Thanh Thúy bướng bỉnh

Sẽ rất dễ bị xem là một người chơi ngông, nhưng Thanh Thúy luôn đeo đuổi mục đích này từ nhiều năm nay: thực hiện riêng cho mình một album hoàn toàn với phong cách nhạc “đỏ”.

Vốn được xem là một người bướng bỉnh, chỉ thích làm điều mình muốn hơn là làm theo ý thích đám đông, Thanh Thúy chưa hề cảm thấy tiếc nuối những gì mà mình đã làm, dẫu đó có là “thất bại” theo cách gọi của người đối diện. Album đầu tay của cô gái này cũng lạ lùng như vậy với tiêu đề Hồn Đất do nhạc sĩ Minh Châu. Những ca khúc trong đó hoàn toàn là những bài hát mà Thanh Thúy thích và muốn ghi âm. Nhiều người bạn của Thanh Thúy vẫn gọi cho cô và trách “sao lại là Hồn Đất?” vì cái tên này nghe giống như tiểu thuyết, không hấp dẫn, không… quần chúng. Và thường là Thanh Thúy cười, hỏi lại “vậy tại sao không là Hồn Đất?”. Thật là bướng bỉnh!

Ra xong album đầu, Thanh Thúy đã liên tục đi diễn. Khác với dự đoán của một số người là cô ca sĩ này sẽ “chìm” thì ngược lại, gặp Thanh Thúy lại thật khó vì khi thì cô ở Hà Nội, khi thì Đà Nẵng, ngày nọ thì ở một vùng nào đó xa thật xa theo lệnh điều động biểu diễn của Đoàn văn công Quân khu 7 (Thanh Thúy hiện đang là sĩ quan của đoàn). Và từ một nơi xa xôi như vậy, Thanh Thúy gọi cho nhạc sĩ Tuấn Khanh “anh à, em muốn làm một album nhạc truyền thống cách mạng”. Ai biết chuyện cũng ngã ngửa vì với nhạc sĩ Tuấn Khanh, người ta chỉ hình dung nào là rock, nào là hiphop… ấy vậy mà…

“Tôi muốn làm một album nhạc truyền thống cách mạng với những âm điệu thật hiện đại. Tại sao cứ hát những bài hát đó, chúng ta cứ khung mọi thứ lại trong một thói quen gì đó rất cứng nhắc và thiếu cởi mở. Tôi muốn những bạn trẻ thích nhạc rock cũng nghe và thích một bài nào đó truyền thống với hoà âm, tiết tấu thật trẻ trung”, Thanh Thúy nói. Đó là lý do và ý tưởng của album Giai điệu tổ quốc mà Thanh Thúy cùng nhạc sĩ Tuấn Khanh dựng nên từ tháng 6-2005 và hoàn tất để phát hành đúng dịp 2-9-2005, kỷ niệm 60 năm ngày quốc khánh của Việt Nam.

Tất cả trong album này là 9 bài hát, chọn lọc lại từ khoảng 17 bài hát đã thu. Tất cả là những bài hát rất quen thuộc và ngọt ngào như Hát về anh (Thế Hiển), Đất nước (Phạm Minh Tuấn), Mùa xuân bên cửa sổ (Xuân Hồng)… với lối hát pha trộn một ít âm hưởng dân gian Nam Bộ, một ít giọng thính phòng và một phần của sự điêu luyện, thánh thót sở trường của mình. Thanh Thúy đã tạo nên một chuỗi âm điệu đáng yêu.

Ngay cả những bài hát mà cách thể hiện ở hai cực khác nhau như Anh ở đầu sông, em cuối sông (Phan Huỳnh Điểu) và Sài gòn Mùa xuân (Trịnh Công Sơn), Thanh Thuý vẫn tạo cho người nghe một sự dung hoà độc đáo cho toàn bộ album. Chỉ với 9 bài hát, Thanh Thúy đã khẳng định một điều quan trọng rằng hiện nay ở vị trí nhạc turyền thống cách mạng dạng pop, cô gần như không có đối thủ.

Ảnh bìa là Thanh Thúy với chiếc áo dài trắng, thấp thoáng chiếc khăn choàng đỏ bay như một câu chuyện dài về một giọng ca đầy cá tính và - một lần nữa - bướng bỉnh trong việc làm cho bằng được điều mình thích. Rốt cuộc thì trên các quầy băng đĩa, các nhà sách lại thấy một lần nữa sự xuất hiện của Thanh Thúy như thuở nào, không đổi thay và dường như ngọt ngào hơn, đằm thắm hơn…

 Theo Giaidieuxanh