Nhà hát Lớn Hà Nội: Biểu tượng của niềm tự hào

(Dân trí) - Sáng nay, 9/12 tại Hà Nội diễn ra lễ kỷ niệm Nhà hát Lớn tròn một thế kỷ. 100 năm tồn tại giữa lòng Hà Nội, Nhà hát Lớn vừa là biểu tượng văn hóa, vừa là nhân chứng của một giai đoạn lịch sử hào hùng.

Chương trình kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra sáng 9/12 với các tiết mục nghệ thuật mang đậm dấu ấn Hà Nội. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cho rằng, 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội là dịp khẳng định niềm tự hào, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung trong việc coi trọng, ý thức gìn giữ và phát huy giá trị công trình văn hóa, kiến trúc, đặc biệt trong quá trình Việt Nam hội nhập với thế giới.
 
Nhà hát Lớn Hà Nội: Biểu tượng của niềm tự hào - 1

Nhà hát Lớn Hà Nội - Biểu tượng của niềm tự hào đã trải qua 100 năm lịch sử, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc

Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhì cho tập thể Ban Quản lý Nhà hát Lớn và Huân chương Lao động Hạng Nhất cho ông Hoàng Xuân Nam - Giám đốc Nhà hát Lớn. Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng tháng Tám cho Ban giám đốc Nhà hát Lớn.

Nhà hát Lớn Hà Nội được khởi công xây dựng vào ngày 07/6/1901, hoàn thành năm 1911, được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp là Broyer và Harlay, phụ trách thi công chính là Travary và Savelon. Toà nhà này nằm trên một mảnh đất có hình thế đặc biệt, được bao quanh bởi một khu vườn. Sự sắp xếp theo đường chéo của những con phố xung quanh đã tôn lên vị trí nổi bật của Nhà hát Lớn. Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình kiến trúc đẹp bậc nhất Đông Nam Á.

Với hành trình qua 100 năm lịch sử, công trình này đã trở thành niềm tự hào của người Hà Nội cũng như tất cả mọi người dân Việt Nam. Nhà hát cũng là nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 17/8/1945, cán bộ Việt Minh lên chiếm diễn đàn trước sự ngơ ngác bất lực của lực lượng cảnh sát, lính bảo an của chính quyền bù nhìn thân Nhật tại quảng trường trước Nhà hát.

Những bức ảnh lịch sử vẫn còn lưu giữ hình ảnh, ngày hôm đó, một lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn được buông từ tầng gác Nhà hát Lớn xuống. Sau đó hai ngày, cả Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng, tại quảng trường Nhà hát Lớn, cuộc mít-tinh khổng lồ của gần 20 vạn người thể hiện sức mạnh của quân đội Việt Minh hướng tới ngày Độc lập.
 
Nhà hát Lớn Hà Nội: Biểu tượng của niềm tự hào - 2

Tiết mục biểu diễn trong chương trình kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra sáng 9/12 (Ảnh: N.Thành)

Vượt qua giá trị của một công trình kiến trúc nghệ thuật hoành tráng, nơi đây đã gắn giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong thời đại mới. Trong những năm bao cấp, Nhà hát Lớn đã là cái nôi nuôi dưỡng tất cả các loại hình nghệ thuật của Việt Nam, từ kịch nói, chèo, tuồng, đế ca nhạc, múa, giao hưởng… Ngày nay, các chương trình nghệ thuật nếu được biểu diễn ở Nhà hát Lớn sẽ luôn được các nghệ sỹ và công chúng công nhận về “đẳng cấp”.

Tháng 11 vừa qua, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

N.H