NTK Võ Việt Chung thiết kế trang phục cho phim của Hollywood?

“Tôi đang đàm phán với một nhà sản xuất phim Hollywood, một bộ phim về kinh kịch Trung Quốc do Chương Tử Di thủ vai chính để trở thành nhà thiết kế trang phục cho tác phẩm điện ảnh này”, nhà thiết kế đầu tiên nhận huy hiệu Unesco của Việt Nam tâm sự.

Đầu tiên, chúng ta hãy nói đến những cái mới của một gương mặt cũ và quen là anh?

 

Tôi đang hoàn chỉnh bộ sưu tập Phượng Sài Gòn để trình diễn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 18. Đang làm chiếc áo dài Hội trùng dương 9 tà, mỗi tà dài 100 m để được công nhận kỷ lục Guinness thế giới. Thực hiện 12 bộ áo dài cho ca sĩ hải ngoại Khánh Hà mặc trong liveshow của chị sắp tới đây. Đang đàm phán với một nhà sản xuất phim Hollywood, một bộ phim về kinh kịch Trung Quốc do Chương Tử Di thủ vai chính để trở thành nhà thiết kế trang phục cho tác phẩm điện ảnh này.

 

Anh có thể nói rõ hơn về cái mới liên quan đến kinh kịch và Chương Tử Di?

 

Phim này của Mỹ làm về Trung Quốc, dựa trên cuộc đời của một nhân vật có thật trong lịch sử tuồng cổ do Chương Tử Di thủ diễn. Một người có trách nhiệm tìm nhà thiết kế trang phục cho bộ phim này đã tình cờ xem được bộ sưu tập (BST) của tôi thiết kế cho cải lương (mà trang phục rất gần với tuồng cổ Trung Quốc) trên tạp chí Heritage.

 

Sau đó, họ vào trang web của tôi xem BST Hồn bướm mơ tiên tôi thiết kế trên cảm hứng về các nhân vật trong Liêu Trai chí dị, xem BST Cô Ba xứ Việt. Rồi thông qua một người bạn của tôi ở Hollywood, họ gửi mail liên hệ với tôi. Hiện họ đã chọn 3 nhà thiết kế đề cử: tôi, một người Trung Quốc và một người Nhật Bản. Nếu vượt qua cuộc "sát hạch" này và trở thành người được chọn, độ tháng 9, tháng 10 tới tôi sẽ qua Mỹ để ký kết hợp đồng.

 

Với sự am hiểu về văn hóa và trang phục kinh kịch, e là nhà thiết kế Trung Quốc và ngay cả Nhật Bản nữa cũng có ưu thế hơn anh. Anh dựa vào đâu để nuôi hy vọng mình sẽ là người "gạt đổ" được hai ứng cử viên kia?

 

Những gì đã làm cho tôi lòng tin vào khả năng của mình. Họ tìm đến tôi, một nhà thiết kế Việt Nam, trong một nền một nền thời trang nhỏ bé và sơ khai như thế này, chứng tỏ tôi đã gây được ấn tượng như thế nào với họ. Còn văn hóa và trang phục kinh kịch, tôi không nghĩ là mình không tìm hiểu và nắm bắt được nó. Chỉ cần tôi được chọn.

 

Anh từng mấy lần xây dựng và đổi nhãn hiệu kinh doanh, mở tiệm dẹp tiệm vài lần. Một biên tập viên nước ngoài sống và viết báo tại Việt Nam từng nói về tình trạng của anh: "thành công về mặt danh tiếng nhưng thất bại về mặt kinh doanh". Đấy là chuyện của vài năm trước. Còn tình hình hiện nay của anh thế nào?

 

Hiện nay kinh doanh rất tốt. Nhánh thời trang áo cưới tôi mới mở hơn một tháng nay hoàn toàn đi đúng hướng. Shop thời trang áo dài ở quận 1 khách đông. Khách giờ đã nhiều tiền, họ thích những cái người khác không có và không ngại chi tiền cho điều đó. Nói chung, người Việt giờ đã mặc đẹp hơn và giàu lên, đó là một tiền đề đáng mừng cho các nhà thiết kế và kinh doanh thời trang.

 

Khách hàng của anh, những người muốn mặc hàng đẹp, hàng độc và có nhiều tiền, họ là những ai?

 

Chủ yếu là dân kinh doanh thành công, Việt kiều về nước, nghệ sĩ hải ngoại, phu nhân của các chính khách Việt Nam nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đấy là khách hàng của dòng sản phẩm cao cấp. Tôi cũng có dòng sản phẩm phổ thông dành cho những người thu nhập trung bình nhưng vẫn muốn mặc đồ thiết kế của Võ Việt Chung.

 

Với một chiếc soire cưới thiết kế có giá thấp nhất là một nghìn rưỡi đô la, áo dài tính bằng nhiều triệu đồng, thiên hạ kêu là "đắt lè lưỡi". Nhưng rồi họ vẫn cứ tìm đến anh. Bí quyết đáng mơ ước ấy của anh nằm ở đâu?

 

Sau khi tu nghiệp ngành thời trang cao cấp ở Ý và Đan Mạch về, tôi đã thay đổi cách tư duy của mình. Câu hỏi đầu tiên của tôi luôn là: tôi làm là làm cho ai? Cho khách hàng, thì tìm hiểu tâm lý khách hàng trước. Tôi phải làm cho họ đến xem và dù cho tủ áo của họ đã đầy, nhưng họ vẫn cứ mở ví ra mua ngay lúc đó vì thích quá.

 

Một lý do nữa, nhiều nhà thiết kế của ta không đồng thời là nhà tạo mẫu. Nhà thiết kế đưa ra kiểu dáng nhưng nhà tạo mẫu mới là người thực hiện mẫu rập, phải cắt may được với những thông số may đo chính xác, chi tiết. Kết hợp hai "nhà" đó mới có một bộ trang phục mặc được. Tôi may mắn, trước khi là nhà thiết kế đã là nhà tạo mẫu và được học hành trường lớp bài bản.

 

Bây giờ anh đã là "đại gia" chưa?

 

Tôi không nghĩ đến việc mình có thành đại gia hay không. Tôi chỉ muốn làm được việc mình ưa thích mà không bị cản trở bởi tài chính. Tôi hạnh phúc vì mình đã lao động cật lực và mình có được thu nhập, tiếng tăm từ nó. Điều này quan trọng hơn hai từ "đại gia".

 

Thường những nhà thiết kế nam tài hoa trên thế giới đôi khi có những nét tính cách quái dị. Anh có vậy không?

 

Quái dị thì không đâu. Tôi ăn mặc và sinh hoạt không khác mấy mọi người. Chỉ có một điểm khá bất lợi cho sự nghiệp của tôi, ấy là tôi thẳng tính quá, làm mất lòng nhiều người, nhất là người mẫu và giới thiết kế trong nước. Nhưng tôi không sửa được vì vẫn muốn sống với con người thật của mình.

 

Có người bảo rằng anh được xuất hiện nhiều trong các show diễn thời trang lớn ở nước ngoài là vì anh có những mối "quan hệ mạnh" và biết tranh thủ tối đa những mối quan hệ đó. Có phần nào sự thật trong ấy không, thưa anh?

 

Những show tôi tham dự là những show tôi được mời đích danh, không thông qua tổ chức nào trong nước hết. Dĩ nhiên là người ta phải biết đến tôi thì người ta mới mời, mà thời trang của tôi phải như thế nào thì mới được mời tiếp chứ. Hồi xưa, cách nay hơn 10 năm, mới bước chân vào nghề, được giải thưởng này nọ thì cũng có hơi kiêu, xin thú thật vậy. Nhưng giờ hiểu rồi, biết ai là ai rồi. Giờ mà ai còn nghĩ tôi kiêu căng là họ "lạc hậu" đấy.

 

Vậy sao thấy anh rất "chịu khó" xuất hiện trên báo, cùng với người mẫu hoặc một mình, còn làm người mẫu thể hiện chính BST của mình nữa?

 

Đấy là sự hỗ trợ lẫn nhau giữa nhà thiết kế và báo chí. Mối quan hệ này cần thiết cho cả hai và tôi nghĩ mình không nên từ chối khi được đề nghị.

 

Anh giữ một mối quan hệ như thế nào với giới thiết kế trong nước, nhất là với những người cũng thiết kế áo dài như anh?

 

Tôi không có thời gian để đàn đúm. Không có bạn là thiết kế trong nước vì họ không "kết nạp" tôi.

 

Chúng ta quay lại với BST Phượng Sài Gòn trình diễn trong DDVN 18. Anh thuyết minh một chút về BST áo dài này đi?

 

Tôi lấy tên nhân vật nữ chính trong bộ phim Người Mỹ trầm lặng để đặt tên cho BST áo dài biến tấu này; BST có 20 bộ, tất cả nói lên một thông điệp chung: người phụ nữ trong thời kỳ Sài Gòn bị tạm chiếm đó rất đẹp và bị Tây hóa. Bởi vậy, nhìn vào trang phục thôi sẽ thấy ngay hình ảnh của phụ nữ Việt Nam thời kỳ này, vẫn rất Việt Nam nhưng trong cách phục sức, trang điểm đã có nét văn hóa phương Tây xâm nhập.

 

Áo dài tôi làm trên chất liệu lụa, voan và hoa văn là hoa văn hippi của thời đó, tất cả quần cũng ống túm hippi. Hoa trên áo dài là hoa kết tay, hoa phượng, hoa lan, trà mi. Một điểm đặc biệt nữa, trong BST này, dù làm để trình diễn, nhưng tôi đã chủ tâm thiết kế sao cho vẫn có thể mặc được trong đời thường. Hiện tôi đã hoàn tất được 10 bộ, đang làm tiếp 10 bộ còn lại.

 

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

 

Vài nét về Võ Việt Chung

 

1994: Lần đầu tiên giới thiệu nhãn hiệu Chung Fashion.

 

1997: Tham dự cuộc thi thiết kế thời trang Makuhari tại Nhật Bản vào chung kết và được bình chọn là nhà tạo mẫu xuất sắc (excellent designer).

 

2000: Tốt nghiệp khoa Thiết kế thời trang Ta Fe Sa do Viện Thiết kế thời trang Úc đào tạo.

 

4/2000: Mở rộng kinh doanh với nhãn hiệu Asia Collection.

 

2001-2002: Tu nghiệp ngành thời trang cao cấp tại Ý và Đan Mạch do Hiệp hội Thời trang châu Âu tổ chức (Euroupe Fashion Federation).

 

9/2002: Khôi phục lại loại vải lãnh Mỹ A, một chất liệu đã thất truyền và có cách đây hơn nửa thế kỷ.

 

1/2003: Đoạt giải thưởng Trang phục đẹp nhất trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam.

 

3/2003: Giới thiệu BST trên chất liệu lụa Tân Châu, một loại vải vừa được hồi phục và phát triển.

 

11/2003: Làm liveshow Võ Việt Chung Mơ về châu Á.

 

12/2005: Nhận giả Mai vàng của Báo Người Lao Động.

 

7/2006: Được Unesco trao huy hiệu và bằng khen "Nhà thiết kế có công khôi phục và phát triển chất liệu lãnh Mỹ A".

 

12/2006: Nhận giải Mai vàng lần thứ 2.

 

8/2007: Một trong 4 nhà thiết kế áo dài tham dự Duyên Dáng Việt Nam 18.

 

Theo Viễn Dương

Thanh Niên Tuần San