Phóng viên hay đạo diễn thử việc?

Qua các tập phim "Phóng viên thử việc" (phát trong chương trình Văn nghệ chủ nhật), khán giả đã phần nào hiểu thêm về nghề báo - một nghề được coi là nghiệt ngã. Tuy nhiên, sự quá dễ dãi trong việc thực hiện các cảnh phim đã khiến cho bộ phim dường như thiếu phần thực tế.

Nội dung phim Phóng viên thử việc xoay quanh 3 nhân vật Quyên (Vi Cầm đóng), Điệp (Bích Huyền) và Lâm (Quang Huy) trong cuộc “vật lộn” để khẳng định mình, để tìm chỗ đứng trong tòa soạn Báo Chân Lý.

 

Hãy tạm gạt đi những mâu thuẫn, xích mích, ganh ghét, thủ đoạn trong “cuộc chiến” giữa Quyên - nhân vật chính và Điệp hay những câu chuyện tình cảm phức tạp giữa Quyên, Lâm, Điệp, ông Thư ký tòa soạn… không cần tinh ý lắm người xem cũng đã nhận thấy việc vào vai Quyên của diễn viên Vi Cầm có gì đó hơi gờn gợn.

 

Khán giả xem truyền hình đã quá quen thuộc với một Vi Cầm trong trắng, thánh thiện (vai Na) trong phim Hoa cỏ may, hay Hà (cô gái mù) hiền lành, nhân hậu trong Chuyện phố phường… cho nên với việc thể hiện một Quyên trẻ trung, đầy cá tính đến mức thái quá khiến người xem không thể không nghĩ đến chuyện “gọt chân cho vừa giày”. Không thể phủ nhận sự thành công của các vai diễn kể trên mà Vi Cầm đã thể hiện nhưng sự thử sức lần này xem ra chưa vừa với cô…

 

Chưa cần phải lật lại ngần ấy tập phim người xem đã cảm nhận thấy cái sự “quý các nhà báo vừa vừa” (một câu trả lời phỏng vấn báo chí) của đạo diễn Quốc Trọng. Bản thân đạo diễn khi làm bộ phim này cũng công nhận: “Làm về vấn đề gì mình phải biết rõ về nó” ấy vậy mà ông lại để cho Tổng biên tập báo đích thân “cầm tay chỉ việc” cho từng phóng viên tập sự thực hiện những công việc “lớn lao” như những phóng viên “gạo cội” dày dặn kinh nghiệm. Như thể tòa soạn Chân Lý chỉ có vẻn vẹn mỗi 3 phóng viên tập sự?

 

Người ta thấy ông Tổng biên tập “sốt sắng” một cách thái quá! Đoạn phim anh chàng phóng viên Lâm đi thực hiện bài phóng sự về đường dây gái gọi cũng thật “hài hước”. Hài hước cả trong ý muốn của nhà làm phim và trong suy nghĩ của cả những “người trong cuộc”. Lâm vào một khách sạn, sau một vài câu thăm dò và chỉ với tờ 100.000 đồng anh đã khiến tay nhân viên lễ tân phải “xì” ra tập ảnh các em chân dài cho Lâm thoải mái chọn.

 

Hình ảnh nhân vật lễ tân với tay lấy tập ảnh để khá lộ liễu khiến chi tiết phim ở cảnh này trở nên dễ dãi, bởi thực tế những kẻ kiếm sống bằng nghề môi giới này có thừa khôn ngoan tránh các cuộc kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng. Nhưng điểm “hài hước” lại bật lên ở chỗ khi cô gái được gọi bước vào phòng, Lâm tỏ ra lúng túng đến mức ngớ ngẩn.

 

Đâu rồi anh phóng viên đầy tự tin, bản lĩnh, nhanh trí từng có hơn một năm kinh nghiệm làm phóng viên điều tra ở tờ Báo Sức Nóng? Một phóng viên tài năng đến mức mà trực tiếp lãnh đạo Báo Sức Nóng đã hẹn gặp, mời cơm và đưa ra những ưu đãi để anh “đầu quân” trở lại? Đây là tình huống không có thật ngoài đời và tự nó đã nói lên sự đầu tư tâm trí, sức lực của các nhà làm phim cho tập phim này.

 

Việc sử dụng đạo cụ - tờ báo Chân Lý - trong tập 6 của phim cũng là điều đáng phải bàn. Được biết, ở các nước có nền điện ảnh hiện đại vấn đề tạo dựng phim trường, chuẩn bị và sử dụng đạo cụ luôn chu đáo và cẩn thận đến từng chi tiết. Vậy nhưng, tờ báo Chân Lý lại được ra mắt khán giả (độc giả) một cách quá cẩu thả. Mỏng dính và lem nhem như một trang báo photo lại.

 

Phóng viên thử việc chắc chắn sẽ hay hơn, chuyển tải một cách hiệu quả hơn những điều mà các nhà làm phim muốn đề cập đến nếu họ quan tâm nhiều hơn đến nghiệp vụ báo chí hoặc có sự giúp đỡ tận tình của các nhà báo có kinh nghiệm. Nghề báo ở đây chỉ là cái cớ dẫn dắt người xem tới câu chuyện về tình cảm, tâm sự và những lựa chọn của một cô gái trẻ khi lập nghiệp.

 

Thế nhưng, một bộ phim nói về đề tài lập nghiệp muốn chuyển tải được hết chính nội dung mà nó đang đề cập đến và để nó đạt được những hiệu quả như nhà làm phim mong muốn thì chính “cha đẻ” ra nó phải hiểu sâu sắc về nó, để đem nó đến với khán giả một cách chỉn chu, thấu đáo chứ không phải theo cách hời hợt, thiếu trách nhiệm đến vậy.

 

Theo An Ninh Thủ Đô/TTOL