“Người thơ” cuối cùng của Thi nhân Việt Nam đã ra đi

Sau sự ra đi của nhà thơ Tế Hanh vào năm 2009, người yêu thơ bỗng giật mình bởi chứng nhân của phong trào Thơ mới chỉ còn lại Xuân Tâm. Nhưng ngày 4/2 vừa qua, “người thơ” cuối cùng ấy đã ra đi mãi mãi.

Sinh thời, ông được Hoài Thanh - Hoài Chân giới thiệu trong cuốn Thi nhân Việt Nam khi còn khá trẻ với tập thơ đầu tay Lời tim non. Trong suốt cuộc đời mình, nhà thơ Xuân Tâm đã dành hết tâm huyết cho công việc. Thời kháng chiến chống Pháp, ông giữ chức GĐ Sở Ngân khố liên khu V.

 

Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Công việc gắn liền với những con số có vẻ khô khan nên hễ có khoảng thời gian rảnh, ông lại dành hết cho thơ... Nhà thơ Xuân Tâm sinh năm 1916 tại Quảng Nam, tên thật là Phan Hạp.
 
“Người thơ” cuối cùng của Thi nhân Việt Nam đã ra đi  - 1
Nhà thơ Xuân Tâm

 

Ông có 5 người con trong đó người con trai đầu là nhà báo liệt sĩ Phan Hoài Nam, phóng viên chiến trường của TTXVN. Theo như lời ông kể, trong số những người con của ông, chẳng ai theo văn chương cả, chỉ có liệt sĩ Phan Hoài Nam là người con hợp ông nhất vì từng viết văn xuôi, có thể “nối nghiệp văn chương” của cha...

 

Lễ viếng nhà thơ Xuân Tâm bắt đầu từ 14h hôm nay (8/2) tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

 

Mẹ Tôi

(trích)

 

Mẹ tôi mảnh dẻ thấp người

Từng nghèo mà vẫn nụ cười trên môi.   

Suốt đời vất vả ngược xuôi,

Nuôi năm con được nên người lớn khôn.

Từ bình minh đến hoàng hôn,

Ngày ngày cực nhọc đâu còn nghỉ ngơi.

Mưa dầm thấm ướt áo tơi,

Rét run thấm cả vào người Mẹ tôi.

Giờ đây nhớ lại bồi hồi

Nhớ trời xứ Huế, nhớ thời xa xưa.

    ...

    (Hoa cuối mùa, 1989)

 

Theo Thể thao Văn hóa