Vũ Ngọc Đãng bỏ phim kinh dị, làm “Tuổi hai mươi”

Đang rình rang với thông tin chuẩn bị làm phim hài “Biết chết liền” và một phim kinh dị. Đùng một cái, Vũ Ngọc Đãng tuyên bố bỏ hết, huỷ cả hợp đồng làm các phim sau với Thiên Ngân và bắt tay với HK Phim thực hiện 30 tập phim truyền hình “Tuổi hai mươi” do chính mình viết kịch bản.

Chưa từng làm phim dài tập, cảm giác của anh như thế nào với dự án mới này?

 

Thật ra chưa làm phim truyền hình dài tập không phải là bất lợi mà là thuận lợi vì mình sẽ làm với tất cả tâm huyết và hứng thú. Tôi là người tự tin và để có được sự tự tin này, tôi đã trải qua quá nhiều cái nghi ngờ mình rồi. Đi trên con đường mà mình chưa đi, rất thú vị. Giống như đi du lịch, đi đến vùng đất lạ khoái hơn nhiều so với chỗ đã đi rồi.

 

Giờ vàng cho phim Việt hiện đang là một cơ hội tốt và việc cộng tác với một người giỏi như Trinh Hoan - giám đốc HK Phim, khiến tôi rất yên tâm. Người ta mời tôi vì tin tôi sẽ làm hấp dẫn và khi đã được bật đèn xanh "hãy làm cho thật hấp dẫn", thế thì tại sao tôi lại không dám nhận lời.

 

Một bộ phim hấp dẫn là làm kiểu như thế nào?

 

Tất nhiên không chỉ là việc chọn được đề tài hấp dẫn, mà còn là cách làm của đạo diễn thể hiện đề tài đó như thế nào. Tuổi hai mươi sẽ chính thức bấm máy vào đầu tháng 11, làm về những người trẻ 18-20 tuổi trước ngưỡng cửa cuộc đời với nhiều mảng đời như đạo diễn mới ra trường, chuyện các công ty quảng cáo, công việc nhiếp ảnh thời trang, những đứa trẻ bụi đời…

 

Ý tưởng phim gửi gắm rất giản dị, ai cũng có thể "cảm" được: trong cuộc sống cái mà người ta cần vượt qua nhất chính là bản thân mình. Muốn vượt qua được phải có niềm tin và phải hiểu được chính mình. Vật lộn với cuộc sống là để hiểu chính mình và để vươn lên. Khó khăn của các nhân vật trong Tuổi hai mươi không phải là kiểu "khổ kinh điển" nhà nghèo vượt khó mà là phải đấu tranh để có niềm tin trong con người họ.        

 

Một thế hệ đạo diễn mới của điện ảnh Việt đang xuất hiện với những ưu thế nổi bật: có hiểu biết về kỹ thuật làm phim hiện đại, táo bạo hơn trong tư duy điện ảnh. Và anh nghĩ sao khi cái tên Vũ Ngọc Đãng được xem là một trong những niềm hi vọng đó?

 

Theo tôi, một thế hệ mới không thể nhìn ở chỗ họ trẻ hơn, mới ra trường mà là tác phẩm của họ phải mới, khác thế hệ trước. Các đạo diễn đang làm phim, ngay cả đạo diễn trẻ vẫn chưa làm được điều đó. Lê Hoàng chỉ làm đề tài mới, chứ cách dựng phim, hình ảnh, tiết tấu, xây dựng nhân vật vẫn theo kiểu cũ. Các nhà làm phim của ta chỉ lo chăm chút về nội dung và những thứ đâu đâu, trong khi kỹ thuật lại không quan tâm, cho nên không thay đổi được cái gì hết, từ dựng phim, kết cấu…

 

Phim của tôi có thể chẳng hay ho gì mấy, nhưng đã có nhiều cái "khác" với từ trước đến nay. Bây giờ những người được gọi là "mới" là phải "mới" từ trong cái đầu của họ mới "khác" được. Điện ảnh Việt hiện giờ cần những người mạnh dạn, sẵn sàng làm những gì mới nhất, hấp dẫn nhất, đương đại nhất về câu chuyện, nhân vật… 

 

Vậy thì với anh, vẫn chưa có gương mặt trẻ nào đáng để hy vọng và liệu những người tài có phải còn đang "giấu mặt"?

 

Chưa có đạo diễn có phong cách là thực tế của điện ảnh Việt. Các đạo diễn trẻ hiện giờ có thể là những người giỏi, nhưng chắc chắn chẳng có ai có thể làm bùng nổ màn ảnh và khiến người ta hy vọng nhiều ở sự đột phá. Thời điểm này là cơ hội quá sức rộng mở cho các tài năng được chứng tỏ mình. Có những người kém tài, không làm phim được nhưng lại thích chê phim người khác làm và nguỵ biện bằng cách đổ thừa hoàn cảnh, số phận nên chưa được phát hiện.

 

Tôi nghĩ những người có tài năng thật sự, tình yêu mãnh liệt sẽ tìm đủ mọi cơ hội để giới thiệu mình, xuất hiện được. Khó khăn chỉ có thể giết chết những tài năng tầm tầm, còn thiên tài không gì có thể cản được họ.

 

Trong suy nghĩ của anh, điện ảnh Việt đang ở chặng đường nào với sự sôi động bề nổi của thị trường hiện tại?

 

Nhiều người nói điện ảnh Việt đang phát triển, có tín hiệu đáng mừng, nhưng càng coi nhiều phim ra mắt mới đây, càng bị dập tắt hy vọng. Có cảm giác phim Việt Nam đang quay trở lại thời phim mì ăn liền và sẽ đi vào đúng vết xe cũ. Mọi người đang tự ăn dần cái đuôi của mình. Khán giả xem phim xong rồi cứ thất vọng. Hơn 80 triệu dân mà rạp phim vắng khách là một nghịch lý, vì thế phải thay đổi điều đó bằng cách làm ra nhiều phim hay phục vụ khán giả, xây dựng tình yêu phim Việt cho khán giả từ từ chứ như hiện nay chất lượng phim trồi sụt thì làm sao yêu phim Việt được.

 

Tôi làm phim không nhiều, nhưng làm phim nào cũng làm hết khả năng có được để cho ra đời một tác phẩm tốt nhất có thể.

 

Theo Phan Cao Tùng

Sài Gòn Tiếp Thị