“Phim phía Bắc đang suy kiệt”?

(Dân trí) - Trả lời báo chí bên lề lễ trao giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận định, “Cả phim truyền hình và phim điện ảnh phía Bắc đều đang suy kiệt”. Hiện trạng thực sự của việc suy kiệt này đang đi đến đâu?

Phim phía Nam - “Bành trướng” về số lượng

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần có lý do để đưa ra nhận định về sự suy kiệt của phim phía Bắc (gồm cả phim truyền hình và phim điện ảnh). Nhìn trên danh sách phim gửi dự thi Cánh Diều Vàng năm 2011 có thể nhận ra ngay sự yếu thế rõ rệt của phim phía Bắc về mặt… số lượng.

Ở hạng mục giải thưởng dành cho phim truyện nhựa có 12 phim dự thi, trong đó có đến 9 phim đến từ phía Nam, chỉ có vỏn vẹn 3 bộ phim Bắc (được sản xuất bởi nhà sản xuất phía Bắc, đạo diễn Bắc, diễn viên miền Bắc và nói tiếng Bắc). Ở hạng mục giải thưởng dành cho phim truyền hình, sự áp đảo của phim phía Nam diễn ra “khủng khiếp” hơn. Với 19 bộ phim dự tranh Cánh Diều (lên tới 597 tập) chỉ có… 2 bộ phim của miền Bắc sản xuất, đó là Chủ tịch tỉnh (VFC) và Thái sư Trần Thủ Độ (Công ty cổ phần phim truyện I). Tuy nhiên, ngay sau đó Thái sư Trần Thủ Độ bị loại do vi phạm quy chế, chỉ còn lại duy nhất Chủ tịch tỉnh “chiến đấu” với 18 bộ phim phía Nam để tranh giải. Kết quả như đã thấy, phim truyền hình phía Nam đại thắng, diễn viên phim truyền hình phía Nam cũng đại thắng.
 
“Phim phía Bắc đang suy kiệt”?
Chủ tịch tỉnh Trần Thủ Độ là 2 đại diện của phim phía Bắc "thi đấu" cùng 17 phim truyền hình phía Nam. Tuy nhiên, Trần Thủ Độ sau đó đã bị loại. Chủ tịch tỉnh chỉ dành được bằng khen.

Lý giải cho sự lép vế này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) cho biết: “Rất đơn giản, vì phía Nam nhiều đơn vị tham gia sản xuất phim hơn để đáp ứng nhu cầu phát sóng của rất nhiều kênh sóng của các Đài truyền hình phía Nam. Phía Bắc, ngoài VTV có khung giờ phim Việt cố định hàng ngày, Đài TH Hà nội không có khung giờ phim truyền hình mới. VTC cũng ít phim phát sóng. Năm nay, ngoài VFC là đơn vị sản xuất phim phía Bắc gửi duy nhất một bộ phim tham dự giải, hình như không có đơn vị nào khác”.

Từ 5 năm trước, nhà nước đã kêu gọi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa điện ảnh, xã hội hóa truyền hình. Tất cả những ai có tiền đều có thể tham gia sản xuất phim, chỉ cần phim có quảng cáo là nghiễm nhiên lên sóng giờ vàng trên khắp các kênh. Ở phía Nam doanh nghiệp bắt nhịp với công cuộc xã hội hóa truyền hình, xã hội hóa điện ảnh nhanh gấp nhiều lần phía Bắc. Hàng loạt kênh truyền hình ra mắt, song hành cùng truyền hình là… quảng cáo, song hành với quảng cáo là showgame và phim. Phía Nam với thị trường béo bở, những công ty tư nhân tham gia sản xuất phim để kiếm lợi nhuận từ quảng cáo mọc lên “như nấm sau mưa”.
 
Nếu như diễn viên phía Bắc “ngồi chơi xơi nước” cả năm đợi kịch bản, diễn viên phía Nam chạy sô mệt nghỉ từ trường quay này đến trường quay khác. Nếu như ở phía Bắc diễn viên sống lay lắt với nghề, ở TpHCM, diễn viên nườm nượp lái ô tô đi đóng phim. Nghề diễn ngoài Bắc khắt khe, kén chọn, nghề diễn trong Nam “tận thu” tới cả dàn “chân dài” hùng hậu, dàn ca sỹ trẻ đẹp, ngay đến các hoa hậu cũng chạy sô ồn ã.
 
“Phim phía Bắc đang suy kiệt”?
Elly Trần đoạt Cánh Diều Vàng ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc thể loại phim truyền hình cho vai diễn An phim Khát vọng thượng lưu. Giải thưởng bị dư luận phản đối dữ dội.

Phía Nam sản xuất phim náo nhiệt tới mức, họ khan hiếm diễn viên, khan hiếm đạo diễn. Rất đông những đạo diễn phía Bắc được mời vào miền Nam làm phim với giá cát-sê hậu hĩnh. Đương nhiên, các đạo diễn phía Bắc háo hức vào Nam. Hầu hết trong số họ là đạo diễn của những hãng phim nhà nước như VFC, hãng phim truyện VN (nay là Công ty TNHH một thành viên phim truyện VN), hãng phim truyện I…

“Ngẫm thay, muôn sự tại… tiền?”

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là một trong số những đạo diễn thường xuyên được “miền Nam” mời vào làm phim. Anh vốn thuộc biên chế của công ty TNHH một thành viên phim truyện VN. Phim nhựa từng là thương hiệu của hãng phim truyện VN (xin được gọi bằng tên cũ). Nhưng, hàng chục năm trở lại đây, đạo diễn của hãng chỉ đến cơ quan ngồi uống nước trà và… “chém gió”. Tiền không có nghĩa là, phim không có. Các đạo diễn của điện ảnh buộc phải đi làm phim truyền hình vì… “cơm áo gạo tiền”.
 
“Phim phía Bắc đang suy kiệt”?
Bùi Tuấn Dũng chỉ đạo một cảnh quay với các diễn viên phía Nam

Không ít lần, Bùi Tuấn Dũng mang theo cả diễn viên ngoài Bắc vào Nam làm phim. Chia sẻ ý kiến về sự “bành trướng” của phim phía Nam, Bùi Tuấn Dũng cho biết “Thị phần phim điện ảnh hầu như là sân chơi của các hãng sản xuất phía Nam. Hãy ra rạp dịp lễ, Tết sẽ thấy rất rõ điều này. Ngoài Bắc, một vài bộ phim nhà nước không thèm định hướng thị trường chết yểu ngay trong ngày họp báo. Về phim truyền hình, một ngày ở TpHCM có khoảng 40-50 đoàn phim truyền hình làm việc, ở Hà Nội, con số này chắc chỉ có khoảng…5 đoàn”.

Theo Bùi Tuấn Dũng, bản thân anh cũng “choáng” trước lực lượng đông đảo các công ty tư nhân đổ xô đi làm phim ở phía Nam. Sự đông đảo, hùng hậu đã làm nên tính chuyên nghiệp cho đội ngũ… “thợ thuyền” của các dịch vụ làm phim phía Nam.

“Ở Sài Gòn, nếu đi quay sẽ phải dậy rất sớm để tránh kẹt xe. Tôi thường thức dậy lúc 5h sáng, 6h ra khỏi nhà và 7h tôi thấy mọi bộ phận đã sẵn sàng chờ tôi ở trường quay, tôi đến là bấm máy. Muốn vậy, họ phải đến trước tôi khoảng một tiếng. Khi quay phim ở Hà Nội, ngày đầu tôi bị sốc, trừ những diễn viên gạo cội, các bạn diễn viên trẻ tận 8-9h mới tới. Nghĩa là 10h mới có thể bấm máy. Sự thiếu chuyên nghiệp thường để lãng phí thời gian vào những việc không đáng có”- Bùi Tuấn Dũng cho biết.
 
“Phim phía Bắc đang suy kiệt”?
Long ruồi - một bộ phim giải trí thắng lớn về doanh thu năm 2011.
Phim cũng đoạt Cánh Diều Bạc tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng hôm 17/3.

Đại diện của một công ty sản xuất phim có tiếng chia sẻ với phóng viên Dân trí, họ có trụ sở ở cả TPHCM và Hà Nội. Tuy nhiên, hầu hết các dự án phim (kể cả phim truyền hình và phim truyện nhựa), công ty đều ưu tiên cho thị trường phía Nam. “Điều ấy rất dễ hiểu. Thị trường phía Nam là thị trường lớn hơn. Khán giả miền Nam có sở thích đi xem phim giải trí, trong khi khán giả phía Bắc rất… lười. Chưa kể, những dịch vụ làm phim, đội ngũ diễn viên… ở phía Nam cũng hùng hậu hơn”. Phước Sang- ông chủ của hãng phim Phước Sang cũng khẳng định quan điểm, “Để làm phim, thị trường phía Nam, khán giả phía Nam luôn là ưu tiên của các nhà đầu tư. Khi ai cũng muốn sinh lời cho đồng vốn bỏ ra, thị trường phim phía Nam sẽ là giải pháp an toàn”.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, sự “bành trướng” có làm nên thương hiệu cho phim truyền hình và phim điện ảnh phía Nam? Hay, sự “bành trướng” chỉ làm nên những ồn ào, nhạt thếch…?
 
“Phim phía Bắc đang suy kiệt”?
 
 
(Còn nữa)

 
Hiền Hương