NSND Lê Hùng: “Việc hợp nhất không ảnh hưởng tới những nhà hát nhỏ!”

(Dân trí) - Việc thành lập nhà hát kịch Quốc gia VN trên cơ sở hợp nhất hai nhà hát (nhà hát Tuổi trẻ và nhà hát kịch VN) làm ấm lòng những ai muốn chấn hưng sân khấu. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, những nhà hát nhỏ lẻ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Theo Quyết định số 1153- QĐ/BVHTTDL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ký ngày 27/3/2012, nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai nhà hát: Nhà hát Tuổi trẻ và nhà hát Kịch Việt Nam. Mô hình hoạt động của nhà hát kịch Quốc gia VN sẽ gồm có 3 nhà hát với ba mục đích, nhiệm vụ khác nhau: nhà hát kịch Việt Nam đảm nhận những vở kịch kinh điển, nhà hát kịch Tuổi trẻ dựng hài kịch và kịch đương đại, cộng thêm nhà hát kịch Nhi đồng sẽ dựng nhiều thể loại với kịch dành cho khán giả nhỏ tuổi.
 
NSND Lê Hùng: “Việc hợp nhất không ảnh hưởng tới những nhà hát nhỏ!”
Sân khấu kịch nói sẽ hưng thịnh trở lại? 
 
Trong tương lai, Bộ VHTTDL sẽ dành nhiều đầu tư cho nhà hát kịch Quốc gia VN. Bộ sẽ đặt hàng nhiều vở diễn, sẽ hỗ trợ kinh phí bù lỗ cho những vở kịch kinh điển… Và trước mắt, một dự án xây dựng nhà hát với quy mô tầm cỡ rộng 7000 m2 ở Mỹ Đình đã được phê duyệt. Việc hợp nhất hai nhà hát cho ra đời “tập đoàn” kịch nói Quốc gia khiến nhiều người đang nghĩ đến một tương lại sán lạn của sân khấu. 

Mười năm trở lại đây, sân khấu kịch phía Bắc rơi vào khó khăn, ế ẩm. Xếp riêng những đoàn kịch mang tính “đặc thù” như đoàn kịch Công an, đoàn kịch Quân đội… Ở Hà Nội, có ba nhà hát đã “vật vã” chống đỡ với hơn 10 năm sân khấu kịch nói bị thất sủng là nhà hát Tuổi trẻ, nhà hát kịch Hà Nội và nhà hát kịch Việt Nam.

Liệu việc hợp nhất 2 nhà hát để thành lập nhà hát kịch Quốc gia VN với sự đầu tư, hỗ trợ đắc lực từ nhà nước liệu có hay không sự ảnh hưởng nhất định tới những nhà hát nhỏ lẻ còn lại, trong đó điển hình là nhà hát kịch Hà Nội?

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn - NSND Lê Hùng, ông được bổ nhiệm là Giám đốc nhà hát kịch Quốc gia VN.
 
NSND Lê Hùng: “Việc hợp nhất không ảnh hưởng tới những nhà hát nhỏ!”
Đạo diễn - NSND Lê Hùng

Việc thành lập nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam trên cơ sở hợp nhất hai nhà hát, nhà hát Tuổi trẻ và nhà hát kịch Việt Nam sẽ mang lại sự thay đổi như thế nào với tương lai chung của sân khấu phía Bắc, theo anh?

Trên thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng, hầu hết các nước đều có nhà hát tầm cỡ quốc gia. Ở Trung Quốc, Nhật bản, Singapore… Họ đều có nhà hát quốc gia. Tại sao chúng ta lại không?

Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam cứ tạm hình dung sẽ không chỉ trực thuộc Bộ nữa, sẽ trực thuộc nhà nước, do nhà nước quản lý và hỗ trợ. Nhà hát kịch Quốc gia VN với tầm cỡ quốc gia sẽ sánh với sân khấu thế giới bằng những tác phẩm chất lượng. Tương lai, chúng tôi sẽ ra nhập liên minh sân khấu châu Á.

Chúng tôi sẽ hoạt động với 3 nhà hát với ba nhiệm vụ khác nhau, nhà hát kịch Việt Nam chịu trách nhiệm dàn dựng những vở kịch kinh điển, hàn lâm. Nhà hát Tuổi trẻ dựng kịch đương đại và hài kịch. Nhà hát kịch Nhi đồng tách ra từ nhà hát Tuổi trẻ sẽ dựng nhiều thể loại khác nhau liên quan đến kịch để phục vụ khán giả nhí.

Chúng tôi cũng sẽ mở lớp đào tạo diễn viên cho các nhà hát kịch và các nhà hát địa phương. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có thêm các xưởng mỹ thuật… Chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ Bộ VHTTDL và nhà nước. 

Hơn 10 năm nay sân khấu rơi vào khó khăn. Bản thân đạo diễn Lê Hùng khi được bổ nhiệm là Giám đốc của cả hai nhà hát cũng không mang lại sự thay đổi cơ bản về việc bán vé với nhà hát kịch Việt Nam. Anh lấy gì để “đánh cược” rằng, việc thành lập Nhà hát kịch Quốc Gia VN sẽ mang đến một sức sống mới cho sân khấu phía Bắc?

Khi được đầu tư, được đặt hàng, chúng tôi sẽ có những buổi diễn định kỳ. Chúng tôi sẽ đầu tư để khôi phục lại sự hưng thịnh của sân khấu. Tất cả đang được triển khai và tất cả chỉ mới bắt đầu, nói gì bây giờ cũng khó.

Tôi chỉ lấy ví dụ, nếu như trước đây, mỗi năm Bộ chỉ đầu tư cho mỗi nhà hát dựng 2 vở. Bây giờ, chúng tôi sẽ dựng 10 vở. Xuất diễn nhiều hơn, kịch mục đa dạng phong phú hơn… Khán giả sẽ đến với sân khấu nhiều hơn.
 
NSND Lê Hùng: “Việc hợp nhất không ảnh hưởng tới những nhà hát nhỏ!”
Nhà hát kịch Việt Nam từng có "thương hiệu" với những vở kịch kinh điển
như Hồn Trương Ba da hàng thịt...

Đã từng có thời, nhà nước nhận ra rằng, việc đầu tư cho nghệ thuật thật tốn kém. Nhà nước bỏ tiền “nuôi” các hãng phim, các nhà hát, và những bộ phim, những vở diễn được đầu tư rất khó để bán vé… Mỗi năm nhà nước đầu tư cho nhà hát kịch Quốc gia VN tiền để dựng 10 vở diễn, nếu các anh không bán được vé, nghĩa là việc hợp nhất nhà hát chỉ là câu chuyện… “bình mới rượu cũ”?

Khán giả chúng ta vốn chưa quen với kịch kinh điển. Chính vì thế, sân khấu lại càng phải dựng nhiều vở diễn hàn lâm để khán giả xem nhiều và quen hơn. Ví dụ như nhạc giao hưởng, môn nghệ thuật ấy cũng rất kén khán giả. Nhưng chẳng lẽ, vì không bán được vé, nhà nước lại bỏ luôn bộ môn nghệ thuật quan trọng ấy đi?

Cũng như thế, sân khấu gặp những khó khăn như nhạc giao hưởng. Để thay đổi thói quen của người xem, chúng ta phải đầu tư, phải dựng vở, phải tuyên truyền quảng bá.

Nhà nước sẽ hỗ trợ chúng tôi. Cộng thêm những nỗ lực, cố gắng và tài năng của các nghệ sỹ, tôi tin rằng, tương lai sẽ khác. Sự thật, những năm gần đây, việc bán vé ở cả hai nhà hát đã tốt hơn.

Thế giới đã mời chúng tôi đến nước họ biểu diễn những vở như Macbeth, Nhà búp bê… Chúng tôi đã và sẽ còn đưa những vở kịch kinh điển đến với thế giới. Và dần dần, khán giả mình cũng sẽ quen và yêu nghệ thuật sân khấu.
 
NSND Lê Hùng: “Việc hợp nhất không ảnh hưởng tới những nhà hát nhỏ!”


Việc chấn hưng được sân khấu hay không, có lẽ phải đợi thời gian trả lời. Nhưng, có một việc trước mắt có thể nhận thấy, khi nhà hát kịch Quốc gia VN được thành lập, các anh được nhà nước đầu tư, hỗ trợ, được bù lỗ, được dựng vở, được xây nhà hát tầm cỡ… Vậy theo anh, có hay không sự ảnh hưởng nhất định tới những nhà hát nhỏ lẻ như nhà hát kịch Hà Nội chẳng hạn?

Tôi không nghĩ đến sự ảnh hưởng. Tôi nghĩ, khi chúng tôi mạnh lên, chúng tôi có thể giúp đỡ những nhà hát khác. Ví dụ việc tập huấn diễn viên cho các đoàn kịch chẳng hạn.

Mỗi nhà hát sẽ có khán giả riêng. Điều quan trọng là làm thế nào để khán giả đến với sân khấu nhiều hơn bằng những tác phẩm chất lượng.

Rõ ràng, khi các anh cho nhà hát to đẹp, có tiền dựng vở hoành tráng, có kịch mục đa dạng phong phú… khán giả sẽ đến với các anh. Những nhà hát nhỏ lẻ sẽ bán vé như thế nào…?

Đó là phần việc của họ.


NSND Lê Hùng: “Việc hợp nhất không ảnh hưởng tới những nhà hát nhỏ!”
Cảnh trong vở Lời nguyền

 
Hiền Hương