10 sự kiện đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển khuyến học

(Dân trí) - Phong trào thi đua khuyến học không chỉ mở rộng nhanh chóng ra khắp các địa bàn cả nước, mà nó còn thể hiện được rất nhiều sáng kiến của hội viên và nhân dân, nhờ đó, thi đua khuyến học thật sự là phong trào trăm hoa đua nở, sôi nổi và sinh động.

10 sự kiện đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển khuyến học - 1
Hàng triệu học sinh giỏi, nghèo vượt khó trong cả nước đều được Hội Khuyến học khen thưởng.

Những thành tích to lớn nói trên là nhờ vào sự hoạt động không mệt mỏi vì đại nghĩa khuyến học của hơn 7 triệu cán bộ và hội viên của Hội, được sự cổ vũ, ủng hộ và đóng góp của nhân dân các địa phương cùng với sự hợp tác, liên kết của các Bộ, Ban, ngành, các lực lượng xã hội, các lực lượng kinh tế và các lực lượng an ninh - quốc phòng đã tạo nên những bước nối tiếp của phong trào khuyến học ngày nay đối với các cuộc vận động và các phong trào giáo dục như Đông Kinh nghĩa thục, truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ, Bổ túc văn hóa trước đây.

Do vậy, giai đoạn hoạt động của Hội trong 5 năm 2006 - 2010 đã gây được những ấn tượng tốt đẹp trong xã hội, thể hiện ở 10 sự kiện lớn đáng ghi nhớ trong lịch sử phát triển khuyến học ở nước ta:

1. Tổ chức của Hội đã được xây dựng trên khắp các địa bàn dân cư

Sang đầu năm 2010, về cơ bản, các tổ chức của Hội đã được xây dựng trên 100% tỉnh và thành phố, 100% quận, huyện và thị xã; gần 100% xã, phường và thị trấn.

2. Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là cơ sở chính trị hết sức quan trọng của phong trào khuyến học trong cả nước

Ngày 13/04/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chỉ thị 11/CT-TW đã thực sự đáp ứng nguyện vọng của toàn Hội, do đó, các cấp Hội đã đón chào Chỉ thị này như một sự kiện khuyến học lớn. Chỉ thị đã mở ra phương hướng mới cho phong trào khuyến học, khuyến tài.

3. Ngày khuyến học Việt Nam 2/10 là mốc son trong lịch sử phát triển giáo dục

“Ngày Khuyến học Việt Nam” là một sự kiện lớn trong lịch sử phát triển giáo dục, nhất là giáo dục người lớn. Ngày khuyến học Việt Nam là kết quả hoạt động của toàn dân tham gia vào mọi hình thức phát triển giáo dục hướng vào mục tiêu “ai cũng tham gia học tập, ai cũng góp phần vào sự nghiệp giáo dục”, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và từng bước vững chắc trong hội nhập quốc tế.

Ngày Khuyến học Việt Nam là niềm tự hào của những người làm công tác khuyến học. Chính phủ chọn ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10) làm Ngày Khuyến học Việt Nam có hàm ý công nhận lực lượng tham gia khuyến học đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục để có ngày lịch sử này.

4. Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II

Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II là một sự kiện lớn, tổng kết 9 năm thi đua khuyến học với tư cách là một phong trào rộng lớn của nhân dân mà Hội Khuyến học có vai trò chủ trì trong việc tập hợp và biểu dương các thành tích khuyến học của các tổ chức xã hội, các lực lượng quần chúng, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo.v.v...

5. Đại hội gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học lần thứ II

Đại hội là một sự kiện mang tính động viên các gia đình và dòng họ trong toàn quốc tham gia vào phong trào khuyến học, khuyến tài thông qua việc biểu dương và khen thưởng những gia đình và dòng họ tiêu biểu được lựa chọn lên từ cơ sở, phát huy truyền thống hiếu học lâu đời của dân tộc qua đó xây dựng lực lượng nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân học tập, học tập thường xuyên gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội trên mọi địa bàn dân cư.
 
10 sự kiện đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển khuyến học - 2
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại lễ khai mạc Đại hội "Gia đình hiếu học Dòng họ khuyến học" lần thứ II. (Ảnh: Hữu Nghị)

6. Cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” tôn vinh tài năng và động viên triển khai, ứng dụng CNTT vào cuộc sống

Kể từ năm 2005, cứ đến ngày 20/11, cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” đã tổ chức đánh giá và trao giải thưởng cho những cá nhân và tập thể có những sáng tạo trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất và phục vụ đời sống. Phạm vi ứng dụng CNTT đang mở rộng dần tới những lĩnh vực hoạt động của nhiều ngành trong nền kinh tế quốc dân.

7. Đề án “Hội Khuyến học Việt Nam góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở” được hoàn thành tốt đẹp

Đây là một sự kiện lớn bởi là kết quả hoạt động khoa học của một tổ chức xã hội, có ý nghĩa cả về lý luận lẫn thực tiễn trong việc thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ IX và X của Đảng, là công trình tập thể gồm 63 Tỉnh, Thành Hội thực hiện dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội.

8. Bảo vệ thành công xuất sắc Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam”của Trung ương Hội và triển khai hàng loạt đề tài xây dựng mô hình xã hội học tập ở địa phương.

Đề tài “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam” đã thu được kết quả xuất sắc như Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá.

9. Báo điện tử Dân trí trở thành một thương hiệu nổi tiếng, đứng hang đầu trong các báo điện tử của cả nước

Tờ Dân trí điện tử đã đạt con số người truy cập là 10.000.000/ngày, trở thành báo điện tử có bạn đọc đông nhất nhì trong nước, so với các báo điện tử khác. Trên cơ sở phát triển của báo Dân trí điện tử, tờ Điện tử Dân trí Tiếng Anh (DTi news) đã ra đời và nhanh chóng phát huy tác dụng đến các cộng đồng người Việt ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

10. Sự lớn mạnh của Quỹ Khuyến học Việt Nam: Xuất trên 1000 tỷ đồng cho hơn 10.000.000 học bổng và phần thưởng

Trong 5 năm (2006 - 2010), các loại quỹ khuyến học, khuyến tài trong toàn quốc luôn chi ra trên dưới 250 tỷ/năm làm học bổng hàng năm cho trên 2.000.000 học sinh, sinh viên nghèo và phần thưởng cho học sinh, sinh viên giỏi. Đó là chưa kể các khoản tiền hỗ trợ những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Những số liệu trên đây đã nói lên rằng, Quỹ Khuyến học Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc động viên thế hệ trẻ tích cực học tập, chống lưu ban, bỏ học hoặc tránh được nguy cơ bỏ học.

Hồng Hạnh