Tân Cục phó điều hành Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan:

“Tôi muốn lấy hiệu quả công việc để trả lời”

(Dân trí) - TS Ngô Phương Lan - Tân Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí về hiện trạng điện ảnh VN trước thềm năm mới.

Sau khi được điều động về giữ chức Phó Cục trưởng giữ quyền điều hành Cục Điện ảnh, bà đã có thời gian bắt tay vào công việc ở đây. Nhận định của bà về hiện trạng Cục Điện ảnh sau vụ bê bối thất thoát tiền vừa qua?

Tôi về Cục đúng vào những tháng cuối năm, tất cả mọi việc đều vào giai đoạn nước rút, phải hoàn thành nhiều công việc nằm trong kế hoạch năm 2011. Đặc biệt là công tác chuẩn bị cho Liên hoan phim lần thứ 17 (diễn ra tại Tuy Hòa, Phú Yên). Rất nhiều việc, rất bận rộn và cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, chính trong thời điểm khó khăn nhất, tôi lại nhận ra những may mắn. Đó là, hơn bao giờ hết, ngành Điện ảnh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, cũng như sự động viên, khích lệ thường xuyên từ phía lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Đơn cử như công tác chuẩn bị cho liên hoan phim 17, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp đứng ra chỉ đạo các kế hoạch triển khai.

Cũng chính trong thời điểm khó khăn, chúng tôi đã nhận được sự đồng lòng từ phía những nghệ sỹ. Các hãng phim từ tư nhân đến nhà nước đều nhiệt tình tham gia liên hoan phim. Sự ủng hộ, đồng lòng của các nghệ sỹ cũng thể hiện tình yêu của họ dành cho điện ảnh là không gì có thể thay đổi. Tình yêu ấy càng rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn, khi điện ảnh rơi vào khó khăn.

Riêng với Cục điện ảnh, tất cả các cán bộ chủ chốt, các chuyên viên của các phòng, ban đều một lòng nỗ lực cố gắng cho công việc. Tôi nghĩ, trong sự khó khăn, tôi đã có được những may mắn.
 
“Tôi muốn lấy hiệu quả công việc để trả lời” - 1

Bà đã từng là người của Cục điện ảnh trong suốt 20 năm trước khi được bổ nhiệm là Phó Cục trưởng Cục hợp tác Quốc tế. Đây có phải là lý do chính giúp bà nhận được ủng hộ, được chia sẻ từ phía những người làm điện ảnh cũng như các cán bộ, chuyên viên của Cục Điện ảnh?

Tôi nghĩ, sự ủng hộ, đồng lòng, chia sẻ từ phía mọi người là dành cho công việc, cho điện ảnh, chứ không phải chỉ cho riêng tôi. Về lãnh đạo Cục Điện ảnh, bản thân tôi có thể thuận lợi hơn người khác vì tôi hiểu rất rõ Cục Điện ảnh nói riêng và ngành điện ảnh nói chung.

Từ khi trở về, bà đã có những quyết định cụ thể như thế nào để giải quyết những khó khăn tồn đọng ở Cục Điện ảnh?

Có rất nhiều việc phải làm ở Cục Điện ảnh hiện tại mà tôi không thể chia sẻ hết với bạn. Thời gian tôi về cũng chưa lâu, nên cũng không thể nói gì nhiều. Phần việc lớn nhất mà chúng tôi đã nỗ lực làm là tổ chức liên hoan phim quốc gia lần thứ 17. Cả cơ quan đều làm việc hết mình. Tôi cũng là người chịu khó nên không ngại công việc.

Tôi không phải là người thích nói nhiều. Tôi muốn lấy công việc và hiệu quả công việc để trả lời.
 
“Tôi muốn lấy hiệu quả công việc để trả lời” - 2

Trước khi vụ bê bối thất thoát tiền xảy ra, Cục Điện ảnh không hề xét duyệt bất kỳ một kịch bản phim nào, không đầu tư cho một dự án phim nào trong gần 2 năm. Xin được hỏi một câu hỏi cụ thể, rằng từ khi về Cục Điện ảnh với tư cách là người lãnh đạo, điều hành, bà đã xem xét đến việc sản xuất phim? Đã có một kịch bản phim nào đó được đưa vào sản xuất…?

Có, đã có một vài kịch bản phim được Hội đồng tuyển chọn dự án làm phim xem xét đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, tôi chưa thể tiết lộ điều gì về những dự án phim này.

Bà là người sinh và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật. Trước khi được bổ nhiệm là Phó Cục trưởng, bà là một người cầm bút, một nhà phê bình điện ảnh. Bà đã từng nhìn thấy sự thông minh, hài hước của đạo diễn Lê Hoàng, nhìn thấy sự tài hoa của Lưu Trọng Ninh, nhìn thấy sự tinh tế của đạo diễn Thanh Vân… Có câu hỏi đặt ra, liệu một nhà phê bình có thể mang đến điều gì cho điện ảnh?

(Cười). Tôi đã quên mất mình là ai rồi. Công việc cuốn tôi đi, không cho phép mình đắm đuối với việc viết lách như một người làm chuyên môn thuấn túy. Ở vị trí quản lý, tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất có thể công việc quản lý của mình.

Nhưng tất nhiên, với các đạo diễn, các nhà làm phim chúng tôi đã biết nhau từ lâu. Tôi là người thẳng thắn, khi viết phê bình cũng vậy, nhận xét, khen chê căn cứ vào những gì hiện diện trong phim, thấy hay thì khen, chưa hay chỗ nào thì không ngại chỉ ra chỗ đó. Trong quá trình cầm bút, hay trong thời gian làm trưởng phòng Nghệ thuật ở Cục Điện ảnh, cũng chưa thấy có anh em nghệ sỹ nào phản ứng tiêu cực với những gì tôi viết hoặc góp ý nhận xét trong những buổi duyệt phim bao giờ. Có lẽ họ hiểu rằng, tất cả những gì tôi góp ý cũng chỉ vì chất lượng tác phẩm.
 
“Tôi muốn lấy hiệu quả công việc để trả lời” - 3

Đã ngồi vào vị trí quản lý, bà còn nghĩ đến việc cầm bút “vì chất lượng tác phẩm”?

Viết phê bình là nghề luôn gặp những thử thách, muốn theo nó phải rất yêu nghề. Có thời gian tưởng đã “ra khỏi” điện ảnh nhưng hóa ra vẫn không thể đoạn tuyệt với nghề viết. Tôi có một số bản thảo trong tay. Nhưng cần ngồi biên tập lại mới có thể ra sách được. Tuy nhiên hiện tại, quả thực, chưa có điều kiện. Phải đợi để công việc ổn định, có thêm thời gian, mới nghĩ đến việc ra sách.

 
 
Hiền Hương