Mỹ Hạnh: Một năm có 200 ngày làm vợ

Dù bận rộn đi hát và quản lý phòng trà 2B, Mỹ Hạnh vẫn dành nhiều thời gian cho gia đình. Chị đang rất mong có đứa con đầu lòng trong tương lai gần.

Làm một người bận rộn, chị cảm thấy thế nào?

Cái gì cũng có hai mặt, làm người bận rộn một mặt là may mắn vì có được công việc, mặt kia là phải lo lắng nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu phải chọn lựa, tôi sẽ chọn làm người bận rộn vì như thế sẽ bớt bị ù lì.

Một năm chị có bao nhiêu ngày làm vợ?

200 ngày.

Một con số khá lớn cho người của công chúng. Nhưng ngoài đi hát, làm vợ, chị còn kinh doanh nữa. Vậy chị sắp xếp thời gian thế nào?

Thực tình thì tôi chẳng có năng khiếu gì trong chuyện này, một tay ông xã tôi lo hết. Cái nghề kinh doanh mà tôi đang làm có thuận tiện là liên quan trực tiếp tới chuyện ca hát. Tôi chỉ tìm hiểu xem khán giả của mình là ai, liên hệ và mời ca sĩ.

Những ca sĩ nào không nằm trong "tầm ngắm" của chị?

Phải nói ngay rằng không có sân khấu nào tại Sài Gòn hội đủ tất cả các ca sĩ, vì lượng ca sĩ rất nhiều, đến mức không thể kể được. Vì vậy, mỗi sân khấu sẽ tìm cho mình một kiểu ca sĩ, có thể là sao, cũng có thể là ca sĩ không nổi tiếng nhưng có giọng hát đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Chỗ của tôi có đối tượng khán giả là trung niên, mỗi đêm từ 150 đến 350 khách, cho nên cần 10 ca sĩ để đáp ứng.

Làm nghề như chị khó hay dễ?

Thuận tiện đầu tiên và giữ yếu tố quyết định là tôi đã ở trong nghề này gần 20 năm, nên cũng dễ nắm bắt tình hình. Tôi không phải là người giỏi trong lĩnh vực này nhưng vì đồng cảm nên dễ chia sẻ, vì vậy mà có trách nhiệm và uy tín.

Nghề ca hát là nghề của cái tình. Mà chữ "tình" thì rất đa đoan. Khi mới vào nghề, ai cũng bị chèn ép ít nhiều, tôi cũng thế, như một quy luật, nay thành chủ thì cũng ứng xử với các ca sĩ khó khăn hơn. Tôi rất khó xử khi ca sĩ đi trễ, nếu nói thì bảo rằng tôi không biết chia sẻ, mà không nói thì tạo ra tiền lệ, vi phạm vào quyền thưởng thức của khán giả. Tuy nhiên, có những trường hợp bất khả kháng thì yếu tố hợp đồng và nguyên tắc làm việc cũng phải bỏ qua. Thế nên, không phải tự nhiên làm quản lý tính người ta lại khác đi.

Có người cho rằng, phòng trà 2B lập ra là để chị tự lăng xê mình trong khi không còn nhiều sức hút với thị trường âm nhạc. Chị nghĩ sao?

Tuy tôi là người lựa chọn dòng nhạc, lựa chọn ca sĩ... thậm chí còn lựa chọn khách nhưng tôi cũng như những ca sĩ khác, hát theo thứ tự và số bài nhất định. Tôi chưa bao giờ cố làm trội trước các ca sĩ khác. Còn nếu có lăng xê thì đó cũng là chuyện lành mạnh, vì mình không vi phạm hay đạp lên vai người khác để nổi tiếng.

Gia đình chồng chị nghĩ gì?

Tôi không phải làm dâu vì ông xã sống tự lập từ nhỏ nên bây giờ hai vợ chồng cũng có không gian riêng. Khách quan mà nói, tôi là người có hiếu. Tôi có ít bạn và ít bè, nên với những ai được gọi là người thân, tôi không bao giờ tính toán. Vì mọi tính toán với người thân đều không có ý nghĩa gì.

Chị từng nói, lúc còn tuổi mộng mơ chị muốn làm luật sư. Nếu phải chọn lựa lại một lần nữa, chị sẽ chọn gì?

Vẫn là ca sĩ, vì luật sư là nghề mà tôi chưa làm ngày nào nên đâu thể biết khó dễ. Tuổi mộng mơ tôi ở Nha Trang, lúc đất nước đang rất khó khăn, đâu có nhiều cơ hội để chọn lựa như bây giờ. Tôi học giỏi văn và hay lý sự nên bố mẹ hay nói đùa là cô luật sư nhỏ. Nhưng tôi vẫn có linh cảm rằng, mình phù hợp với ca hát hơn dù không biết có cái gọi là nghề ca hát không nữa... Còn bây giờ, điều quan trọng nhất với tôi là có một đứa con đầu lòng trong tương lai gần.

Chị sẽ cho con mình xem "chân dung" nào của chị?

Tôi thấy mình sống không có gì phải xấu hổ nên không cần thiết phải che đậy bất kỳ "chân dung" nào.

Theo Thế Giới Nghệ Sĩ