Thủy Tiên: "Tôi yêu chứ không lợi dụng Quốc Bảo"

"Tôi với anh Bảo làm việc chung trong khoảng thời gian ngắn thì cả hai có tình yêu. Tôi bị… choáng trước người đàn ông như vậy! Có thể do anh ấy lớn tuổi, trải nghiệm nhiều nên rất hiểu tôi", ca sĩ Thủy Tiên giãy bày về tuổi thơ cay đắng và mối tình đã qua với nhạc sĩ Quốc Bảo.

Chị có thể chia sẻ về quãng thời gian trước khi ra đĩa "Ngọt và đắng"?

Trước khi ra Ngọt và đắng, tôi bị stress, gần như trầm cảm. Khoảng thời gian đó không có người ở bên, tôi cứ lầm lũi đi về. Mỗi đêm tôi lấy giấy ghi xâu chuỗi tất cả lại: vì sao mình sai lầm, vì cái gì mình mất hết tất cả. Sáng hôm sau tôi tự kỷ ám thị trong đầu là phải sửa cái gì trong hôm nay. Cũng trong 1 tháng, buổi sáng tôi ra đúng chỗ ăn sáng đó, ngồi xuống. Người bán hàng đem ra món đồ đó, đặt đúng số tiền đó, xong tôi đi về. Trưa tôi lại ra ăn ngay chỗ đó, người ta biết tôi ăn cái gì, bưng ra, tôi biết số tiền mình phải trả là bao nhiêu.

Mỗi ngày cứ lặp lại như vậy. Tôi không nói cười với ai. Đôi khi tôi ngồi trước gương nói chuyện với mình, để thấy hôm nay mình nói chuyện. Rồi tôi tự khóc để thấy có người đang khóc với mình. Tôi đã lên Sài Gòn với một tâm thế ngây thơ: chẳng thà những người xa lạ đối xử với mình như vậy còn đỡ đau lòng hơn người thân của mình đối xử với mình.

Tôi đã không nghĩ mình đang lao về phía bão, đang chuyển từ cái lồng này sang cái lồng khác. Mà ở quê hương, họ không cho tôi tình thương, nhưng ít ra họ không hại tôi. Còn ở đây, họ cho tôi tình thương, nhưng họ hại tôi.

Chị bất ngờ ra "Ngọt và đắng", bất ngờ biến mất và lại bất ngờ ra "Thủy Tiên". Những sự bất ngờ này được bắt đầu như thế nào?

Đúng buổi chiều thi tốt nghiệp xong môn Lý, tôi bắt xe khách Kiên Giang lên Sài Gòn. Bạn có tin không? Khi lên đây, tôi không biết một con đường, không có một người quen, không có một người bạn. Sài Gòn hoàn toàn là thứ xa lạ. Có lẽ do tính tôi lì và liều, không biết gì nhưng vẫn đi, để biết tôi có một ước mơ và muốn thực hiện nó. Mấy tháng sau, trong tiệm uốn tóc, bạn tôi hỏi có biết nhạc sĩ Quốc Bảo không. Tôi nói không biết, thì anh ta nói tại sao em lại không biết nhạc sĩ Quốc Bảo đã lăng xê Trần Thu Hà, Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân. Tôi nghĩ anh ta toàn quen vơ-đét, trong khi mình lên Sài Gòn mới được mấy tháng thì làm sao có cửa để được lựa chọn. Người bạn kia muốn chứng tỏ có quen với nhạc sĩ, nên giới thiệu tôi cho Quốc Bảo.

Chính anh Bảo cũng không nghĩ sẽ gặp tôi. Nhưng do anh bạn kia quá nhiệt tình, anh Bảo thấy ngại. Mà lần gặp đó tôi chẳng mong chờ gì, tôi chỉ đưa bản demo. Lúc đó tôi chẳng biết đường Sài Gòn nhiều để thu ở một phòng thu đàng hoàng, mà chỉ thu lại ở một quán bar hát với nhau. Tôi không ngờ là anh Bảo lại quyết định làm đĩa cho tôi.

Và từ một người không hiểu biết về âm nhạc, với giọng hát yếu, chị đã được Quốc Bảo biến thành giọng hát cá tính, nhạc sĩ Quốc Bảo đã áp dụng những bài tập như thế nào với chị?

Đúng là tôi như tờ giấy trắng, chẳng có kiến thức gì, và anh Bảo đã dạy tôi rất nhiều. Tuy nhiên, anh Bảo là người đưa ra âm nhạc, còn tôi mới là người thực hiện nó. Nếu không có chất đó, tôi chẳng thể làm được. Trước khi làm việc, anh Bảo nói tôi thích cái gì cứ nói, và đưa cho tôi một chồng đĩa, dặn tôi thích bài nào thì đánh dấu vào. Tôi nghe hết, và nói: "Em không thích cái kiểu xinh trầm ngoan của anh. Em cảm thấy mình không thuộc về thế giới đó, bởi nó mượt mà quá, trong khi tuổi thơ của em nó vỡ, nó đầy sóng gió, nên em muốn có một cái gì đó thật mạnh mẽ. Nếu buồn thật là buồn, nếu vui thật là vui". Nếu làm việc với Mai Khôi, anh Bảo hướng đến bản năng của Khôi là sexy, là đàn bà, thì với tôi là cái sự đắng, cái sự bão. Rock của tôi thể hiện ở ca từ, nội dung là chính, chứ không phải dồn dập ở âm nhạc.

Một tuổi thơ như thế nào thì được gọi là vỡ, là đầy sóng gió?

Bạn có biết tôi lên Sài Gòn với cái gì không? Với một nỗi hận! Tôi hận rất nhiều, hận bên nội, hận bên ngoại! Cha tôi bị bệnh lao phổi, không có tiền nên cha mới mất. Khi cha mất, bên nội không nhìn tôi, tôi giống đứa con hoang. Về nhà nội, thưa chẳng ai nói tiếng nào, tôi đi ra đi vô như một bóng ma. Bên ngoại đụng một chút thì mắng mày là con mất dạy, con không cha. Vì họ sợ tôi mang vi trùng lao trong người sẽ lây cho họ. Mẹ bệnh vì khóc, không ăn uống, nên bị đau bao tử ói ra máu, mọi người lại khẳng định cha lây cho mẹ. Cho uống thuốc lao phổi. Uống thuốc trong 5 tháng, mẹ bị mờ mắt, xém chết. Lúc đó bác sĩ bó tay, mẹ phải ở dưới bếp sau hiên chùa. Ai cũng khóc vì biết thế nào mẹ cũng chết. Nhưng trời phù hộ, mẹ cũng qua.

Đến giờ, tôi nhớ nhin in cảnh ông nội phát kẹo cho các cháu, đến lượt tôi ông quát mày đi ra chỗ khác chơi. Bên ngoại cũng vậy, mỗi lần Tết con cháu đứng xắp hàng đợi lì xì, nhưng đến tôi cuối cùng ông ngoại cho cái liếc mắt và nói mày đi ra chỗ khác chơi, mày là đồ mất dạy, lì lợm. Tôi nhớ lần đó tôi chạy đi thật nhanh lên lầu, vừa chạy vừa khóc, tôi nghe thoang thoảng dì nói thôi nó mất cha, kệ nó, cho nó đi. Từ đó tôi nghĩ mình sẽ phải làm gì đó để mọi người thấy mình không phải đứa tầm thường như họ nghĩ.

Cái vỡ, cái bão, cái đắng đó được đưa vào âm nhạc như thế nào?

Nói ra thì to tát, nhưng Ngọt và đắng chính là câu chuyện kể về cuộc đời tôi. Bài Chờ ra đời, khi một lần ngồi cà phê, tôi kể cho anh Bảo nghe ngày nhỏ, lúc cha mới mất, tôi thức dậy chẳng thấy mẹ đâu, mà tôi rất sợ ma và sợ bóng tối. Tôi đi tìm mẹ thì thấy mẹ ngồi khóc bên bàn thờ cha, tôi đứng sau lưng mà không dám hỏi, tôi nhìn mẹ đến sáng. Hôm sau tôi hỏi sao mẹ làm vậy? Thì mẹ nói phải đứng canh nhang cho cha, vì thắp nhang người chết mới ấm, để nhang tàn cha sẽ lạnh. Nên mẹ phải ngồi vì sợ ngủ quên, nhang bị tàn. Và anh Bảo viết cho tôi bài Chờ - nói về sự đợi chờ vô vọng của người làm vợ.

Còn bài Vỡ xuất phát từ một lần cha nói thèm chuối nướng. Cha đưa cho tôi 200 đồng, mua được 3 trái chuối nướng, cha vừa ăn vừa nói: "Cha chết con có buồn không Tiên". Lúc đó tôi trách cha vô duyên nói điềm gỡ, sau đó cha khóc. Lần đầu tiên tôi thấy cha khóc và cũng là lần cuối cùng. Đúng 1 tháng sau thì cha tôi mất.

Chỉ còn hai người phụ nữ, sao chị lại quyết định xa mẹ lên thành phố ca hát?

Bây giờ tôi ghét ăn bánh mì thịt kinh khủng, vì ngày nhỏ tôi rất thích ăn bánh mì, ngày nào cũng chảy nước miếng vì bánh mì, đến mức tôi sợ nó luôn. Cái nghèo nó kinh khủng lắm, tôi không chịu được. Mẹ bị ám ảnh bởi điều đó, nên sau khi cha mất, mẹ đã cố gắng làm. Mà mẹ là người Tàu nên cực kỳ bản lĩnh, một tay mẹ quán xuyến tất cả. Mẹ không lấy chồng cũng vì tôi. Mẹ sợ phải lo cho bên chồng, mà sau này lớn lên tôi bị mọi người khi dễ. Tôi rất thần tượng mẹ, nhưng lại không thể gần gũi được. Hai mẹ con cứ như nước với lửa, đi xa thì rất thương, nhưng ở gần chẳng thể nào chia sẻ được.

Tuy nhiên, điều quan trọng, quyết định sự ra đi của tôi là cảm giác ở quê quá tù túng và bế tắc. Thị xã bé như cái làng ấy. Sống trong môi trường đó tôi cảm thấy không thể thở nổi. Tôi chẳng thể nào cảm nhận được tình người. Sự ra đi đó tôi ví như sự chạy trốn. Không phải tôi không đủ bản lĩnh để đối mặt, nhưng tôi muốn đối mặt với nó bằng sự thành công của mình.

Chị thành công bằng cách nào?

Khi mới cộng tác với anh Bảo, tôi ảo tưởng ghê lắm, đến bây giờ nhìn lại tôi thấy buồn cười với chính mình. Tôi nghĩ mình sẽ nổi tiếng, sẽ có tất cả. Tôi sẽ chứng minh được tham vọng tôi mang lên thành phố. Nhưng đến bây giờ tôi đã ý thức được mình đang ảo tưởng. Tôi nghĩ con đường mình chọn không cho phép tôi ảo tưởng nữa. Trong sự cộng tác của tôi với anh Bảo, rất nhiều người nói thứ âm nhạc anh Bảo mang đến cho tôi không phải chất của tôi, mà là thứ anh Bảo áp đặt cho tôi. Tôi không cho là vậy. Khi làm việc với nhau, không ai áp đặt ai cả.

Lúc đầu anh Bảo đưa cho tôi hai hướng để lựa chọn: con đường nhung lụa - mô hình giải trí, đẹp, vũ đạo giỏi hay con đường chông gai. Chọn cái nào cũng có giá trị của nó và sự trả giá. Nếu chọn mô hình giải trí, tôi sẽ nổi tiếng nhanh, sẽ có nhiều tiền, nhưng đồng nghĩa với việc tôi chỉ là người thợ hát. Còn con đường chông gai chậm hơn, cũng có thể không lên được. Nhưng tôi là nghệ sĩ thực thụ. Tôi đã chọn con đường thứ hai.

Thủy Tiên: "Tôi yêu chứ không lợi dụng Quốc Bảo" - 1

Chị có thấy mình là người tham vọng?

Tôi tham vọng bằng những gì mình có, chứ không phải tôi lấy của người ta. Mà tham vọng của tôi cũng rất bình thường so với ca sĩ: tôi muốn hát và mọi người đều biết thứ âm nhạc mà tôi mang tới. Nó đơn giản, nhưng tôi rất khó thực hiện.

Anh Bảo và tôi, không ai chọn ai cả, mà đó là cái duyên. Khi bắt đầu làm việc, tôi chỉ biết anh Bảo là người lăng xê cho cô này cô kia nổi tiếng, chấm hết. Tôi làm việc vẫn trả tiền đàng hoàng. Còn nếu có chuyện tình cảm dính líu thì vẫn công việc là công việc, tình cảm là tình cảm. Bản thân tôi cho anh Bảo là người rất nhân đạo.

Khi gặp scandal về đạo nhạc, anh Bảo rất buồn, và nói với tôi: Trong giai đoạn này anh rất buồn, không làm cho em nữa. Chắc anh gửi lại số tiền của em, anh sẽ giới thiệu cho em một người khác để làm đĩa. Lúc đó vẫn chưa ra Ngọt và đắng. Nhưng tôi nói: Em không rút lại. Em nghĩ lúc khó khăn người ta mới cần nhau, đi như vậy em cũng không chắc mình có thành công không, vì em đã bỏ rơi một người đi cùng mình một quãng đường như vậy để lo cho lợi riêng. Mà đúng là chỉ có khó khăn người ta mới biết người nào ở bên mình và người nào bỏ rơi mình. Người nào tốt thật sự với mình và người nào chỉ a dua theo hào quang của mình.

Hình ảnh của chị gắn liền với đóa Thủy Tiên, mong manh và dễ vỡ. Nhưng sự thực chị có phải là người mong manh, dễ vỡ, hay chị… tỏ ra như thế?

Có lẽ do vẻ bề ngoài của tôi toát lên sự mong manh, nên mọi người nghĩ như vậy, chứ bản thân tôi là người lì, liều và cứng cỏi. Tôi rất ít khóc trước mặt người khác. Lúc cha mất mẹ khóc nhiều lắm. Tôi chỉ khóc khi chú Út ra báo cha mày chết rồi kìa. Tôi không tin, nhưng vừa nghe đến thì nhói tim, nước mắt cứ trào ra, tôi không kiềm chế được.

Chú Út trở tôi về, vừa bước vào tôi thấy xác cha nằm dài trên cái ván. Mọi người ra phía sau bàn chuyện hậu sự. Tôi đứng mà đau lòng, tôi rớt nước mắt vì cảm thấy bị bế tắc. Lúc đó 9 tuổi, nhưng tôi đủ lớn để biết thế nào là điều mất đi vĩnh viễn, không thể nào tìm lại được. Tự nhiên tôi lại suy nghĩ đến tương lai, tôi không còn cha nữa thì sẽ như thế nào. Vì lúc sống, cha hứa hết lớp 5 sẽ cho tôi lên Sài Gòn học nhạc. Đến chiều mẹ đi Sài Gòn về, mẹ là người khóc nhiều nhất. Tôi nói mẹ không nên khóc, khóc người ta sẽ nói mẹ yếu đuối, mà khóc cha không có đi được. Sau đó, trừ những ngày lễ lớn, quá nhớ cha, tôi mới đóng cửa phòng gục mặt xuống gối khóc cho đã, chứ bình thường ít ai thấy một giọt nước mắt nào của tôi dành cho cha.

Ngay cả cách khóc cũng thể hiện chị là người tham vọng. Vì khi khóc, chị đã nghĩ đến tương lai, nghĩ đến việc không còn người thực hiện ước mơ của mình?

Con nít mà, cứ nghĩ người lớn hứa với mình như vậy, tự dưng người đó mất đi, giống hứa trở mình đi ăn kem, giờ bệnh rồi không trở đi được. Đứa trẻ không nghĩ được người đó đang bệnh, mà chỉ nghĩ tại sao người đó không trở mình đi ăn kem. Ngay lúc đó tôi nghĩ như vậy, nhưng đến 9 ngày sau thì thẫn thờ. Mỗi lần nghĩ đến là lòng tôi lại nhói lên, tôi chạy vào buồng khóc, nghĩ mình đã mất cha vĩnh viễn rồi sao. Tôi bế tắc mà bất lực. Trong đầu tôi quanh quẩn ý nghĩ tại sao mình không thể níu được con người đó, hồi trước còn ngồi đây nói chuyện với mình. Lúc đó tôi mới bắt đầu thấm thía được sự mất mát.

Đến bây giờ cũng vậy, mười mấy năm tôi chẳng thể nào quên. Ngay cả bài À ơi tôi viết: "À ơi, ru xác trăng tàn, chết trên tay ta mất rồi, võng đong đưa nhé, ru đời mồ côi, võng đong đưa nhé ru xác trăng tàn chết trên tay ta mất rồi" - cái xác trăng đó là cha tôi đấy. Tôi không thể nào quên được hình ảnh cha nằm dài trên ván. Cái đêm tôi viết À ơi là đêm tôi giật mình, tôi nhớ là mình mồ côi. Vì chữ mồ côi với tôi xa lạ lắm.

Tôi sống độc lập và rất mạnh mẽ. Bạn tôi nói tôi như cỏ dại vậy. Cứ lặng lẽ sống, nhưng không thể nào tiêu diệt được. Đôi khi tôi quên cả nỗi đau mất cha, quên cả sự có mặt của người đàn ông đó trên đời. Nó trở thành thói quen. Lâu lâu tôi mới chợt nhớ mình không có cha. Những lúc như vậy, tôi thường hay nghĩ nếu có cha mình sẽ như thế nào? Tuy nhiên, tôi cũng không phủ nhận mình là người tham vọng. Tôi là con gái cung Nhân Mã mà. Tôi vẫn hay nói đùa với bạn, sau này lấy vợ không nên lấy cung Nhân Mã, vì cung Nhân Mã rất tham vọng.

Sự tham vọng của chòm sao Nhân Mã còn thể hiện khi yêu một... producer chuyên nghiệp?

Tôi với anh Bảo làm việc chung trong khoảng thời gian ngắn thì cả hai có tình yêu. Tôi bị… choáng trước người đàn ông như vậy! Có thể do anh ấy lớn tuổi, trải nghiệm nhiều nên rất hiểu tôi. Mà mẫu đàn ông của tôi cũng không phải người đẹp trai. Bởi cái tôi cần là bên trong chứ không phải bên ngoài, còn vật chất có thể mất đi. Vì thế nên tôi yêu anh Bảo, trong khoảng thời gian đầu. Nhưng càng về sau, chúng tôi ở bên nhau quá nhiều, hiểu nhau quá nhiều, nên tình yêu chuyển thành tình cảm… cha con!

Tình yêu trở thành tình... cha con thì quả là hơi… buồn cười, chị nói sao đây?

Cũng hơi buồn cười! Nhưng vì tôi và anh Bảo đã quá hiểu nhau. Mà lúc đầu tôi đến với anh Bảo rất hoang mang. Tôi không biết là mình yêu thật hay mình lợi dụng, vì bản thân tôi rất tham vọng và tôi muốn đạt được tham vọng đó. Nên lúc đầu tôi viết rất nhiều thư cho anh Bảo mà không gửi. Sau này giận nhau, tôi nói có thể tình cảm đó giống như một sự đổi chác. Tôi biết lúc đó tôi xúc phạm anh Bảo. Nhưng tôi hoang mang thật. Tôi nghĩ nếu lợi dụng thì phải chấm dứt ngay, không được đi xa hơn. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn đi, vì tôi nhận ra đó là tình yêu chứ không phải sự lợi dụng. Anh Bảo cũng không có gì để mình lợi dụng. Muốn thì tôi vẫn có thể là học trò cưng của anh Bảo như Mai Khôi, hà cớ gì phải dính đến chuyện tình yêu. Trong khi chuyện tình yêu, công việc, tiền bạc cũng rất rạch ròi.

Tình yêu đã được thử lửa như vậy sao còn chia tay?

Có thể nói, đi với anh Bảo những lúc sóng gió thì rất là thương, nhưng những lúc bình thường, cách yêu của anh Bảo làm tôi ngột ngạt! Tôi bị bó hẹp, không thở được, có cảm giác bị tách biệt với bên ngoài. Tất cả mọi việc phải qua anh ấy. Bạn bè muốn chơi với ai, phải được anh Bảo cho thì mới được chơi. Nhà báo nào muốn hỏi phải có mặt anh Bảo ở đó. Không phải ích kỷ, nhưng anh Bảo sợ tôi bị sa ngã, không đủ bản lĩnh bước qua những cám dỗ. Trong khi tôi thích tự do. Vì ước mơ, tôi dám bỏ quê lên đây, thì không thể nào bị bó chặt như vậy được. Tôi cảm thấy mình bị mất bản năng sống. Thế là lục đục, có những cãi vã, cộng thêm rất nhiều thứ nữa, nên cảm thấy không thể đi chung được nữa.

Chị có hy vọng nối lại tình yêu đó không?

Không! Khi quyết định chấm dứt tôi cũng hoang mang. Nhưng tôi nghĩ giống như ngày xưa, tôi mất cha vẫn có thể học trường nhạc được. Bây giờ mất anh Bảo, tôi vẫn có thể hát được bằng những gì tôi có. Ngày xưa, lúc mất cha tôi cũng bế tắc như bây giờ. Nhưng tôi vẫn vẫn vượt qua được. Qua đó, tôi hiểu, trên đời này, không có chuyện không có một người thì người ta không thể sống được.

Hiện tại tôi không nói trước được điều gì, mà chỉ có thể nói tôi sẽ đi đến cùng với những cái mình đã lựa chọn ngay từ đầu. Điều quan trọng nhất là bước đi của tôi đã nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Đến bây giờ dường như những cái hận của ngày xưa đã chìm xuống, tôi đã tự điều khiển được tham vọng của mình. Giờ đây, tôi làm cho mình, chứ không phải vì một nỗi hận nào nữa.

Theo Thể Thao Văn Hóa Đàn Ông