Thanh Phương: Chậm mà chắc

Gặp Thanh Phương vào một ngày Hà Nội trở rét, nhâm nhi từng giọt cà phê ngọt đắng. Nói chuyện với anh, hình như ai cũng bị cuốn theo kiểu chậm rãi, từ tốn đến đủng đỉnh. Anh bảo, anh không phải là người ít nói nhưng chỉ lên tiếng lúc nào cần thiết.

Mọi người thường có cảm giác như thế nào khi lần đầu tiếp xúc với anh?

Tôi thấy họ sợ mình vì tôi cứ im im, không phát biểu gì. Nhưng khi đã làm việc cùng thì họ lại rất thích và quý. Tôi là người kỹ tính và cầu toàn trong các sản phẩm âm nhạc của mình. Có thể mất nhiều thời gian hơn người khác nhưng những tác phẩm của mình sẽ tử tế.

Nhưng sự chậm chạp thường bị đánh đồng với lười biếng, anh nghĩ sao về điều này?

Lười biếng là anh có việc đấy mà không làm, đi chơi bời những thứ linh tinh. Chứ chậm mà chắc chắn, chậm mà hay thì đó là điều tốt. Phải biết đầu tư thời gian vào cái gì cần thiết. Tính tôi nó cứ như thế này từ xưa rồi, muốn nhanh hơn cũng chẳng được. Lắm khi cũng có người phàn nàn, giục giã tôi khẩn trương hơn nhưng tôi trả lời rằng, tôi có cách của riêng mình, và rồi tất cả họ đều hiểu. Mà ai nói chuyện với tôi 2-3 lần thì dù muốn hay không cũng phải từ từ, chậm chậm theo (cười). Bạn bè và cộng sự của tôi đều biết rất rõ Thanh Phương như thế nào.

Vừa làm album "Mộc" cho Hiền Thục theo phong cách acoustic, anh đánh giá thế nào về ca sĩ này?

Thục là người nhanh nhạy, bắt nhịp tốt với cảm xúc của bài hát. Tuy nhiên, nội lực của Thục không trường, không hát lâu được. Nói một cách nôm na là cô ấy không thể làm việc quần quật. Vì thế mà trước khi thu, tôi thường phải nói rất kỹ về ý đồ của mình trong bài hát, tôi sẽ đệm thế nào, chỗ này nên xử lý ra sao để cô ấy hiểu và ngấm. Lúc nào được rồi thì sẽ thu ngay theo kiểu hát là được luôn. Cách khắc phục này với Thục rất hiệu quả. Album đúng theo chất mộc nhưng vẫn có cái gì đó hẻo hẻo của một Hiền Thục trước đó. Tôi nghĩ điều này tạo được sự hấp dẫn với người nghe.

Trước giờ, tên tuổi của anh thường gắn với Hà Trần và những chương trình mang tính nghệ thuật cao, vậy sao lần này anh lại nhận lời làm cho một ca sĩ thị trường như Hiền Thục?

Tôi có nghe Thục hát trong chương trình Bài hát Việt, thấy cũng được. Và quan trọng là cô ấy có thể hát theo cách của tôi. Vì thế khi Thục mời tôi cộng tác thì tôi nhận lời. Tất nhiên làm việc với Thục khác hoàn toàn khi tôi làm với Hà Trần. Hà luôn bắt tôi phải suy nghĩ, phải tìm tòi và bận rộn hơn nhưng với Thục thì gần như tôi áp đặt hoàn toàn. Thục làm theo những ý tưởng mà tôi nghĩ ra.

Rõ ràng là Hiền Thục có một hơi hướng khác hẳn trong album "Mộc", gọn gàng hơn, chỉn chu hơn và đằm thắm hơn. Anh có chiêu gì để gò được Hiền Thục theo sự áp đặt của mình?

Cũng chẳng có chiêu gì đâu. Tôi cứ từ từ mà làm thôi. Lúc đầu tôi làm nhạc và đưa cho Thục hát bài Trăng chiều. Đó là một bài hát buồn nên Thục xử lý làm cho nó não nuột kinh khủng, sến. Có lẽ đó là cái bệnh của các ca sĩ thị trường. Sau khi cùng ngồi lại với Thục nghe bản demo, tôi nói với cô ấy những chỗ nào được và không được, rồi cần hướng cảm xúc đến đâu. Thục bảo, vì thấy bài buồn nên hát thế. Nhưng tôi nói, buồn thì có cả trăm loại và mình phải cảm nó theo một cách tích cực chứ đừng để nó trở nên bi lụy. Làm sao thu xong mà không thấy... bê bết. Đấy mới là điều khó.

Thật ra, tôi cũng phải để cho Thục có thời gian để lắng vì cô ấy quen làm những sản phẩm "ăn nhanh". Vả lại có một thực tế là trước một hoàn cảnh, người Bắc và người Nam phản ứng, cảm nhận khác nhau nên buồn vui cũng khác. Và tôi là người làm "công tác tư tưởng" cho Thục sao cho đúng tinh thần của bài hát nhất. Thường là tôi cứ đánh đàn rồi Thục hát theo. Mình cứ đệm như thế rồi dần dà cô ấy bắt được nhịp và xử lý bài hát theo đúng kiểu của nó.

Thời gian làm đĩa này cho Thục cũng mất 1 năm vì tôi còn làm CD cho Hà Trần. Với lại khi thu càng đơn giản, càng ít nhạc cụ thì làm hậu kỳ càng vất vả. Phần lọc cho âm thanh sạch sẽ, gọn gàng thì tôi làm ở Mỹ, còn mix tiếp thì xử lý ở phòng thu của tôi. Tôi không làm cùng lúc tất cả các bài mà chỉ làm 2-3 bài, rồi để đấy. Vài hôm lấy ra nghe lại, thấy sạn ở đâu là sửa, có khi thu lại nữa. Vì thế mà mất nhiều thời gian.

Từ "Nhật thực", "Bản tình cho giai nhân", "Hà Trần 06" đến "Mộc", anh đều cho một vài bài có phần ê a hát đệm, đọc thơ, đồng dao của trẻ con. Ý tưởng này bắt nguồn từ đâu?

Phải thừa nhận tôi là người rất thích "nghịch" khi mix. Hồi làm Nhật thực cho Hà, tôi thấy đĩa đó "nặng" quá nên nảy ra ý định là cho tiếng trẻ con cười vào. Lúc đó, con tôi mới được mấy tháng. Tôi chọc cho nó cười và thu âm, rồi mix lại và đưa vào. Thấy cũng hiệu quả. Sau đó tự dưng... quen mui, thích làm kiểu đó. Có tiếng trẻ con, người nghe sẽ cảm giác dễ chịu và nhẹ nhàng hơn. Ở đĩa Mộc của Thục thì Gia Bảo cũng đọc một vài câu rất dễ thương.

Anh phải tập cho bọn nhỏ thế nào để hát và đọc đúng theo kịch bản?

Chẳng có dạy bảo gì đâu. Tôi không bắt các cháu phải tập tành gì cả vì mình không chủ đích để chúng nó hát hò chỉn chu. Tôi bảo chúng nó cứ ê a, hú hét, cười đùa thỏa thích rồi thu. Chỉ có cách duy nhất là... dụ chúng nó. Lúc nào chúng nó hứng thì tôi bảo vào phòng thu để hát, cả đọc thơ cũng vậy. Có thể là những đoạn đó hơi lộn xộn một chút nhưng nghe rất hồn nhiên, dễ chịu.

Thế còn cô con gái rượu, anh có định cho cháu theo nghệ thuật?

Con gái tôi năm nay 6 tuổi và tôi cho cháu đi học bình thường như các bạn khác. Tôi cũng chưa cho con học đàn. Học cổ điển vất vả mà... chóng già lắm. Cứ để con phát triển tự nhiên, nó thích gì thì làm nấy, không nên áp đặt. Con bé cũng có năng khiếu, hát hay và vẽ đẹp. Nhưng thật ra theo nghệ thuật, nhất là con gái rất bấp bênh. Muốn thành công mình phải thật xuất chúng, nhanh nhạy cộng thêm nhiều thứ khác nữa. Thế nên tôi để sau này tùy con quyết định hướng đi của nó.

Thường những người theo học cổ điển vẫn có một vẻ gì đó điềm đạm. 12 tuổi anh bắt đầu học guitar cổ điển, điều này có ảnh hưởng gì đến tính cách của anh?

Có lẽ bạn nói đúng, những người học cổ điển như tôi thường cứ bình thản, chậm chạp, không gấp gáp bao giờ. Tôi rất sợ vội vàng. Mình làm cái gì cũng nên chắc chắn, vội là dễ hỏng việc lắm. Tôi có một nhược điểm là khó tìm từ để diễn đạt những suy nghĩ của mình. Chắc thế mà chậm đấy (cười).

Chuyện tiền nong cũng vậy. Lúc nào thiếu thì hùng hục đi kiếm, nhưng thấy đủ đủ rồi lại thôi, không cố nữa. Giàu to mình chẳng làm được, thôi thì cứ vậy vậy, đủng đỉnh thế. Xét cho cùng, ham kiếm tiền quá mình sẽ mất rất nhiều thứ. Mà tôi thì không muốn đánh đổi như vậy.

Ngày trước khi chưa có gia đình, anh có ham kiếm tiền?

Lúc chưa có gia đình, tôi ham chơi chứ chẳng ham tiền tí nào. Tôi không thể dục thể thao gì, không chơi được những môn đòi hỏi có sức khỏe. Bạn nhìn tạng người tôi thì biết, "gió thổi bay". Từ xưa đến giờ chẳng có lúc nào tôi béo tốt được cả. Nhưng cũng may cái là không bị gầy đi. Khi vất vả lắm cũng chỉ giảm... nửa cân. Rồi ăn uống vào là trở về như cũ. Thế nên tôi chỉ thích chọc bi-a thôi.

Hồi năm 95-96, tôi chơi bi-a kinh khủng lắm, từ hôm này qua hôm khác, thông đêm luôn, rồi ngày về ngủ. Cũng chẳng có ai làm phiền được vì mấy năm đó tôi không dùng di động. Ai cần làm gì phải đến tận nhà tìm tôi. Giờ có gia đình mình chỉn chu hơn rất nhiều, không chơi vô độ thế nữa, chăm chỉ làm việc để lo cho vợ con.

Nghệ sĩ nhiều người có tính cả nể. Bạn bè, anh em nhờ làm dù không thích đôi khi vẫn phải nhận, anh thì sao?

Tôi từng nói, khi nhận làm một sản phẩm nào đó, 30% là vì ca sĩ, 30% do bài hát, 30% vì nể và chỉ có 10% vì tiền thôi. Có nhiều cái mình không thích nhưng nể anh em nên làm. Từ chối là một điều rất khó vì dễ làm mất lòng người khác. Nhưng có hai lý do chắc chắn tôi sẽ từ chối, một là tôi không làm được, hai là tôi không có hứng thú. Bởi vì nếu mình nhận sẽ làm không ra gì. Những lúc đó, tôi thường phải lấy lý do bận rộn, nếu làm với tôi rất dễ bị lỡ việc vì tính tôi chậm chạp. Mà thực tế là bây giờ lúc nào tôi cũng thấy thiếu thời gian. Nhiều lúc mình không làm gì mà vẫn thấy thiếu!

Theo Mỹ Dung
Ngôi Sao