GS TSKH Tô Ngọc Thanh:

“Ước gì có MTV cho cồng chiêng Tây Nguyên”

(Dân trí) - Cuộc chuyện trò khá chân thành dưới đây với Giáo sư Tô Ngọc Thanh, càng khiến chúng tôi hiểu thêm về ông -một con người tâm huyết với cồng chiêng Tây Nguyên, với một ước vọng đưa văn hoá cồng chiêng đến với đông đảo người dân hơn nữa.

Thưa giáo sư, cảm xúc của ông khi được thưởng thức những giai điệu của cồng chiêng Tây Nguyên vang lên giữa lòng Hà Nội đúng dịp xuân về?

 

Rất hoan nghênh ý tưởng của Truyền hình KTS VTC mang tên “Việt Nam 24h” khi tổ chức chương trình giới thiệu độc đáo không gian  văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đến với đông đảo người dân. Giữa muôn vàn những chương trình ca nhạc, chương trình truyền hình, các hoạt động văn hoá... người dân Hà Nội có được một chút lắng động, chiêm ngưỡng nét đẹp của văn hoá cồng chiêng.

 

Ngay đến như tôi, một người gắn bó với cồng chiêng từ những ngày văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên chưa được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được nghe tiếng cồng chiêng giữa lòng Hà Nội vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, tôi thấy xúc động và nhớ núi rừng Tây Nguyên quá. Nếu không có dịp này, có lẽ những âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên không bao giờ về đến Hà Nội và người Hà Nội cũng không bao giờ thấy được cái hay, cái đẹp và tài năng sáng tạo rất tinh tế của người Tây Nguyên.

*Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005.

 

* Trong những giờ khắc chuyển giao năm 2005 sang năm 2006, người dân Hà Nội có dịp chiêm ngưỡng tận mắt đoàn cồng chiêng Giarai - một trong những vùng cồng chiêng hay nhất của Tây Nguyên biểu diễn tại Hà Nội trong chương trình đón chào năm mới 2006 của Truyền hình KTS VTC mang tên “Việt Nam 24h”.

Ông đánh giá như thế nào về việc tuyên truyền cho đông đảo dân chúng được biết về kiệt tác cồng chiêng?

Cồng chiêng chỉ nghe không chưa đủ, cồng chiêng phải được nhìn và được đặt trong cảnh sắc của núi rừng, của đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bởi nó là một bộ phận máu thịt của cuộc sống của người dân nơi này. Tôi mong một ngày nào đó Đài truyền hình của chúng ta sẽ có 1 MTV của cồng chiêng Tây Nguyên để nói về cồng chiêng và đời sống sinh hoạt  của họ. Điều này sẽ tạo cơ hội cho mọi người thưởng thức kiệt tác đặc biệt này.

 

Cùng với việc cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới, chúng ta cũng thấy rõ một nguy cơ rất rõ là dường như cồng chiêng Tây Nguyên đang ngày mai một bởi nhiều lý do...

 

Số phận những di sản văn hóa phi vật thể như cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng bên bờ vực thẳm bởi nó sinh ra trong cuộc sống nương rẫy, lưu truyền từ đời nay qua đời khác bằng phương pháp truyền khẩu. Hiện nay, cuộc sống đã thay đổi làm văn hoá cồng chiêng đổi thay ít nhiều và không được toàn vẹn như trước. Nhưng chúng ta phải thừa nhận nó là một chứng nhân lịch sử. Yếu tố đó trước hết đọng ở bài bản âm nhạc, ở biên chế dòng nhạc, ở hàng âm thanh của dòng nhạc. Chúng ta giữ được những yếu tố đó chính là giữ gìn lịch sử.

 

Nói một cách khác, làm ơn hãy đừng làm thay đổi bản chất của cồng chiêng dưới danh nghĩa cải biên hay cải tiến. Đó là cách tự mình làm mất lịch sử của mình.

 

Đông Nam Á tự hào là cái nôi của văn hoá cồng chiêng. Tuy nhiên, văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam lại được thế giới công nhận là di sản. Phải chăng bởi sự nổi trội...?

 

Nếu nói rằng cồng chiêng Tây Nguyên của ta nổi trội hơn các nơi khác thì không hẳn. Nhưng văn hóa cồng chiêng của nước ta có nét riêng biệt với các nơi khác. Ở Indonexia, Malaixia, Thái Lan...  thì cồng chiêng trở thành âm nhạc chuyên nghiệp và âm nhạc cung đình. Còn ở nước cồng chiêng là sở hữu một cộng đồng người.

 

Điểm khác biệt rõ rệt nhất là cồng chiêng của Tây Ngyên bám lấy từng giai đoạn của đời người và những giai đoạn của cây trồng. Chúng tôi thường nói “đời người dài theo tiếng chiêng”. Đứa trẻ sinh ra người ta đánh chiêng trong lễ thổi tai tức là đưa một tín hiệu văn hóa dân tộc vào trí óc non nớt của đứa trẻ để sau này lớn lên nó hiểu nó là ai, dân tộc nào. Và đến khi con người nằm xuống thì tiếng chiêng lại đưa con người về cõi vĩnh hằng.

 

Cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh với thần thánh, giao hoà với đất trời, giao tiếp trong cộng động. Do đó, dân tộc Tây Nguyên trước khi chọn đất để gieo trồng thì đánh chiêng để đánh thức thần đất, và đến khi gặt lúa đồng bào lại đánh chiêng  mời mẹ lúa về cùng vui cơm mới. Đấy là những điểm ít nơi ở  các nước Đông Nam Á có được. 

 

Về âm nhạc, cồng chiêng Indonexia cống hiến cho nhân lọai 2 hàng âm thanh gọi là Slendro và Pelog. Chúng tôi đang ráo riết đề nghị với hội đồng âm nhạc quốc tế rằng phải có thêm một hàng âm thanh thứ 3 đó là hàng âm thanh của cồng chiêng Tây Nguyên Việt Nam.

 

Xin cảm ơn Giáo sư!

 

Thu Hương