xa như Quảng Bình, Quảng Trị, Đắc Lắc đã về quê cả rồi vì không thể chờ đợi lâu hơn được. Ở lại thì không có việc làm mà phải lo bao nhiêu là chi phí. Trước khi ra về, các bạn hẹn nhau khi nào được thi tốt nghiệp thì sẽ thông báo cho nhau biết. Khi đó các bạn sinh viên mới trở vô TPHCM. Câu nói của các bạn là hãy cố gắng chờ và chờ.
 
Trong khoảng thời gian chờ đợi này, H.Đ kiến việc làm thêm ở Thủ Đức, dù rằng trước đó cậu sinh viên này cũng đã thực tập ở ngân hàng đàng hoàng.  
 
127 sinh viên “ngã ngửa” vì không được tốt nghiệp - 1

SV trường CĐBC Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp xem kết quả thi tốt nghiệp vào ngày 18/8/2009.  

Học một đằng, bằng một nẻo

T.H một sinh viên của lớp Kinh doanh tiền tệ khóa 2006 cho biết các bạn phát hiện ra chuyện “lệch bằng” của sinh viên khóa 2005 từ hồi khoảng tháng 10/2008. Kể từ đó, có khá nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo trường từ vị cựu hiệu trưởng Phạm Văn Bôn đến vị quyền hiệu trưởng Đặng Chí Chơn với sinh viên 2 ngành Kinh doanh tiền tệ và Tài chính doanh nghiệp.
 
Sinh viên T.H thuật lại: “Ngày 31/7/2009, sau khi thi xong hai môn cơ sở xong, thầy Chơn nói để Bộ cấp bằng Tài chính ngân hàng cho tụi em. Nếu không là bằng Quản lý doanh nghiệp. Các em cứ chờ đợi đi”. Vậy là chờ đợi, đến nay đã gần 1,5 tháng rồi mà vẫn chưa thấy thông báo của trường.  
 
Tiếp xúc với báo Dân trí chiều ngày 18/8, quyền hiệu trưởng Đặng Chí Chơn cho biết trường đang xin ý kiến của Bộ GD-ĐT về việc này. Sinh viên không thi tốt nghiệp được vì hai ngành Kinh doanh tiền tệ và Tài chính doanh nghiệp không nằm trong chương trình khung của Bộ. Giải pháp trường đưa ra là đề nghị Bộ cho phép 127 sinh viên này được học bổ sung một số môn học rồi cho thi tốt nghiệp và cấp bằng Tài chính - Ngân hàng (là ngành có trong chương trình khung của Bộ)”.
 
Trả lời Dân trí về trường hợp của trường, Vụ phó Vụ giáo dục đại học Phan Mạnh Tiến cho biết hướng giải quyết của Bộ sẽ là đảm bảo quyền lợi cho sinh viên, có thể là giải pháp tương tự như đối với khóa 7 (2005-2008).
 
Ông Đặng Chí Chơn cho biết hướng sắp tới của trường sẽ là nhập hai ngành Kinh doanh tiền tệ và Tài chính doanh nghiệp lại thành ngành Tài chính ngân hàng. Hiện, trường đang xin Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành học này.  

Bổn cũ soạn lại…

Chuyện các trường mới thành lập ồ ạt tuyển sinh rồi mới xin phép mở ngành không còn là chuyện lạ. Bộ GD-ĐT đã một lần tuýt còi trường CĐ bán công và Quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên lần đó, Bộ GD-ĐT quyết định cho sinh viên khóa 7 (2005-2008) của trường được phép học bổ sung một số môn học rồi cho thi tốt nghiệp và được cấp bằng.
 
Theo ông Đặng Chí Chơn, khóa 7 năm ngoái, sinh viên học ngành Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế được cấp bằng Quản trị kinh doanh; sinh viên ngành Kế toán, kiểm toán được cấp bằng Kế toán; sinh viên ngành Tài chính doanh nghiệp được cấp bằng Tài chính - Ngân hàng. Đây được xem là giải pháp tạm thời nhằm giải quyết quyền lợi cho sinh viên. Kèm theo đó, Bộ cũng yêu cầu trường xem xét điều chỉnh lại nội dung môn học và nộp giải trình về cho Bộ. Một số ngành học như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Kế toán của trường cũng được tuyển sinh ồ ạt trước khi Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành.  

Mọi việc rồi cũng ổn thỏa khi hầu hết các ngành được phép đào tạo, chỉ trừ có hai ngành Kinh doanh tiền tệ và Tài chính doanh nghiệp bị “rớt” khỏi cuộc thi được mở ngành. Lí do Bộ GD-ĐT không chấp nhận mở hai ngành này, theo Vụ phó Vụ giáo Đục đại học Phan Mạnh Tiến trao đổi với Dân trí chiều ngày 18/8 là trường không đủ giảng viên để dạy hai ngành này. Trong khi đó, theo ông Đặng Chí Chơn là vì trường chưa làm đúng thủ tục giải trình ngành học với Bộ GD-ĐT.  

Quýt làm mà cam chịu. Câu này đúng với trường hợp của trường CĐ Bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp. Trường sai phạm nhưng sinh viên phải gánh chịu thiệt thòi. Và khi người tiền nhiệm ra đi vì những sai lầm thì người kế nhiệm như ông Đặng Chí Chơn (nhận nhiệm vụ từ tháng 7/2009) sẽ phải gồng mình giải quyết những hậu quả còn sót lại.  

Hiếu Hiền