Nghệ sĩ tóc Andre: “Ít ngành nào kiếm tiền dễ bằng ngành tóc”

“Nghệ thuật đích thực không thuộc về số đông. Nếu phải nói thật, thực lòng tôi cũng không ngại nói ra rằng, ít có ngành nghệ thuật nào dễ kiếm tiền bằng ngành tóc”.

Xuất hiện tại Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) chỉ vài tiếng đồng hồ trước đêm Gala Awards của Digital Story 2014, “dị nhân làng tóc” Andre cùng đàn em thân thiết, Cây kéo vàng ‘98 Trần Đức Thuận đã khiến 200 khách mời VIP ngạc nhiên thích thú khi trổ tài “hô biến” họ thành những ngôi sao của đêm tiệc.

Thời gian gần đây, nghệ sĩ tóc Andre lựa chọn phương án “im thin thít và lặn mất tăm” trước giới truyền thông để tập trung thỏa mãn đam mê tóc của mình. Bởi vậy, “bắt” được anh tại đây, được nghe anh chia sẻ về đời, về nghề, đúng là một cơ duyên hiếm có.

Andre “trổ tài tại Digital Story 2014
Andre “trổ tài" tại Digital Story 2014

Từ thiện phải bằng tiền sạch

- Nổi danh là một nghệ sĩ tóc “kiêu chảnh” bậc nhất Hà thành, chỉ nhận cắt tóc vào buổi chiều và với một số lượng cực kì giới hạn, thật ngạc nhiên khi thấy anh Andre ở đây, thực hiện cùng lúc hàng trăm kiểu tóc?

- Đây thực sự là lần “tác nghiệp” kỉ lục nhất trong 24 năm làm nghề tóc của tôi, khi cùng lúc làm đẹp cho hàng trăm người. Con người tôi thiên về nghệ thuật nên trước nay chưa bao giờ nhận show bên ngoài. Những chỗ chợ búa, hỗn tạp xô bồ không hợp với tôi.

- Vậy còn sự kiện lần này, vì lí do gì mà anh “phá lệ”?

- Không phải là phá lệ. Tôi biết chị Phan Đặng Trà My, Giám đốc điều hành Admicro, đơn vị tổ chức sự kiện này đã lâu, và rất thích cách chăm sóc tinh tế, sang trọng mà ban tổ chức dành cho khách mời, nó hợp với tạng của tôi. Hơi mệt nhưng rất vui, tôi học hỏi được nhiều điều hữu ích để hỗ trợ cho đêm Tóc Hát tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23/8 sắp tới, nơi tôi sẽ phải “thể hiện” trên 15, 20, thậm chí là 30 người mẫu trong một buổi.

- Nghĩa là, Andre giờ cũng làm “show”?

Chính xác là một đêm nghệ thuật nhằm gây quỹ từ thiện ủng hộ các ngư dân nghèo của huyện đảo Lý Sơn, khởi tâm về nhân đạo cũng như ý tưởng nghệ thuật do tôi chủ xướng, hợp tác cùng Thanh Lam, Tùng Dương và 2 cây kéo Allan, Thuận. Một thử nghiệm của bản thân tôi về chia sẻ với đồng nghiệp, với những con người mình biết. Con người vốn có tâm về từ thiện, chỉ cần động đến đúng mạch để làm cho nó khởi phát mà thôi. Khi từ thiện kết hợp với lòng yêu nước thì đã chạm đến đúng mạch nguồn của con người Việt Nam mình, trong đó có tôi.

Từ thiện, với tôi là ý nghĩ từ thiện, suy nghĩ từ thiện, hành vi đi đứng, ăn ở cũng từ thiện, đồng tiền sử dụng phải là đồng tiền sạch. “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Trong khả năng của mình, tôi chọn lấy 2 điều tu đầu. Điều 1, cố gắng làm tròn bổn phận với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Điều 2, giữa cái “chợ” rối ren, nếu không gỡ được hết thì ta chắt chiu lấy số nhỏ chất lượng, sạch, đừng ham hố số nhiều.

Thuận Lê Văn Sỹ, đàn em thân thiết của Andre cũng sẽ góp mặt tại show Tóc Hát
Thuận Lê Văn Sỹ, đàn em thân thiết của Andre cũng sẽ góp mặt tại show Tóc Hát

- Hoặc là khuếch trương cái sạch, cái hay ra với “chợ”, mà đơn giản nhất là với cộng đồng làm nghệ thuật như anh?

- Có chứ, đó là khát vọng của tôi. Ngay trước sự kiện, tôi sẽ tổ chức một lớp học đặc biệt kéo dài 2 ngày cho anh em học viên làm nghề tóc từ khắp nơi tụ hội. Tất cả những người cầm kéo, đụng chạm đến 2 chữ nghệ thuật, người ta tìm đến cái mới, đuổi bắt những cái mới của thế giới, chạy theo công nghệ. Nhưng nói về đề tài làm đẹp, trước hết phải hiểu mình đang làm gì, có hợp hay không. Chương trình làm tóc lần này sẽ là một lần “gây sốc” để các em biết mình đang ở đâu, đối tượng khách hàng của mình là ai, mình muốn gì, khách hàng mình muốn có gì.

Tôi cảm thấy gần đây ở ta, có một xu hướng thời trang ngụy thời trang, văn hóa ngụy văn hóa, toàn đi mượn của người khác làm của mình.

“Thời trang Việt loạn xạ như giao thông giờ tan tầm”

- Dường như điều đó thể hiện một sự vừa bế tắc của bản thân người nghệ sĩ, vừa choáng ngợp trước hệ thống giá trị đã quá đồ sộ của thế giới?

- Tôi dùng từ lạc lối, giống như đứa trẻ đứng giữa ngã bảy, tưởng như mình biết đi, nhưng kì thực chưa biết đâu là hướng. Muốn là nhà toán học thì trước hết phải biết 7 hằng đẳng thức đáng nhớ, biết bảng cửu chương. Ở ta đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có học viện, trung tâm nào đúng nghĩa để dạy về nghệ thuật, về tóc.

Đành rằng cái gì cũng có thể dựa trên kế thừa, nhưng cải biến là một nghệ thuật mà anh phải có chiều sâu nhất định mới làm được. Ví như bài hát Chiếc khăn Piêu, trước đây tôi thích bản do NSƯT Kiều Hưng thể hiện, nhưng khi Tùng Dương cải biến lại theo phong cách đương đại thì vẫn thấy hay, thấy đáng tôn vinh.

Nói thật lòng, tôi thấy sợ nhiều anh em làm nghề ở VN, quá cơ hội, chộp giật. Thấy thương cho phụ nữ VN, giao phó đầu tóc, một giá trị thiêng liêng cho những người không biết họ đang làm gì, vừa mất tiền vừa bị tổn thương. Có những thứ dễ dãi đến mức không thể tưởng tượng được.

- Sự dễ dãi đến từ nhu cầu lớn, thị hiếu thấp, hay do người Việt Nam thực sự không còn lựa chọn nào khá khẩm hơn?

- Ở Việt Nam, thời trang, nghệ thuật đang loạn xạ như giao thông giờ tan tầm, nên người thợ làm bừa mà không biết sợ. Ví dụ như bạn là một người đàng hoàng, làm một công việc nghiêm túc. Một giây phút nào đó, bạn lạc vào chỗ anh thợ làm tóc, bị làm một kiểu đầu như gái đàn đúm chơi bời. Lúc về, người yêu của bạn cảm thấy hụt hẫng xa lạ, đồng nghiệp của bạn thấy phản cảm, đối tác của bạn cảm thấy coi thường, lúc đó phải làm sao? Ở nước ngoài như Mỹ, Canada, bạn có thể quay lại chỗ đó, yêu cầu phải bồi thường tất cả các thiệt hại đã gây ra. Như vậy thì ai còn dám đùa với ngành tóc? Ở VN thì khác, hoàn toàn xuề xòa, không ai phải chịu trách nhiệm với công việc của mình.

Tôi không chấp nhận được cách làm việc như vậy, tôi đòi hỏi sự nghiêm túc và đầu tư tâm sức ở từng chi tiết nhỏ nhất. Anh hùng có khi không chết vì chiến trận, lại chết vì lỗ chân trâu. Vậy nhưng nhiều người lại coi thường, dễ dãi từ những cái cơ bản.

- Nhưng thực lòng mà nói, anh cũng là người may mắn, vì với chất nghệ sĩ của anh, nếu không hội đủ điều kiện thuận lợi khác, chắc cũng sẽ rất khó mà tồn tại giữa mặt bằng như vậy?

- Tôi đúng là người may mắn (cười). May mắn vì tiếng Anh cũng thạo như tiếng Việt, được đào tạo bài bản, có kiến thức đủ dùng và cũng có sự tinh tế đủ để đối thoại và kết giao. Đi tỉnh hay lên các trang mạng, tôi thường xuyên gặp những tình huống hài hước khi những người tôi chưa từng gặp, chưa từng cắt tóc cho ngang nhiên kể với mọi người chuyện “thằng Andre” đó kiêu chảnh ra sao. Trong khi thực sự trong đời mình tôi chưa bao giờ cư xử thiếu tế nhị hay đuổi khách. Hay như chương trình Tóc Hát lần này, chủ trương của chúng tôi là “Vì tấm lòng vàng, không vì thương hiệu vàng”.

Thanh Lam - Tùng Dương, 2 người bạn thân thiết của Andre
Thanh Lam - Tùng Dương, 2 người bạn thân thiết của Andre

Không phải cứ khác người là thành nghệ sĩ đâu. Khác người cũng có thể là… “khùng” lắm chứ! Quan trọng là tạo ra được giá trị, mà phải là giá trị gốc rễ, chứ không phải giá trị cơ hội, bề mặt. Giá trị lớn nhất trong nghệ thuật là giá trị cảm nhận.

- Mà để tạo ra giá trị, trước hết phải có bản sắc?

- Bây giờ làm thầy dễ lắm, tối lên mạng search Google “kiểu cắt mới nhất 2015”, ngày mai gọi một đám học trò, đệ tử lại dạy cắt trên ma-nơ-canh. Phải có ai đó nói cho họ tỉnh, rằng tóc của ma-nơ-canh là tóc polyester, tóc người là keratin. Ma-nơ-canh không có xoáy, người thì có xoáy. Ma-nơ-canh chỉ có một kiểu trán, người có trán rộng trán hẹp trán tròn trán vuông. Rồi các “cây kéo vàng” cấp huyện, cấp tỉnh mọc ra khắp nơi, chỉ cần bỏ ra chút tiền là danh hiệu treo đầy tiệm. Như vậy thì lấy đâu ra người làm nghề đúng nghĩa, nói gì đến tạo ra nghệ thuật.

Nghệ thuật là thử nghiệm, là cải tiến cải biến, sinh sôi nảy nở.

Không gì dễ kiếm tiền bằng ngành tóc

- Nhưng nghệ thuật đích thực vốn dĩ ít thuộc về số đông, còn thời trang tóc lại thuộc về số đông?

- Nghệ thuật đích thực không thuộc về số đông. Nếu phải nói thật, thực lòng tôi cũng không ngại nói ra rằng, ít có ngành nghệ thuật nào dễ kiếm tiền bằng ngành tóc. Tùy tiện đến nỗi nhiều người không thích nghề này cũng lao vào vì dễ kiếm tiền; con cái thất học, lêu lổng thì gửi đi học cắt tóc. Nghệ thuật là có giới hạn, nếu bạn vượt quá thì chỉ còn là kinh doanh, sao còn ra nghệ thuật được nữa? Kinh doanh bầy đàn, cứ có tiền là chộp giật, bất chấp, khách hàng thì chỉ nghe lời đồn, không có khả năng thẩm định. Những người tập trung vào mục đích kinh doanh, biết gãi đúng chỗ ngứa của xã hội, kiếm tiền tỉ dễ như chơi.

Nhưng quan trọng, tôi biết mình là ai, mình đang ở đâu và cần gì. Trong nghề bây giờ, tôi không cần có đối thủ mà cũng không có ai để đố kị. Tôi sẵn sàng học hỏi và chia sẻ. Tôi thấy thương những con người đó, vừa thương vừa trách. Âu cũng là “gặp thời thế thế thời phải thế”.

- Giới thời trang, nghệ thuật trong nước thường lựa chọn “nam tiến” như một hướng đi thuận lợi, tại sao anh lại chọn cho mình con đường ngược lại?

- Đúng là đa phần người ta nhắc đến “nam tiến”, chứ chẳng mấy ai “bắc tiến”. Bản thân tôi đã chứng kiến rất nhiều người ra bằng máy bay Vietnam Airlines, về bằng xe khách Hoàng Long, bao nhiêu hy vọng vốn liếng đều tan nát. Nhưng tôi thích làm việc khó, thích phục vụ những người cực kì khó chịu, cực kì có điều kiện và có niềm đam mê “khủng khiếp”. Người Bắc có một câu mà tôi rất tâm đắc: Đã không thích, cho cũng không nhận; đã thích, đuổi cũng không đi. Ở Việt Nam, tôi dám chắc không có tiệm nào nhiều khách hàng siêu giàu như tiệm tôi, nhưng tất cả đều lấy một giá và xếp hàng như nhau; có những đại gia “oán trách” rằng trong cuộc đời, chỉ khi đến chỗ tôi, họ mới phải chấp nhận “leo cây” nhiều đến thế.

Người nước ngoài tôn trọng một nghệ sĩ làm tóc, còn ở VN chỉ coi đó là “thằng, con” cắt tóc. Tôi tự hào rằng với khách hàng của mình, chưa bao giờ họ coi tôi chỉ là một người thợ cắt tóc.

“Trong nghề bây giờ, tôi không cần có đối thủ”.
“Trong nghề bây giờ, tôi không cần có đối thủ”.

- Nhưng chọn chỗ khó, hẳn cũng vì đất Hà Nội hợp với “tạng” của anh?

- Nhạc sĩ Trần Tiến nói: “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người thôi.” Còn tôi thì thấy ngược lại, Hà Nội cái gì cũng nhất, nóng nhất, lạnh nhất, “sĩ" cũng nhất, mà văn hóa nghệ thuật cũng là nhất. Riêng trong một khu Hồ Gươm, có bao nhiêu ý tưởng nghệ thuật mà chỉ đến đây mới nảy sinh thành tác phẩm? Những họa sĩ tôi yêu thích và ngưỡng mộ nhất cũng đều ở Hà Nội.

Thấm thía cái chất văn hóa, cái sự thâm trầm sâu sắc vô biên của người Hà Nội, thì thật khó lòng không cảm mến. Tôi đã từng sống ở London, New York, Dallas, Vancouver (Andre lớn lên ở nước ngoài và hiện mang quốc tịch Canada - PV), từng đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng sau tất cả, tôi vẫn yêu nhất Hà Nội và tự hào là người Hà Nội, dù đi đâu thì Hà Nội cũng vẫn là nơi tôi muốn trở về. Tôi cũng là người may mắn, khi ở đây có những bạn bè yêu mến mình nồng nhiệt và vô điều kiện.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đan Linh