Người mẫu Tống Bạch Thủy: "Tôi không chấp nhận việc trả giá"

Cao 1m73, mảnh mai, quần jeans, áo pull, gương mặt trang điểm nhẹ, mắt tròn, da nâu, tất cả toát lên một vẻ u buồn nhẫn nại, đậm chất Á Đông. Ngắm nhìn Thủy, người ta không nghĩ cô thuộc về thế giới người mẫu vốn đầy hào quang nhưng cũng lắm tai tiếng.

Chị có chạnh lòng khi tốt nghiệp hệ diễn viên chính quy, nhưng lại được biết tới là người mẫu nhiều hơn?

 

Đôi lúc tôi cũng chạnh lòng, nhưng thấy đó là lẽ thường tình vì tôi được biết nhiều trong nghề người mẫu, đi diễn thời trang ở nhiều nơi trên thế giới, nên dành ít thời gian cho kịch và điện ảnh. Nhưng dù làm gì thì tôi cũng khẳng định được bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, thời gian tới, chắc tôi phải lựa chọn hoặc là thời trang hoặc là sân khấu, điện ảnh. Năm 2002, tôi tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh, mãi tới năm 2006 mới tham gia sân khấu kịch, còn chủ yếu diễn thời trang. Năm 2006, tôi cũng mới bắt đầu chuyển sang đóng phim, diễn kịch. Bên thời trang, tôi cũng chọn lọc show lớn.

 

Phải chăng chiều cao 1m73 của chị là điểm mạnh trên sàn diễn thời trang nhưng lại là điểm bất lợi trên sân khấu, điện ảnh vì diễn viên nam Việt Nam ít có người cao?

 

Vâng, đó cũng là điểm bất lợi của tôi bên sân khấu kịch, điện ảnh, nên mỗi khi tham gia tôi cũng thường hỏi đạo diễn có diễn viên nam nào đóng cùng, xem có cao hơn tôi không.

 

Có nhiều người đẹp chinh chiến qua bao cuộc thi sắc đẹp để tìm kiếm danh hiệu nhằm lên đẳng cấp và nhận cát-sê cao hơn. Nhưng sao chị chỉ tham gia mỗi cuộc thi diễn viên triển vọng năm 2006 và dừng lại, khi mình hoàn toàn có khả năng giành vị trí cao hơn?

 

(Cười) Thực ra do tôi không tự tin lắm trước mỗi cuộc thi sắc đẹp và cũng đã quá tuổi rồi. Nếu nói là cần danh hiệu thì tôi đã có giải thưởng cao nhất trong một cuộc thi. Nhưng để có vị trí trên sàn diễn và cát-sê cao hơn thì phải do năng lực và sự phấn đấu bền bỉ của mình. Thực tế, có nhiều người nhận giải Nhất nhưng lại không làm được việc.

 

Chị từng nói rằng, mình không muốn vào vai hiền lành nữa?

 

Ở sân khấu kịch 5B, Võ Văn Tần, tôi mới tham gia vở "Sống thử" và "Chuyến tàu tới thiên đường" với hai vai không hiền và tính cách nhân vật khác nhau. Tôi đang cố gắng diễn những vai có tính cách khác nhau, để xem đâu là thế mạnh của mình, từ đó đi sâu hơn. Tôi cũng tham gia nhiều dạng vai: hiền, ác hoặc thâm độc, nhưng sau đó lại được mời đóng toàn vai hiền trong những phim vừa qua, nên tôi muốn thay đổi khác đi.

 

Trước đó, chị từng tham gia một số bộ phim, nhưng tới phim "Những cô gái chân dài" thì mới được biết tới, bởi đơn giản là nhân vật đó giống chị. Vậy thực sự, hình bóng của chị trong đó là thế nào?

 

Chúng tôi giống nhau là từ miền Tây lên Sài Gòn lập nghiệp, phải phấn đấu mạnh mẽ trong công việc, nhưng khác nhau nhiều vì Thủy trong phim phải trả giá đắt, còn tôi thì không bao giờ chấp nhận việc trả giá.

 

Vậy chị đã bao giờ bị rơi vào trường hợp đó?

 

Dĩ nhiên là có. Nhưng có đồng ý hay không là do sự quyết định của bản thân mình.

 

Có người đẹp nói rằng, đôi khi họ phải hét vào mặt những kẻ mặt dày. Còn chị?

 

Cũng không cần đến mức đó mà chỉ cần thể hiện hành động, nét mặt là không thích, thì họ đã phải tránh xa vì tôi nghĩ là con người, ai cũng nhạy cảm.

 

Nhưng cũng có người mặt dày, trắng trợn?

 

Tôi chưa rơi vào trường hợp đó bao giờ. Tôi nghĩ là do tính cách mình như thế nào và cách làm việc thế nào thì họ sẽ ăn nói kiểu đó. Có thể do cách sống, tính cách của tôi, nên những người đó cũng thường tránh xa tôi.

 

Như kiểu hoa hồng có gai?

 

Vâng, cũng gần như thế.

 

Phải chăng do cách chị "đề phòng" như thế, nên có cảm giác ngoài đời chị cũng như các người mẫu, diễn viên khác là khó gần?

 

Trừ khi lên sân khấu thời trang, kịch, phim ảnh, còn ngoài đời tôi là cô gái "Cần Thơ gạo trắng nước trong - Ai đi đến đó, thời không muốn về" (cười), vì tôi dễ bắt chuyện. Tôi cũng không muốn tạo khoảng cách giữa mình là nghệ sĩ và người bình thường. Vì nghệ sĩ giận hờn cũng không dám thể hiện quá ra mặt, nhiều khi phải có vỏ bọc bảo vệ mình, chứ không phải để che đậy thói hư tật xấu của mình.

 

Công chúng thường cho rằng, giới người mẫu ăn mặc khá thoáng, thậm chí khêu gợi. Nhưng nghe nói lần đầu chụp ảnh thời trang gặp phải trang phục thoáng mát, chị còn khóc? Nay là người mẫu nổi tiếng, nghĩ lại chị có thấy buồn cười?

 

Nếu anh hỏi bất kỳ ai trong giới người mẫu, nhà thiết kế thì họ đều trả lời rằng Tống Bạch Thủy không dám mặc đồ quá hở. Lần đó là đầu tiên tôi bước vào nghề người mẫu, chụp ảnh bộ sưu tập của nhà thiết kế Lê Minh Khoa, tôi không tự tin, nên ngại, sợ và khóc. Nay đã khác, tôi thoáng hơn trong cách ăn mặc nhưng không có đường nét quá đáng. Trang phục có đường nét gợi cảm với phụ nữ, nhưng đừng quá hở hang.

 

Bởi thế nhắc đến chị là người ta nhắc đến vẻ đẹp cổ điển, khép kín?

 

Khép kín thì không phải. Nhưng vóc dáng, gương mặt của tôi mặc áo dài xưa thì hợp với nét cổ điển, trang phục truyền thống.

 

Đó có phải là rào cản khi chị tiếp xúc với trang phục gợi cảm hay vai quá nóng bỏng?

 

Dù hiện nay có kỹ xảo điện ảnh, dù người đóng thế nhưng với những dạng vai "nhạy cảm" thì tôi luôn luôn có giới hạn. Nói là hy sinh vì nghệ thuật và đọng lại ấn tượng đẹp với khán giả hì người diễn viên đóng vai ấy có thể hy sinh. Nhưng nhiều khi, mình lại không thể vượt qua nổi giới hạn vô hình của gia đình.

 

Chị cũng là người ít bạn thân là người mẫu, người làm nghệ thuật?

 

Giới nghệ sĩ khá phức tạp, phải tiếp xúc nhiều người khác nhau, nên tìm bạn rất khó. Tôi có rất ít bạn trong nghề chứ không phải không có. Phần lớn, bạn thân của tôi là bạn học phổ thông ở quê. Nhiều bạn trách móc là không liên lạc được với tôi, kiểu nổi tiếng rồi không thèm nói chuyện với họ. Nhưng có thời gian, tôi về quê tập họp bạn bè, ăn uống, họ hiểu ra mọi chuyện là lại xí xóa.

 

Bất kỳ một cô gái nào cũng có một tiêu chuẩn về người bạn đời của mình để hướng tới, chờ đợi. Chị thì sao?

 

Tôi không có tiêu chuẩn cụ thể. Tất cả phụ thuộc vào cái duyên và mình chấp nhận được đến đâu. Vì tính tôi không thích bị ép buộc trong khuôn mẫu cứng nhắc. Bình thường là phụ nữ ai chả thích người đàn ông cao hơn mình một cái đầu cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Còn với tôi, người đàn ông cao hơn tôi một cái đầu về nghĩa đen thì có vẻ khó tìm. (cười)…

 

 

Theo Phạm Tiến Ngọc

Đàn Ông