Nhạc sĩ Thuận Yến: "Con dại cái mang"

Người cha này có một tình yêu thương con vô bờ bến. Trong căn nhà nhỏ của mình, ông vẫn giữ gần như nguyên vẹn những đồ vật dù nhỏ nhất của cô con gái Thanh Lam.

Mỗi bài báo về con gái, từ những trang giấy báo đen nhỏ xíu cho đến những trang báo lộng lẫy in màu thời hiện đại, đều được ông cất trong một cuốn sổ bọc nilon, như những kỷ vật. Mỗi bước đi của con đều có sự dõi theo của ông. Mỗi vấp ngã của con đều làm ông lo lắng.

Con gái gần bước vào ngưỡng tuổi 40, ông vẫn chưa thực sự yên lòng về con, nỗi lo của một người cha khi nhìn thấy trước những biến động có thể xảy đến với một người nghệ sĩ tài sắc nhưng đa đoan…

Có phải ông là người hướng các con vào con đường nghệ thuật? Hay trong môi trường ấy, các con ông đã tự lớn lên cùng với âm nhạc?

Chúng sinh ra trong một gia đình âm nhạc và bắt đầu những bước đi đầu tiên trong đời bằng tiếng đàn của mẹ và những bản nhạc của cha, nên nghệ thuật như một sự tất nhiên mà thôi. Tôi  không hướng cũng chẳng ép.

Tôi nhớ, 3 tuổi, Lam theo tôi trên đường sơ tán. Ngồi vắt vẻo trên cây đàn, tôi đánh nốt nào, Lam đọc được nốt đó. Tôi nghĩ đó là thiên bẩm. Rồi chúng tôi cho cháu học đàn tì bà, chuyên ngành âm nhạc dân tộc như mẹ.

Vậy mà cuối cùng Thanh Lam lại nổi tiếng bằng nghề hát. Kể như một định mệnh…

Khi tôi xin chuyển cho Lam từ khoa Âm nhạc dân tộc sang Khoa Thanh nhạc, Ban Giám đốc Nhạc viện Hà Nội đã có một yêu cầu khắc nghiệt, nếu một năm mà Lam không hát được thì Lam sẽ phải thôi học, không được trở lại khoa nhạc dân tộc học nữa.

Các cô giáo ngần ngại trước chất giọng khàn và họ không nghĩ Lam có thể hát được. Nhưng tôi tin Lam sẽ thành công. Và khi Lam thành công tại Cuba, tôi đã chia làm ba lẵng hoa của Đại sứ quán gửi tặng gia đình, mang tới cảm ơn những người đã tin tưởng và tạo điều kiện cho Lam. Từ đó, ít ai nhớ Lam “tì bà” nữa, chỉ biết đến một Lam nhạc nhẹ mà thôi.

Ông từng nói ở đâu đó, Lam là một cô gái cá tính và có chút bướng bỉnh. Vậy có khi nào ông phải dùng đến đòn roi với con không?

Không. Lam là một đứa bướng bỉnh trong nghệ thuật, còn đời riêng vẫn là đứa biết nghe lời. Ngày bé xíu, Lam cần mẫn xếp hàng gánh nước cho cả nhà dùng. Cháu đi học cũng đi bộ, cuộc sống khó khăn, nhà xa mà không có nổi chiếc xe cho con.

Tôi nhớ có lần Lam đi học về, qua khu Khâm Thiên bị một người phụ nữ dụ vào nhà, lột hết quần áo, rồi còn bị lạc đường, đến tối mới về đến nhà. Tôi không dám mắng Lam vì đó là một nỗi ám ảnh quá lớn với một đứa con gái nhỏ. Từ đấy tôi cũng hiểu, Lam bản năng tin người và thẳng thắn. Cái bản tính đó đã bộc lộ rất rõ về sau này, mà không phải khi nào cũng có lợi cho Lam.

Những đứa con lớn lên trong gia đình, ngoài sự hiếu đễ và lòng biết ơn đấng sinh thành, vẫn lẩn quất trong tâm trí là sự hờn trách, những hờn trách vụn vặt nào đó. Có khi nào Lam bộc lộ với ông về điều đó?

Có. Lam có một sự trách móc, đó là ngày bé bố mẹ bắt gánh nước quá nhiều, nên giờ vai nó hơi… gù (cười). Còn những điều khác, tôi chưa nghe ai nói. Lam thì càng không bao giờ nói. Tôi luôn nghĩ Lam là một đứa con ngoan.

Còn ông, trước những sai lầm của con gái, ông có khi nào giận con?

Làm cha mẹ, con dại cái mang, nó lớn đến đâu mình cũng chưa hết trách nhiệm được với nó. Lam có nhiều sóng gió trong chuyện đời riêng, nhưng tôi thương Lam chứ không nỡ trách. Tử vi nói, tuổi Kỷ Dậu là vất vả, Lam lấy chồng, sinh con từ tuổi 19, rồi hôn nhân tan vỡ rất nhanh.

Lam mang con về nhà bố mẹ, cháu ở với chúng tôi đến giờ. Cháu 17 tuổi rồi, chúng tôi đang nghĩ đến tương lai cho cháu, làm sao cháu yêu được người đàn ông tử tế, có văn hoá để đỡ vất vả một đời. Còn hai đứa con Lam có với Quốc Trung giờ ở với bố và ông bà nội. Tôi không giận mà thương con nhiều hơn.

Nhưng ông có cả nghĩ quá không, khi mà con gái ông đã thành đạt và chẳng mấy năm nữa có thể đã trở thành… bà ngoại?

Tôi tự hào về Lam và cả Trí Minh. Minh thì không phải lo gì, cháu đã thực sự là một trụ cột tốt. Nhưng Lam là con gái, mà nổi tiếng lại hay dính điều tiếng, không lo không được. Lam rộng rãi, chi tiêu mạnh tay, thuê nhà rộng, sửa sang theo ý mình. Nhưng giờ thì chủ nhà người ta cứ tăng giá hoài, mới tính chuyện phải xây nhà.

Minh đang lo xây nhà cho chị trên phía sông Hồng. Có nhà rồi thì cũng yên tâm một phần. Nhưng còn gia đình nữa chứ, làm sao lại cứ ở mãi như vậy được. Kiếm được người chồng tử tế mà hiểu nghề của vợ khó lắm.

Trước cũng có một người, theo Lam đi diễn, ghi chép tỉ mỉ từng show cho Lam, nhưng rồi về sau công việc của anh ấy quá bận rộn, muốn Lam nghỉ hát ở nhà. Làm sao một ca sĩ lại chịu nổi chuyện ngừng hát? Vậy là chia tay nhau. Thế nên, nhìn con đi sớm về khuya một mình, tôi vẫn cứ thấy lo, dù Lam đã đủ sức để chu cấp cho cả bố mẹ rồi.

Nhiều lời đồn về sự kết tình ngoài âm nhạc giữa Thanh Lam và nhạc sĩ Lê Minh Sơn, làm người cha ông có thấy lo lắng?

Sơn thi thoảng cũng ghé đây chơi, cậu ấy có gia đình và những đứa con ngoan, có thể nói đó là gia đình hạnh phúc. Lam hơn Sơn khá nhiều tuổi, sự kết hợp trong âm nhạc là chắc chắn, còn chuyện tình cảm tôi nghĩ là không như những lời đồn đại.

Có thể nói chuyện đời riêng, chuyện công việc đã khiến Thanh Lam không có nhiều thời gian lo cho cô con gái đầu. Ông có trách Lam về chuyện này không? Bởi vì thực tình thì sự thiệt thòi luôn thuộc về những cô gái không có được sự nâng niu chỉ dạy bởi đôi bàn tay mẹ…

Không ai chọn được hoàn cảnh nào khi chào đời cả. Chúng ta mỗi người có một số phận và không nên hờn trách số phận đã không cho mình may mắn. Lam không sống chung nhà với con gái, nhưng mỗi khi mẹ đi diễn về các con đều đến ở với mẹ.

Con gái lớn của Lam đang học khoa lý luận âm nhạc của Nhạc viện, cháu không thuộc bài của mẹ và cũng không thích hát. Nhưng cháu là một trợ lý đắc lực cho mẹ. Ai mời show thì cháu nhận và ghi chép cẩn thận, ai nợ tiền của mẹ thì cháu là người đi đòi.

Tôi nghĩ cháu hiểu và thương mẹ. Phải nhìn vào từng hoàn cảnh mới thấu hiểu được, không có mẫu số chung cho mọi cuộc đời.

Xin cảm ơn ông!

Theo Toàn Nguyễn
An ninh Thế giới