Phim "Chạy án": Tôi không ám chỉ ai

Để giúp khán giả tìm hiểu thêm về “hậu trường”, đạo diễn Vũ Hồng Sơn đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn khá thú vị về quá trình làm phim và những khó khăn mà đoàn đã gặp phải.

Lâu lắm rồi mới lại thấy khán giả quan tâm đến phim hình sự Việt Nam đến thế. Dù chưa thật sự gây “chấn động” nhưng Chạy án (trong series phim truyền hình Cảnh sát hình sự đang phát sóng trên VTV1) cũng đã làm được cái việc như đạo diễn mong đợi là không để khán giả thờ ơ mãi với phim hình sự.

Chuyên án Mai Văn Dâu - có, nhưng ít

Series phim truyền hình “Cảnh sát hình sự” do anh làm đạo diễn lần này đang được khán giả đặc biệt theo dõi. Người ta đang rỉ tai nhau rằng phim đang mổ xẻ nội tình của chuyên án Mai Văn Dâu?

Chạy án là một câu chuyện được chúng tôi dựa trên rất nhiều các vụ án đã được khởi tố ở Việt Nam chứ không phải chỉ có vụ Mai Văn Dâu như mọi người vẫn nghĩ.

Không nói đến vụ án đó, cũng không chủ ý đề cập đến một “địa chỉ” cụ thể nào, vậy điều anh muốn nói đến trong “Chạy án” là gì?

Tôi muốn cho khán giả thấy ở Việt Nam hiện đang tồn tại một lối sống mà nhiều người còn chưa biết. Khi mức sống cao thì phát sinh nhiều loại tội phạm, trong đó tội phạm kinh tế là một trong những tội phạm nguy hiểm nhất. Loại tội phạm này không gây đổ máu nhưng lại làm cản trở sự phát triển của xã hội. Phim mới phát được vài tập đầu đã gây “sốc” với khá nhiều người. Họ cho là chúng tôi bốc phét, rằng làm phim ở nước ngoài chứ không phải ở Việt Nam, nhưng họ đâu có biết rằng chúng tôi mới chỉ nói đến một phần sự thật thôi. Bạn cứ thử vào những khu biệt thự đang mọc lên như nấm kiểu Linh Đàm ở Hà Nội mà xem, xây dựng như Tây, giá khoảng 8-9 tỉ nhưng toàn người Việt mình ở. Thậm chí có người xây xong để đấy, thuê người nhà trông coi chứ không ở. Căn nhà mà chúng tôi thuê làm nhà của thứ trưởng trong phim là một căn nhà bị để không đấy.

Khi bộ phim được phát sóng trên truyền hình, nhiều người xem phim là vì tò mò muốn biết đạo diễn thể hiện như thế nào về vụ Mai Văn Dâu, chứ không phải bị hấp dẫn thực sự?

Nếu như thế thì đến ngày hôm nay họ sẽ không xem phim của tôi nữa, vì những điều tôi nói đến không còn là chuyên án Mai Văn Dâu. Như hôm vừa rồi, nhiều người gọi điện đến Hãng để hỏi tại sao bộ phim không phát sóng như dự định, có phải vì phim “có vấn đề” nên phải dừng không!

Kinh phí thấp đến mức... kinh hoàng

Được biết khi làm phim  này anh đã gặp không ít khó khăn. Chẳng lẽ một đoàn làm phim của Nhà nước, được Bộ Công an hỗ trợ mà vẫn không được đối xử tốt hơn các đoàn làm phim khác?

Phim về cảnh sát hình sự nào cũng gặp những khó khăn và đến đâu chúng tôi cũng phải hạ mình để xin xỏ. Mỗi khi quay cảnh tội phạm, cảnh giết người trong nhà riêng là họ lập tức từ chối ngay. Không chỉ người dân mà ngay chính các cơ quan, công ty cũng thoái thác. Đó là một khó khăn cực kỳ lớn. Chính vì những cản trở đó mà đạo diễn thường phải lắp ghép cảnh này cảnh khác và người xem vẫn thường phê phán là phim hình sự Việt Nam giả quá. Thực chất, với điều kiện như thế, có muốn làm hay cũng không nổi. Không phải chúng tôi bao biện, nhưng kinh phí thấp quá, thấp đến mức kinh hoàng!

Kinh phí làm phim thấp từ lâu đã là “mẫu số chung” cho phim Việt Nam, nhưng với thể loại phim được đặt hàng hẳn hoi như “Cảnh sát hình sự” thì phải khá hơn chứ?

Chúng tôi được cấp kinh phí làm phim theo định mức, nghĩa là dù phim đó như thế nào thì cũng được cấp một số tiền như nhau: Nếu so với TPHCM khi làm phim về cảnh sát hình sự thì kinh phí phải gấp 3 lần. Chúng tôi chỉ có 12 triệu /tập phim để chi cho bối cảnh, đạo cụ, thuê nhà và tất cả những gì cần cho phim đều nằm trong con số 12 triệu đó. Nếu có cảnh quần chúng khoảng 100 người, mỗi người là 50.000 đ, không có ăn trưa, thì cũng đã mất non nửa số tiền ấy rồi.

Giả sử có nhiều tiền hơn, liệu anh có khắc phục được những “hạt sạn” trong phim không?

Nếu có nhiều tiền hơn, tôi tin rằng phim này sẽ còn hay hơn nữa, vì rất nhiều cảnh trong kịch bản chúng tôi tâm đắc, nhưng không thực hiện được.

Chẳng hạn... ?

Trong kịch bản có nhiều cảnh quay trong sòng bạc, cảnh các chiến sĩ công an vây bắt, nhưng không thực hiện được, vì chẳng có ông chủ nào đồng ý cho quay cảnh đó trong trụ sở của mình, nhất là trong sòng bạc. Vì thế, sòng bạc mà các bạn thấy trên phim chính là cảnh dựng ở hãng phim này. Hay cảnh đình công, thực tế cần hàng trăm, hàng nghìn người thì mới sinh động nhưng vì kinh phí nên chỉ mời được khoảng 50 ông ở “chợ người” đóng, chứ không dám mời diễn viên quần chúng, và cũng chỉ quay rất ngắn. Rồi những cảnh đuổi bằng ô tô trên đường phố, đòi hỏi phải có người đóng thế, phải căng đoạn đường dài mới quay được. Hay chỉ nói đơn giản là phục trang cho hoa hậu, lẽ ra phải có trang phục riêng, nhưng như thế thì cả đoàn nhịn đói.

Trong phim có nhiều cảnh các con bạc luôn dùng USD để chơi. Anh “đào” đâu ra lắm tiền thế?

Toàn tiền photo thôi. Trước đây các đạo diễn rất sợ phải huy động tiền USD, nhưng bây giờ có photo màu nên cũng đỡ, chỉ sờ vào mới biết là giả chứ nhìn thì khó biết. Bản thân tôi cũng có thể dùng sinh mạng của mình “thế chấp” với ngân hàng để vay tiền cho thật hơn, nhưng ai dám đảm bảo là nó sẽ nguyên vẹn trở về với tôi không thiếu một tờ trước hàng trăm người như thế. Tôi nói là có bằng chứng hẳn hoi. Phim có cảnh Hoa hậu Minh Phương “bo” cho một nhân viên sòng bạc tờ 50 USD, nhưng tiền photo toàn là tờ 100 USD. Một người dân đã chìa tờ 50 USD cứu nguy cho chúng tôi, nhưng khi quay xong, những người lo hậu trường cho chúng tôi cứ nghĩ là tiền giả nên đã ném hết vào thùng rác. Cả đoàn đi tìm, nhưng vẫn không thấy tờ 50 USD đâu cả.

Kịch bản: Vừa xem vừa viết

Phim đã mạnh dạn “đụng” đến những nhân vật mà cấp bậc của họ từ trước đến nay không ít đạo diễn “khoanh vùng” né tránh. Vậy sự mạnh dạn đó có gặp “đèn đỏ” không?

Cũng có nhiều người hỏi tôi câu đó. Nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta nói đến các hiện tượng trong xã hội với tính chất xây dựng, để làm trong sạch xã hội thì chẳng có “đèn đỏ” nào bật cả.

Từ kịch bản đến phim, đôi khi các đạo diễn phải thay đổi rất nhiều. Giữa anh và nhà báo Như Phong có những chuyện “việc anh anh viết, việc tôi cứ quay” không?

Anh Phong thường xuyên xuống để xem chúng tôi thực hiện ra sao để viết tiếp hoặc chỉnh sửa, thay đổi kịch bản cho phù hợp với nhân vật. Anh Phong đã từng tiếp cận với nhiều chuyên án và tiếp xúc với nhiều người trong các vụ án đó, nên rất hiểu về thế giới tội phạm. Các nhân vật trong phim nhờ thế được hiện lên thật hơn, lời thoại cũng sinh động hơn rất nhiều. Tuy nhiên, có những cảnh anh viết vẫn mang tính chất của báo chí và văn chương thì không thể thực hiện được bằng hình ảnh. Sự thay đổi là có nhưng tôi cố tránh để không lồng quan điểm, tư tưởng của cá nhân vào nhằm ám chỉ một cá nhân nào đó. Chúng tôi chỉ nói đến một hiện tượng trong xã hội để mỗi người tìm thấy cho mình một bài học, một ý nghĩa nhân sinh nào đó mà thôi.

Tôi tâm đắc với diễn viên nghiệp dư

Trong phim anh hài lòng với nhân vật nào nhất?

Có 4 nhân vật mà tôi rất hài lòng nhưng tâm đắc nhất ở phần 1 là vai Lâm. Đây là một diễn viên nghiệp dư. Anh ta mới qua đào tạo một lớp ngắn hạn (3 tháng) của Trung tâm sản xuất phim Truyền hình nhưng vẫn đảm đương tốt một vai mà tôi cho là khá nặng.

Cũng nhân nói về phân vai, nhiều người nhận xét vai thứ trưởng chưa lột tả được chiều sâu của nhân vật, chưa đúng với tầm cỡ so với đời thực.

Đây chính là chú ý của chúng tôi. Tại sao chúng ta cứ nghĩ, thứ, bộ trưởng phải là nhân vật có “tướng làm quan”. Ngoài vị trí công tác, họ cũng chỉ là những người bình thường mà thôi.

 “Cuộc chiến” nằm ở phần 2

Phim có tiêu đề là “Chạy án”, nhưng đi gần hết 22 tập phim mà tôi chưa thấy “án” nào được “chạy” cả.

Đây mới chỉ là phần 1, điều mà chúng tôi muốn hướng đến là phần 2 và sự dữ dội là nằm ở phần này. Phần 1 chỉ là sự dẫn dắt, là nguyên nhân dẫn đến mà thôi. Cuối phần 1 khán giả có cảm giác như phim đã đóng lại, các nhân vật có vẻ như ăn năn và cảnh hoa hậu Minh Phương đi xe máy chứ không phải ôtô tới thăm nuôi Lâm. Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu cho một cuộc chiến còn kinh khủng hơn, quyết liệt hơn, đó là chạy án.

Anh có thể bật mí một chút về phần 2?

Hiện chúng tôi vẫn đang nghe ngóng dư luận khán giả như thế nào. Kịch bản vẫn đang được hoàn thiện và sẽ bấm máy vào cuối năm hoặc đầu năm sau. Thành công của phần 2 chính là ở yếu tố bất ngờ. Sẽ không còn chuyện khán giả lắc đầu “phim Việt Nam chưa xem đã biết kết quả”. Vì thế, xin lỗi, tôi không thể tiết lộ được gì.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Theo Thanh Hà
Gia Đình & Xã hội