Nhạc Việt xuất ngoại có khó?

Gần đây, một số ca sĩ nhận lời mời của các hãng nước ngoài qua nước sở tại làm album, nhưng sau đó, tình trạng phát hành vẫn là “quay về ao ta”.

Nếu có phát hành sang Nhật, Hàn Quốc hay thậm chí sang Mỹ, đĩa của các ca sĩ đó chỉ vẫn là …đĩa không chính thức, hoặc phát hành chủ yếu qua mạng. Nhiều ca sĩ bán được đĩa giá cao, vì trong những chuyến lưu diễn, đặc biệt sang Mỹ, thường đích thân mang đĩa của mình sang chào bán tận nơi.

Vừa qua, nhạc sĩ Đức Trí, và ca sĩ Hồ Ngọc Hà vừa khảo sát thị trường ở Mỹ về. Anh cho cho biết: Nhạc Việt bán ở Mỹ bằng những con đường không chính thống, chứ chưa có nhà sản xuất nào chú ý đến thị trường ở Mỹ.

Hệ thống phân phối của Mỹ như media vission thường là những kênh phát hành trên mạng, MP3, ringtone (nhạc điện thoại), chứ rất ít bán đĩa.

Vừa rồi, hệ thống bán đĩa lớn nhất của Mỹ bị phá sản, chuyển sang kinh doanh MP3. Đức Trí cũng vừa ký hợp đồng giữa Mfaces (tên công ty của anh) với các công ty Mỹ, cùng 27 nhà phân phối bán nhạc trên mạng, trước mắt để phát hành CD “Muốn nói với anh” của Hồ Ngọc Hà.

Thực tế, Đức Trí nhấn mạnh: Đĩa VN bán sang Mỹ thường là đĩa lậu, chủ yếu người Việt mang qua bán, giá chỉ 1-2USD. Việc bán đĩa qua mạng không khó như nhiều người vẫn nghĩ, thậm chí, dễ bất ngờ.

Hiện nay, đã có Quốc Bảo, Trần Mạnh Tuấn thực hiện bán nhạc qua mạng. Có những hãng khác khó tính hơn, họ chỉ ký hợp đồng với các hãng sản xuất với đề nghị xem trước bản copy và phải chứng minh được bản quyền của mình.

Giá bán qua mạng cũng 12USD/CD, có khi khuyến mãi còn 8USD. Mức giá này quá cao so với giá người Việt mang sang Mỹ bán, nên ít ai mua. Chỉ trừ những ai thích nghe đĩa gốc, ở nhiều nước trên thế giới (NaUy, Phần Lan) có thể có nhu cầu này.

Thị trường âm nhạc VN dù đang sôi động, nhưng nhìn chung đã đầu tư vào CD thường từ huề đến lỗ. Đối với thị trường khổng lồ ở Mỹ cũng vậy. Theo Tạp chí Paris Match, số CD bán ra giảm 60-70% so với năm trước. CD hot nhất cũng chỉ đạt con số 400.000 bản.

Làm sao để bán CD ở nước ngoài, trong tình trạng khó khăn chung như vậy? Nhiều người cho rằng liệu đã đến lúc ca sĩ trong nước hát tiếng Anh hay chưa? Vì nếu chỉ hát tiếng Việt, CD của họ cũng chỉ được cộng đồng Việt kiều trên thế giới mua mà thôi.

Một số ca sĩ như Mỹ Tâm đã chọn cách hát tiếng Hàn trong một số bài hát. Nhưng theo Mỹ Linh, hay Hồ Ngọc Hà, khó ai hát tiếng Việt hay bằng người mình, mà cũng khó có người Việt nào hát tiếng Anh hay bằng người nước họ. Chính vì thế, giải pháp tiếng Việt phụ đề cũng khá khả quan.

Hiện nay, một số hãng muốn đầu tư vào ca sĩ số 1 VN, họ thường chọn Mỹ Tâm hay Mỹ Linh. Nhưng nhìn chung, sự chọn lựa ấy chỉ là cơn gió nhất thời trong làn sóng giao lưu, bởi thực chất, tự thân những ca sĩ của ta vẫn khó vươn ra thị trường thế giới nếu không có những video clip phim nhựa tốn kém và đạt chất lượng quốc tế. Nhiều người cho rằng, có không ít ca sĩ đi ra nước ngoài như một mục đích làm sang hình ảnh của mình, cuối cùng rồi cũng chỉ về “tắm ao ta” mà thôi.

Theo Minh Thi
Lao Động